Ông Đoàn Ngọc Hải xử lý người để chó chạy rông ở trung tâm thành phố

An Huy
An Huy
19/07/2018 15:23 GMT+7

Ông Đoàn Ngọc Hải yêu cầu chấn chỉnh việc nuôi chó, không thả rông gây nguy hiểm và mất vệ sinh đường phố. Sau ngày 14.8, nếu người dân Q.1 (TP.HCM) vi phạm sẽ bị xử lý.

Ngày 19.7, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, cho biết vừa yêu cầu lãnh đạo 10 phường trên địa bàn quận cùng Phòng Văn hóa Thông tin quận tuyên truyền đến người dân về vấn đề nuôi chó. Cơ quan chức năng các phường phải xử lý tình trạng người dân thả chó không đeo rọ mõm khi ra đường, chạy rông phóng uế gây mất vệ sinh. 
Bên cạnh đó, ông Đoàn Ngọc Hải yêu cầu Phòng Y tế Q.1 phổ biến điều kiện nuôi chó tại các khu dân cư, đô thị; tuyên truyền phòng chống bệnh dại cho chó... “Các biện pháp tuyên truyền trên, lãnh đạo các phường phải có trách nhiệm thông tin rộng rãi đến người dân xong trước ngày 14.8. Sau thời gian này, cơ quan chức năng quận sẽ tăng cường tuần tra xử phạt, cưỡng chế các trường hợp vi phạm”, ông Hải cho biết.
Sau ngày 14.8, cơ quan chức năng quận 1 sẽ tăng cường tuần tra xử phạt các vi phạm khi nuôi chó ẢNH: AN HUY
Hiện tại, Chi cục Thú y TP.HCM chịu trách nhiệm triển khai lực lượng bắt chó chạy rông bằng cách lái ô tô chuyên dụng tuần tra trên nhiều tuyến đường tại 24 quận, huyện.Khi phát hiện chó chạy rông không rọ mõm, người làm nhiệm vụ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng chặn bắt và đưa về đơn vị. Nếu quá thời gian quy định, chủ sở hữu không đến đóng phạt nhận lại thì cơ quan chức năng sẽ thiêu hủy chó bị bắt.
Tuy nhiên, lực lượng nói trên hiện quá mỏng, chỉ với 2 cán bộ thú y và một xe tải chuyên dụng đi tuần tra nên không thể xử lý hết khiến người dân bức xúc trước tình trạng chó chạy rông gây nguy hiểm. 
Điều 7 của Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y nêu rõ, phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Vi phạm cả hai trường hợp thì bị phạt 1,6 triệu đồng
Đối với các khoản tiền phạt từ 600.000 đồng trở lên có rất nhiều cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm, bao gồm: Chủ tịch UBND các cấp, Chánh thanh tra từ Sở đến Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành về thú y; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Cục thú ý; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở/Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành về thú y; Trạm trưởng, đội trưởng CAND đang thi hành công vụ; Trưởng công an cấp xã….
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.