Ông già xóa cầu khỉ

06/02/2016 18:11 GMT+7

“Làm cầu rồi lại làm cầu / Làm cho đến lúc bạc đầu mới thôi”

“Làm cầu rồi lại làm cầu / Làm cho đến lúc bạc đầu mới thôi”

Cầu mới được hoàn thành bên cây cầu khỉ cũ
- Ảnh: H.C.ĐCầu mới được hoàn thành bên cây cầu khỉ cũ - Ảnh: H.C.Đ
Đó là 2 câu thơ bạn bè tặng Anh hùng lao động Trịnh Văn Y, người đã 15 năm qua sát cánh cùng các thành viên trong Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Bến Tre vận động tài trợ để xây dựng hơn 1.700 cây cầu kiên cố và hàng trăm ki lô mét đường bê tông.
Thành quả cống hiến của ông Y đã được nhà nước ghi nhận qua việc phong tặng ông danh hiệu Anh hùng lao động vào năm 2009, khi ông đã 68 tuổi. Năm 2015, khi sắp qua tuổi 74, ông lại được tôn vinh là một trong 51 trí thức tiêu biểu trong năm của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Hỏi “lão anh hùng” giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông có tính đến chuyện nghỉ ngơi, ông cười: “Trước đây, bạn bè từng tặng tôi 2 câu thơ “Làm cầu rồi lại làm cầu/Làm cho đến lúc bạc đầu mới thôi”. Nay tôi muốn sửa chữ “mới” bằng chữ “chưa”. “Chưa thôi” bởi tuy cầu khỉ giờ hầu như đã được xóa hết nhưng vẫn còn đó không ít cầu tạm, thêm vào đó không ít cầu xuống cấp cần duy tu, bảo dưỡng hoặc thay thế”.
Ông Y kể, sau hơn 10 năm làm Phó chủ tịch UBND tỉnh, năm 2001 ông được nghỉ hưu theo chế độ. Về hưu, ông có nhiều thời gian đi thăm lại các vùng căn cứ kháng chiến cũ và trăn trở khi thấy cuộc sống của người dân quá vất vả, nhất là còn quá nhiều cầu khỉ, các bến đò ngang tạm bợ lúc nào cũng chực chờ cướp đi tính mạng con người. Trong một lần như thế, chính ông đã chứng kiến việc an táng một học sinh chết do té cầu khỉ ở xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam. Tự thấy mình có lỗi vì chưa làm được nhiều cho dân khi còn đương chức, ông quyết định dùng thời gian nghỉ hưu của mình để vận động làm cầu, làm đường, góp phần cho dân đi lại an toàn, coi đó là việc làm để trả món nợ cho dân.
Để có thể thực hiện ước mơ một cách hiệu quả, ông đứng ra vận động thành lập Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh và đảm nhận chức chủ tịch hội. Hội không lấy tiền từ ngân sách mà lập ra trung tâm tư vấn cầu đường hoạt động theo mô hình sự nghiệp có thu để tạo kinh phí trang trải và thực hiện chức năng vận động các nguồn tài trợ xây dựng công trình cầu đường cho địa phương.
Năm 2003, khi hay tin ông Toni Ruttimann (người Thụy Sĩ) đang làm cầu cho Đồng Tháp, ông cùng các cộng sự lập tức “bay” sang… làm quen. Sự chủ động và lòng nhiệt thành của ông đã lôi kéo được ông Toni đến Bến Tre cùng đi khảo sát 150 địa điểm, chọn được vị trí tại 41 xã để lập dự án xây 48 cây cầu cáp treo trị giá hơn 25 tỉ đồng. Dự án được triển khai tốt đẹp khiến ông Toni hết sức cảm kích: “Sở dĩ tôi đến đây và không muốn về cũng là vì ông Y”.
Đến năm 2005, ông tiếp cận Quỹ W.P.Schmitz (CHLB Đức) khi quỹ này đến hoạt động từ thiện tại Bến Tre. Lần này, ông vấp phải trở ngại khi đại diện của quỹ nói thẳng việc xây dựng cầu đường là chuyện của nhà nước, không phải là lĩnh vực quỹ quan tâm. Nhưng ông vẫn kiên trì và khéo léo tìm cách đưa họ đi thực tế để đồng cảm được nỗi gian truân của những vùng quê thiếu thốn. Sự kiên trì “đeo bám” của ông đã dần làm thay đổi cách nhìn của họ. Do vậy, sau khi tài trợ xây xong 20 cầu bê tông, chính đại diện của quỹ đã hướng dẫn hội làm dự án đề nghị Bộ Hợp tác kinh tế liên bang và phát triển Đức tài trợ cho Bến Tre xây 171 cầu bê tông trong giai đoạn 2007 - 2009, với tổng trị giá hơn 15 tỉ đồng.
Ông Trịnh Văn Y
Không dừng lại ở đó, ông Y và các cộng sự ở Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Bến Tre tiếp tục tìm nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm trong nước. Kết quả là chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây đã xây thêm 790 cầu, làm thêm hơn 120 km đường bê tông với kinh phí gần 300 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.