‘Ông đồ' trẻ dạy viết thư pháp miễn phí

Vũ Thơ
Vũ Thơ
10/02/2019 14:51 GMT+7

Anh Lê Văn Khuyến (29 tuổi), Trường Sĩ quan chính trị (Bộ Quốc phòng) được gọi là 'ông đồ' trẻ vì anh viết thư pháp rất đẹp và còn dạy miễn phí cho những ai có niềm đam mê với thư pháp.

Học viết thư pháp từ đường phố
Tại Ngày hội Sáng tạo trẻ năm 208 do T.Ư Đoàn tổ chức, diễn ra tại Hà Nội, “ông đồ” trẻ Lê Văn Khuyến ngồi múa bút trong không gian trưng bày của Đoàn Thanh niên Trường Sĩ quan chính trị và đã thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ. Ai đến xem muốn xin chữ, “ông đồ” lại cho. Chỉ trong khoảng 5 -10 phút, qua vài nét bút lông, mực tàu và giấy đỏ, dưới bàn tay điệu nghệ của "ông đồ", nét chữ Việt đã hiện ra như rồng bay, phượng múa.
Đặc biệt, với mỗi chữ, “ông đồ” lại viết tặng kèm một lời tựa có ý nghĩa răn dạy sâu sắc như: chữ "Trí" sẽ có lời tựa: “Tài sản quý giá nhất của con người là trí tuệ và sức khoẻ”; chữ "Nhẫn" sẽ cùng lời tựa: “Hữu tâm ắt thành tựu. Vô nhẫn bất thành nhân”; chữ "Tâm" sẽ kèm lời tựa: “Tâm an vạn sự an”…
Điều thú vị anh Khuyến chỉ bắt đầu tự học viết thư pháp từ thời là sinh viên Trường Sĩ quan chính trị. “Gia đình tôi không có ai theo ngành nghệ thuật. Bố mẹ tôi đều làm nông. Trước đây, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thành “ông đồ”. Hồi học cấp 3, khi xem một người viết thư pháp, tôi bắt đầu thấy thích và khi vào đại học tôi đã học viết thư pháp từ năm thứ nhất”, anh Khuyến chia sẻ.
Anh Khuyến cũng cho biết, anh tự học trên mạng, học ông đồ và học trên đường phố. “Khi có dịp đi đâu, gặp được các ông đồ, tôi lại nán lại để học hỏi. Nhất là những dịp đầu xuân, tôi thường đến các lễ hội truyền thống để tìm hiểu về văn hoá và học viết thư pháp”, anh Khuyến kể.
“Tôi nhớ nhất một kỷ niệm trong quá trình tự học thư pháp của mình. Đó là trong lần tôi gặp một cụ đồ để tìm hiểu về khái niệm viết thư pháp. Cụ bảo tôi: Thư pháp không có gì là khó cả. Chữ đẹp, tâm hồn đẹp đã là thư pháp rồi”, anh Khuyến chia sẻ.
Cũng từ lời răn dạy đó, khi đã thành “ông đồ”, anh Khuyến luôn tâm niệm mang chữ đi cho để lan truyền những nét đẹp truyền thống và giá trị nhân văn từ con chữ tới mọi người, nhất là giới trẻ.
Chữ Việt và ý nghĩa của con chữ qua thư pháp của "ông đồ" Lê Văn Khuyến Ảnh Vũ Thơ
Lan truyền nét đẹp truyền thống cho người trẻ
Anh Khuyến hiện là Bí thư Đoàn Tiểu đoàn 4 Trường Sĩ quan chính trị. Với vai trò là cán bộ Đoàn, anh cùng đơn vị thành lập câu lạc bộ viết thư pháp để dạy miễn phí cho những ai có nhu cầu và lan truyền niềm đam mê với môn nghệ thuật này. “Do điều kiện thời gian nên tôi không mở được lớp học với giờ học cố định, nhưng trong những giờ nghỉ, ngày nghỉ, ai muốn học hỏi, tôi đều sẵn sàng hướng dẫn chỉ bảo, nên câu lạc bộ viết thư pháp ngày một lớn dần”, anh Khuyến cho hay.
Đặc biệt, anh đã cùng đơn vị mang nét đẹp của thư pháp đi khắp nơi khi tổ chức các hoạt động Đoàn ngoài nhà trường. Đến đâu, anh cũng cho chữ miễn phí những người yêu thích. Khi tôi hỏi anh lấy nguồn kinh phí từ đâu để đi “cho không” chữ như vậy, anh Khuyến cho hay, đó là khoản “tiền túi” do anh và các đồng đội tự nguyện đóng góp. “Kinh phí giấy mực cũng không nhiều, nên chúng tôi tự bỏ ra thôi. Cho được chữ là lan truyền được nét đẹp truyền thống cho mọi người”, anh Khuyến chia sẻ.
Nhận xét về anh Khuyến, ông Trần Xuân Chuyên, Trưởng Ban Thanh niên, Trường Sĩ quan chính trị, cho hay: “Nghệ thuật viết thư pháp là hoạt động bổ ích và hết sức có ý nghĩa, được tổ chức thường xuyên trong nhà trường, tạo sân chơi rất ý nghĩa cho học viên, đoàn viên thanh niên. Anh Khuyến là một trong những người viết thư pháp đẹp nhất của nhà trường, thường xuyên tham gia các hoạt động lớn của đơn vị trên toàn quốc”.
Đồng thời, ông Chuyên cũng cho biết: “Đối với nhà trường, anh Khuyến luôn tổ chức các hoạt động bồi dưỡng cho học viên, để lan truyền nét đẹp văn hoá truyền thống cho giới trẻ, nhất là những người sẽ trở thành cán bộ chính trị. Đây là một nội dung được thủ trưởng, ban giám hiệu nhà trường và tổ chức Đoàn quan tâm và đánh giá rất cao”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.