Ông đồ già 'ăn khách' xin chữ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám

17/02/2018 19:36 GMT+7

Văn Miếu Quốc Tử Giám tấp nập người đến xin chữ. Tuy nhiên, tâm lý người dân thích xin chữ ông đồ già hơn.

Ông Nguyễn Văn Thanh (80 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đến Văn Miếu từ sáng mùng 2 Tết (17.2) để xin chữ về nhà treo. Ông muốn có chữ Ơn. “Một là tạ ơn trời đất đã cho tôi sống đến tuổi này. Hai là ơn ông bà bố mẹ đã cho tôi cuộc sống yên ổn, con cái ngoan ngoãn. Nhưng tôi xin chữ quốc ngữ, chứ không xin chữ Hán Nôm, vì tôi không đọc được chữ Hán Nôm”, ông Thanh nói.
Bà Hoàng Minh Hằng (64 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đi cùng cháu tới xin chữ, mong cho cháu học giỏi. “Tôi không đọc được chữ Hán Nôm. Nhiều người xin chữ khác cũng vậy. Nhưng nghe nói người viết chữ đều đã được kiểm tra. Nên tâm lý là tôi thấy mọi người thích xin chữ của các ông đồ già hơn là người trẻ”, bà Hằng cho biết.
Ở Văn Miếu, hiện tại có hai nơi có thể xin chữ. Một ở nhà Thái Học, một ở hồ Văn. “Theo truyền thống thì vẫn có cho chữ ở phía trong Văn Miếu. Trước đây vài năm còn có phố ông đồ ở phía ngoài Văn Miếu. Nay chúng tôi đã đưa những người viết chữ ở ngoài Văn Miếu vào khu hồ Văn. Tất nhiên, những người này đã được tuyển chọn để bảo đảm hiểu biết về chữ nghĩa, có thể viết đẹp và cũng có thể giải thích ngữ nghĩa cho người xin chữ”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám nói.
Cũng do nhu cầu của người dân, có cả việc cho chữ Hán Nôm lẫn chữ Quốc ngữ. Những người tham gia cho chữ ở đây, bất kể là Hán Nôm hay Quốc ngữ đều phải qua kỳ thi để bảo đảm có hiểu biết về lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám. Họ cũng được sát hạch cả khả năng viết đúng lẫn viết đẹp.
Ở khu vực hồ Văn, người dân có thể trực tiếp xin chữ và mua giấy tại các gian hàng. Giá giấy viết chữ thay đổi theo loại giấy và khổ giấy. Tuy nhiên, Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám đã quy định giá trần là 200.000 đồng/tờ. Ở khu vực nhà Thái học, giấy được bán tại một quầy riêng. Người dân mua giấy với giá 100.000 đồng rồi đi xin chữ. Giá chữ không có quy định cụ thể, tùy tâm người trả.
“Năm nay, người dân xin chữ ở khu vực hồ Văn đông hơn năm trước. Người dân cũng vẫn có tâm lý thích người già cho chữ hơn. Tuy nhiên, trình độ của những người trẻ ở đây viết chữ cũng rất tốt vì được học bài bản”, ông Kiêu cho biết. Để đáp ứng dòng người tăng nhanh này, các dịch vụ đặc biệt là khu vệ sinh cũng đã được bổ sung và kiểm tra thường xuyên.

Xin chữ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám là thói quen của nhiều người dân Hà Nội. Năm nay, hội chữ Xuân được tổ chức từ 9- 25.2, tức 24 tháng chạp năm Đinh Dậu đến 10 tháng giêng năm Mậu Tuất. Thời gian cho chữ từ 8 - 20 giờ hằng ngày, riêng các ngày mùng 1 - 3 tết từ 8 - 22 giờ.

Năm nay, có 63 ông đồ đã qua sát hạch để được quyền cho chữ tại Hồ Văn. Ban tổ chức cũng mời thêm 8 khách mời là những nhà nghiên cứu Hán Nôm để cho chữ tại khu vực nhà Thái học. Chủ đề của hội chữ năm này là Hiền tài, nhằm tôn vinh nhân tài, những người làm nên giá trị cho quốc gia.

Những ông đồ già được người dân yêu thích Ảnh Ngọc Thắng
Nhiều người chọn xin chữ quốc ngữ Ảnh Ngọc Thắng
Cô đồ cho chữ ngày xuân Ảnh Ngọc Thắng
Khu vực mua giấy phía nhà Thái học Ảnh Ngọc Thắng
Vui mừng vì xin được chữ Ảnh Ngọc Thắng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.