Nhiều kỳ vọng
Rạng sáng 8.11 (giờ VN), chốt phiên giao dịch trên sàn London (Anh), giá cà phê Robusta bật tăng ở cả 4 kỳ hạn giao hàng, với mức tăng từ 4,06 - 4,2%. Đây mức tăng giá cao nhất trong khoảng hơn 1 tháng qua, khi VN bước vào niên vụ thu hoạch 2024 - 2025. Mỹ là thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ 5 của VN (sau Đức, Ý, Nhật Bản, Tây Ban Nha) với khối lượng gần 91.000 tấn trong niên vụ 2023 - 2024. Việc giá cà phê Robusta bật tăng mạnh sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ khiến nhiều người trong ngành này vui mừng, kỳ vọng.
Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Intimex Group, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hàng đầu VN, đặc biệt là cà phê, nói theo quan sát của cá nhân ông, chính quyền Mỹ lâu nay và bản thân Tổng thống đắc cử Donald Trump rất có thiện cảm với VN. Đây là một lợi thế chính trị rất quan trọng. Thực tế, từ nhiệm kỳ cầm quyền trước đây, các chính sách của ông Trump luôn hướng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và làm cho USD mạnh lên. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, VN là nước xuất khẩu nên khi USD mạnh lên sẽ giúp hàng hóa của VN có thêm tính cạnh tranh trên thị trường Mỹ cũng như các nước khác.
"Mỹ là thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ 5 của VN với khối lượng 91.000 tấn và giá trị gần 310 USD, trong niên vụ 2023 - 2024. Không chỉ có cà phê mà chúng ta có thể kỳ vọng thương mại của VN, đặc biệt là nông sản, sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới", ông Nam nói.
Với mặt hàng điều, nhiều tín hiệu lạc quan cũng dấy lên khi Mỹ có Tổng thống mới. Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều VN (VINACAS), nhận định: Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ có thể ảnh hưởng đáng kể đến các ngành hàng xuất khẩu của VN, trong đó có ngành điều. Hiện tại quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa VN và Mỹ đang rất tốt, có xu hướng tăng trưởng ổn định. Ngành điều VN có lợi thế khi không gặp phải cạnh tranh trực tiếp từ nông dân Mỹ vì cây điều không được trồng tại nước này.
Trong nhiều năm, nhân điều VN đã không gặp phải rào cản thuế quan tại thị trường này, và hiện Mỹ cũng nhập khẩu phần lớn hạt điều từ VN. Chúng tôi hy vọng chính phủ mới của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì chính sách mở cửa và ủng hộ tự do thương mại, để các sản phẩm điều VN, bao gồm các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao như điều rang, điều chiên, bánh kẹo điều và các sản phẩm phụ như dầu vỏ hạt điều, Cardanol… có thể tiếp tục thâm nhập và phát triển vững chắc tại thị trường Mỹ.
Động lực giúp thủy sản tăng trưởng trở lại
Những năm gần đây, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của VN. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 5 năm qua dao động từ 1,5 - 2,1 tỉ USD mỗi năm. Mặc dù luôn phải đối mặt với các chính sách bảo vệ chặt chẽ như thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, nhu cầu của thị trường Mỹ vẫn rất lớn và chất lượng thủy sản VN ngày càng được cải thiện, giúp duy trì và mở rộng vị thế tại thị trường này.
Ông Trần Văn Mạnh, Tổng giám đốc Công ty Rei Seafood (TP.HCM), chia sẻ: "Tôi đang có chuyến công tác tại các nước Malaysia, Indonesia tìm kiếm thêm nguồn cung cấp nguyên liệu để đón đầu xu hướng tăng trưởng tiêu thụ của thị trường Mỹ trong thời gian tới. Sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, một số đối tác nhập khẩu đã khuyến khích công ty tôi chuẩn bị thêm nguồn hàng để sẵn sàng cho nhu cầu tiêu dùng của Mỹ có thể tăng đột biến vào thời điểm cuối năm nay và đầu năm sau. Hiện nay, sản phẩm thủy sản của chúng tôi xuất chủ yếu vào Nhật (chiếm 80%) và Mỹ (20%), nhưng thị trường Mỹ có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới".
Cùng nhận định trên, một số doanh nghiệp thủy sản VN cho rằng kết quả bầu cử tại Mỹ có thể gây xáo trộn trong nền thương mại thế giới, tuy nhiên ngành thủy sản có thể sẽ ít bị tác động, thậm chí có thể tạo ra cơ hội xuất khẩu trong thời gian tới.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), phân tích: "Trong bối cảnh Mỹ - Trung đang đối đầu thương mại, có thể xảy ra những thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng và nhập khẩu của Mỹ. Cụ thể, Mỹ có thể giảm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có VN. Tôm và cá tra là những sản phẩm thủy sản chủ lực của VN xuất sang Mỹ, và việc Mỹ tăng thuế quan đối với thủy sản Trung Quốc có thể mở ra cơ hội lớn cho tôm và cá tra VN thay thế sản phẩm thủy sản Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể giảm nhập khẩu thủy sản từ Mỹ và chuyển sang nhập khẩu sản phẩm thủy sản từ VN để thay thế".
Theo nhận định của VASEP, khi đối đầu thương mại gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị xáo trộn, tạo cơ hội cho VN trở thành một nguồn cung thay thế đáng tin cậy cho các quốc gia muốn tránh thuế quan cao từ Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản. Vì vậy, VN có thể được lựa chọn làm nhà cung cấp thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những cơ hội này, các doanh nghiệp thủy sản VN cần duy trì chất lượng sản phẩm cao, tăng cường chế biến sâu và khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh những cơ hội tăng trưởng xuất khẩu được mở ra sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, nhiều thách thức về chính sách bảo vệ thị trường nội địa của Mỹ cũng được nhắc đến như một rào cản cần đối mặt.
Giám đốc một công ty thủy sản ở ĐBSCL nhận định: "Bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp thủy sản VN có thể phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ. Các biện pháp này có thể bao gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Thuế chống bán phá giá đối với tôm, cá tra và thuế chống trợ cấp với tôm VN xuất khẩu sang Mỹ có xu hướng thuận lợi hơn trong năm nay. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ dưới thời ông Trump nhiệm kỳ trước đã tăng cường các biện pháp bảo vệ liên quan đến an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Điều này có thể gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu thủy sản VN khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến tăng chi phí sản xuất và kiểm tra".
Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ và hàng rào thuế quan của Mỹ cũng có thể khiến cạnh tranh gia tăng giữa VN và các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác như Ấn Độ, Ecuador, hay Indonesia, vốn là những đối thủ lớn của chúng ta trong ngành thủy sản.
Đại diện VASEP khuyến cáo: "Để tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong bối cảnh thay đổi chính sách thương mại quốc tế, các doanh nghiệp thủy sản VN cần chủ động và linh hoạt trong việc thích ứng với các yếu tố biến động của thị trường. Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải tuân thủ đầy đủ các quy định của FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ), bao gồm các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh".
Khách hàng và người tiêu dùng Mỹ ngày càng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến bền vững, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Do đó, các doanh nghiệp thủy sản VN nên áp dụng các phương pháp nuôi trồng bền vững như nuôi tôm sạch, và nuôi trồng thủy sản theo các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao uy tín và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp cần có các kế hoạch ứng phó nhanh chóng với các thay đổi về thuế quan và biện pháp thương mại của Mỹ.
Bà Lê Hằng
(Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN)
Bình luận (0)