Đề nghị truy tố
Ngày 20.12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, gửi hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn dầu khí quốc gia VN (PVN).
Theo đó, ông Đinh La Thăng bị đề nghị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 5 bị can khác cũng bị truy tố cùng tội danh, gồm: Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank); Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường và Phan Đình Đức, cùng nguyên là thành viên HĐTV PVN. Riêng bị can Ninh Văn Quỳnh, Phó tổng giám đốc PVN, bị đề nghị truy tố cả 2 tội: cố ý làm trái và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
tin liên quan
Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho ông Đinh La ThăngSau một ngày làm thủ tục cấp giấy chứng nhận tại Cơ quan CSĐT Bộ Công an, chiều ngày 14.12, luật sư (LS) Phan Trung Hoài đã được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Đinh La Thăng.
Theo kết luận điều tra, năm 2006, PVN được Chính phủ cho phép thành lập 1 ngân hàng cổ phần dầu khí. Trong đó, PVN nắm giữ 50% vốn điều lệ. PVN đã hoàn thành một số thủ tục để thành lập Ngân hàng Hồng Việt, nhưng đến năm 2008, PVN chuyển sang phương án góp vốn mua cổ phần của OceanBank. Dù biết rõ tình hình tại OceanBank hoạt động kém hiệu quả, cũng như các chỉ đạo của Chính phủ trong việc rà soát cân đối nguồn vốn, nhưng ông Đinh La Thăng đã không có bất cứ chỉ đạo nào đối với HĐQT và Ban điều hành PVN để thống nhất chủ trương, thực hiện thẩm định OceanBank hay tính toán đến phương án khả thi khi góp vốn.
Ông Đinh La Thăng đã không thông qua HĐQT mà đã ký hợp đồng thỏa thuận góp vốn với Hà Văn Thắm, Chủ tịch OceanBank khi đó, cũng không báo cáo với Thủ tướng theo quy định. Sau khi ký thỏa thuận, ông Đinh La Thăng tiếp tục có chủ trương, ký ban hành các nghị quyết góp vốn, bổ sung vốn vào OceanBank cũng chưa có chỉ đạo của Thủ tướng. Việc làm của ông Đinh La Thăng là trái các quy định tại nghị định của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, đã gây thiệt hại 800 tỉ đồng cho PVN tại OceanBank.
Đối với các ông Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường và Phan Đình Đức đã tham gia biểu quyết đồng ý để ban hành chủ trương góp vốn bổ sung 100 tỉ đồng theo nghị quyết của PVN vào tháng 5.2011, nâng tổng số góp vốn của PVN lên 800 tỉ đồng, tương đương 20% vốn điều lệ OceanBank là trái quy định điều 55, luật Các tổ chức tín dụng năm 2010: ‘‘Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng’’. Hậu quả, PVN đã mất toàn bộ khoản tiền 800 tỉ đồng tại OceanBank.
Cũng theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Xuân Sơn báo cáo đề xuất PVN biểu quyết, phê duyệt góp vốn bổ sung khoản 100 tỉ đồng vào OceanBank là phạm vào hành vi cố ý làm trái. Tương tự, bị can Ninh Văn Quỳnh đã tham mưu, báo cáo đề xuất cho Nguyễn Xuân Sơn góp vốn bổ sung vào OceanBank. Ngoài ra, trong giai đoạn 2009 - 2013, Ninh Văn Quỳnh đã nhận 20 tỉ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn, khoản tiền này có nguồn gốc là tiền của OceanBank chi lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền thuộc PVN. Do đó, Ninh Văn Quỳnh bị truy tố thêm cả tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Khai báo thiếu thành khẩn
Kết luận điều tra cho biết, trong quá trình làm việc với Cơ quan CSĐT, các bị can Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường và Ninh Văn Quỳnh có thái độ khai báo thành khẩn, phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ bản chất vụ việc. Còn bị can Nguyễn Xuân Sơn có thái độ chưa hợp tác, khai báo quanh co.
tin liên quan
Ông Đinh La Thăng từng dàn xếp nhằm trốn tránh trách nhiệm để xảy ra sai phạm tại PVNCơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ, khi đang là Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Đinh La Thăng đã có những động thái nhằm trốn tránh trách nhiệm để xảy ra sai phạm tại PVN.
Đáng chú ý, ông Đinh La Thăng khai báo thiếu thành khẩn, né trách nhiệm, hợp thức hóa tài liệu không đúng bản chất sự thật, gây cản trở hoạt động điều tra. Cụ thể, vào tháng 3.2017, khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư làm việc với PVN để làm rõ một số dấu hiệu vi phạm thì ông Đinh La Thăng, lúc này là Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã gọi điện nhờ một số người là thành viên HĐQT PVN năm 2008 xác nhận việc năm 2008, HĐQT PVN có họp bàn về chủ trương góp vốn vào PVN. Ông Đinh La Thăng đã sử dụng giấy xác nhận để cung cấp cho cơ quan chức năng nhưng sau khi bị bắt tạm giam vào ngày 8.12, ông Đinh La Thăng đã xin thay đổi lời khai và thừa nhận sự việc trên. Cơ quan CSĐT cũng đã làm việc với một số người đã được ông Đinh La Thăng “nhờ vả”, qua đó cho thấy do cả nể nên những người này đã ký xác nhận cho ông Thăng, trên thực tế họ không được ông Thăng trao đổi hay bàn bạc gì việc góp vốn vào OceanBank vào năm 2008.
Ngoài vụ án này, ông Đinh La Thăng còn phải chịu trách nhiệm trong vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, do Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang thụ lý.
Khởi tố nguyên Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực
Ngày 20.12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí VN (PVN), để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 165 bộ luật Hình sự.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD), công suất thiết kế 1.200 MW, do PVN làm chủ đầu tư. Nhà thầu là Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC - đơn vị thành viên PVN), thực hiện. Mặc dù mới có chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án, chưa ký hợp đồng EPC, nhưng PVN đã làm thủ tục chuyển 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỉ đồng cho Ban Quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, qua đó cho PVC tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước tính đến thời điểm hợp đồng EPC có hiệu lực (ngày 11.10.2011) là hơn 51,7 tỉ đồng và hơn 66.000 USD tiền lãi.
Đối với PVC, sau khi nhận được khoản tiền tạm ứng lớn từ Ban Quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, lãnh đạo PVC thời điểm đó là ông Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT, và Vũ Đức Thuận - Tổng giám đốc đã sử dụng không đúng mục đích như: trả nợ ngân hàng, góp vốn vào 5 công ty con. Đến nay, có 3 công ty kinh doanh thua lỗ, không thu hồi được vốn, PVC đã phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ.
Liên quan đến vụ án này, trước đó Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng đã ra thông báo về việc thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét đối với Lê Đình Mậu, Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Kế toán và Kiểm toán PVN; Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN; Trần Văn Nguyên, Kế toán trưởng Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC. Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận và nhiều người khác cũng đã bị Cơ quan An ninh điều tra bắt tạm giam để điều tra các hành vi có liên quan.
Trách nhiệm của ông Phùng Đình Thực cũng đã được Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhắc đến hồi tháng 4.2017 khi kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại Ban Cán sự Đảng PVN. Ông Thực cũng vi phạm công tác tổ chức, cán bộ, thiếu trách nhiệm trong việc nhận xét không đúng đối với Trịnh Xuân Thanh khi chuyển công tác về Bộ Công thương; không chỉ đạo xem xét vi phạm của Nguyễn Xuân Sơn khi làm Tổng giám đốc OceanBank... Có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.
Từ các sai phạm này, Ủy ban Kiểm tra T.Ư quyết định: Cách chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Phùng Đình Thực; yêu cầu Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương khẩn trương xem xét kỷ luật hành chính tương ứng.
Thái Sơn
|
Bình luận