Ông Đặng Văn Thành: Thương hiệu bắt đầu từ trách nhiệm và tinh thần doanh nhân

Nguyên Nga
Nguyên Nga
06/04/2023 11:48 GMT+7

Có tham vọng đưa thương hiệu đường của Việt Nam niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore, ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công khẳng định, muốn xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt, phải bắt đầu tư trách nhiệm và tinh thần doanh nhân. Tọa đàm "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 6.4 cũng ghi nhận rất nhiều quan điểm, đề xuất có trách nhiệm của các doanh nhân Việt Nam trong lĩnh vực này.

Nhà sản xuất đứng đầu mía đường, nước dừa đóng chai...

Ông Đặng Văn Thành chia sẻ, từ lúc Việt Nam tham gia vào nền kinh tế thị trường, yếu tố thương hiệu cho nông sản Việt đã được chú trọng. Tuy nhiên, muốn xây dựng được thương hiệu quốc gia, phải bắt đầu từ thương hiệu cá nhân, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp. 

Ông Đặng Văn Thành: Thương hiệu bắt đầu từ trách nhiệm và tinh thần doanh nhân - Ảnh 1.

Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công cho rằng, nền kinh tế thực phẩm phải hướng đến ăn để thưởng thức, không phải ăn để sống nữa. Điều này gắn trách nhiệm và tinh thần của doanh nhân

ĐỘC LẬP

Muốn vậy, việc xây dựng thương hiệu nông sản là cả một quá trình, từ sản phẩm, công nghệ, bao bì đến khí hậu, thổ nhưỡng... và đặc biệt là con người.

Cầm hộp nước dừa thương hiệu Cocoxim Betrimex trên tay, ông Đặng Văn Thành nói, trước đây, khi tập đoàn chưa đầu tư nhà máy tại Bến Tre để làm sản phẩm này, nước dừa tại Việt Nam đa số chỉ sản xuất làm nước màu (nước màu kho cá, thịt, chế biến thực phẩm - PV). "Chủ tịch tỉnh tại thời điểm đó là anh Nguyễn Thành Phong nói với tôi rằng nên làm gì cho trái dừa Việt Nam, vì nó rất bấp bênh. Thế là tôi bắt tay vào đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến đóng hộp nước dừa và có thể nói cho đến nay, đây vẫn là nhà máy sản xuất nước dừa đóng hộp lớn nhất tại Việt Nam", ông Thành chia sẻ và kể thêm chuyện một đồng nghiệp tại Malaysia, sau khi uống nước dừa của công ty, nhận xét: Nước dừa của Việt Nam lạ lắm, có vị ngọt rất thanh.

Nhờ thế mạnh về thổ nhưỡng khí hậu, hộp nước dừa Việt ngọt thanh hơn và đã có cơ hội đi xa, đi nhanh hơn. Đến nay, 90% sản phẩm nước dừa trong dây chuyền sản xuất của Thành Thành Công được xuất khẩu. Doanh nghiệp còn làm cả sữa dừa phục vụ cho người dân Hồi giáo tại các nước, vốn không sử dụng sữa có nguồn gốc từ động vật. "Nói như vậy để thấy, sự phong phú, sáng tạo trong công nghiệp chế biến sản phẩm có nguồn gốc từ trái cây rất đáng kể", ông nói.

Tinh thần "quyết chiến" của doanh nhân

Để làm được những điều trên, ông Thành chia sẻ là phải vượt qua được bằng tinh thần doanh nhân, nói đúng hơn là tinh thần doanh nông. Ông ví von: "Bây giờ là không "đỗ văn thừa" hay "đùn văn đẩy" nữa. Riêng về đường, khi Việt Nam gia nhập ATIGA, doanh nghiệp rất lo ngại, giới hạn hạn điền cùng nhiều vướng mắc khác. Nhưng cái gì cũng phải có giải pháp, không thể bó tay. Với suy nghĩ như vậy, Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, trực thuộc Tập đoàn Thành Thành Công) đã quyết tâm nghiên cứu, phát triển, xây dựng theo mô hình phát triển bền vững từ trong nước rồi vươn ra thế giới. "Đến nay, có thể tự hào mà nói Thành Thành Công đại diện cho ngành mía đường Việt được rồi, chúng tôi đã xuất khẩu những mặt hàng đặc trưng. Vừa rồi tôi có kiến nghị với Bộ Công thương cho nhập khẩu đường thô thôi, không nên cho nhập đường tinh, đưa chế biến sâu vào, mang lại công ăn việc làm... Xuất trực tiếp trái cây, nhưng chế biến phải chế biến sâu thì giá trị gia tăng mang lại mới cao. Bằng không chỉ có xuất khẩu thô mà thôi"- ông Thành nhấn mạnh.

Ông Đặng Văn Thành: Thương hiệu bắt đầu từ trách nhiệm và tinh thần doanh nhân - Ảnh 2.

Tọa đàm "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt" do Báo Thanh Niên tổ chức

ĐỘC LẬP

Muốn tiến đến xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu, theo ông, ngoài lợi thế các hiệp định thương mại song và đa phương mà Việt Nam tham gia ký kết, vai trò cầu nối của tham tán thương mại tại các nước là rất quan trọng. Muốn đạt được thương hiệu phải có cả quá trình, không thể "ăn xổi", nóng vội, mác 5 năm lại dán 15 năm là không thể tồn tại nổi với một nền kinh tế trí thức, toàn cầu. Vấn đề thương hiệu không chỉ câu chuyện thực phẩm mà cả trái đất phải xanh. Nhận thức đúng và đạt được thương hiệu rồi, phải tiến lên thành "tặng phẩm" mà "tặng phẩm" thì không có giá.

Ví dụ, chiếc áo sơ mi, với chất liệu đó, áo bán ngoài chợ không có thương hiệu chỉ 100.000 đồng, nhưng có thương hiệu rồi thì giá trị sản phẩm cao hơn rất nhiều.

"Nền kinh tế thực phẩm phải hướng đến ăn để thưởng thức, không phải ăn để sống nữa. Điều này gắn trách nhiệm và tinh thần của doanh nhân", ông Đặng Văn Thành nhấn mạnh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.