Ông Huỳnh Tấn Đạt làm Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật

18/07/2023 15:24 GMT+7

Bộ NN-PTNT đã có quyết định bổ nhiệm ông Huỳnh Tấn Đạt (49 tuổi), Phó cục trưởng phụ trách Cục Bảo vệ thực vật, làm Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thay vị trí ông Hoàng Trung vừa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ NN-PTNT.

Thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết, ngày 17.7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ký Quyết định số 2868/QĐ-BNN-TCCB bổ nhiệm ông Huỳnh Tấn Đạt giữ chức Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. Quyết định bổ nhiệm ông Huỳnh Tấn Đạt có thời hạn 5 năm.

Ông Huỳnh Tấn Đạt được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Tấn Đạt được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật

CTV

Ông Huỳnh Tấn Đạt có trình độ tiến sĩ chuyên ngành bảo vệ thực vật và có nhiều năm công tác tại Cục Bảo vệ thực vật; từng trải qua các chức vụ: Trưởng phòng Thuốc bảo vệ thực vật, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.

Trước đó, ngày 2.6, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ NN-PTNT; ông Huỳnh Tấn Đạt được giao nhiệm vụ Phó cục trưởng phụ trách Cục Bảo vệ thực vật.

Đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật gồm: Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt và 3 Phó cục trưởng là ông Nguyễn Quý Dương, ông Lê Văn Thiệt và bà Nguyễn Thị Thu Hương.

Cục Bảo vệ thực vật, tiền thân là Cục Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, được thành lập ngày 5.10.1961. Cục Bảo vệ thực vật hiện nay có 24 nhiệm vụ và quyền hạn. 

Trong đó, một số nhiệm vụ quan trọng như: phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật; quản lý thuốc bảo vệ thực vật; quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có nguồn gốc thực vật từ công đoạn sản xuất ban đầu đến thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển kinh doanh.

Cục Bảo vệ thực vật cũng là cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm xuất khẩu, nhập khẩu; xử lý rào cản kỹ thuật về xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm có nguồn gốc thực vật theo phân công của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và quy định pháp luật...

Những năm gần đây, Cục Bảo vệ thực vật có nhiều thành tựu trong việc đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường "khó tính". Cụ thể, vải, nhãn tươi, thanh long được xuất khẩu vào Nhật Bản; bưởi tươi được xuất khẩu vào Mỹ.

Đối với thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật có nhiều đóng góp tích cực khi chủ động đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch nhiều loại trái cây, nông sản như chuối, sầu riêng, khoai lang...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.