Ông Huỳnh Uy Dũng làm gì để hồ nước thải ở Đà Nẵng nuôi được cá Koi?

Đỗ Trường
Đỗ Trường
05/03/2019 14:41 GMT+7

Ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng 'lò vôi', 60 tuổi), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam (Bình Dương) được UBND TP.Đà Nẵng đề nghị đầu tư xử lý môi trường, nước thải ở TP.Đà Nẵng.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Uy Dũng khẳng định trong 2 tháng nữa, 3 hồ nước thải và hồ điều hòa đang bị ô nhiễm ở Đà Nẵng sẽ là nơi thả được cá Koi, và các bước xử lý về môi trường tiếp theo để các hồ này là nơi tắm được và cung cấp nước tắm cho công viên nước, hồ bơi tại đây.
Theo ông Huỳnh Uy Dũng, việc ông chọn Đà Nẵng để làm nơi đầu tư xử lý nước thải và môi trường có rất nhiều cơ duyên.

“Tôn chỉ của tôi về xử lý môi trường là chọn những điểm nóng để xử lý. Vừa qua, tôi tình cờ thông qua báo chí, bạn bè được biết lãnh đạo, người dân Đà Nẵng đang cần xử lý các vấn đề về môi trường với quyết tâm đảm bảo môi trường trong sạch. Chính vì vậy tôi quyết định đầu tư vào đây”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cho biết thêm Bình Dương là nơi ông khởi nghiệp sau khi rời quân ngũ, còn Đà Nẵng là nơi đầu tiên ông bước chân vào quân ngũ, là nơi ông từng đóng quân và sau đó làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. "Những tình cảm đó đối với tôi là những kỷ niệm trong cuộc đời của người lính”, ông Huỳnh Uy Dũng chia sẻ.

Hệ thống camera giám sát nhà máy xử lý nước thải đặt tại phòng làm việc của ông Huỳnh Uy Dũng
Hệ thống camera giám sát nhà máy xử lý nước thải đặt tại phòng làm việc của ông Huỳnh Uy Dũng Ảnh: ĐỖ TRƯỜNG

Từng làm một người lính, một người đầu tiên đề xuất làm khu công nghiệp, và bây giờ làm bảo vệ môi trường, tôi nhận thấy đây là sứ mệnh của tôi 

Huỳnh Uy Dũng

Theo ông Huỳnh Uy Dũng, việc bảo vệ môi trường các vùng ven biển, bãi tắm là rất cấp thiết. “Đà Nẵng là thủ phủ của miền Trung, lãnh đạo và người dân trọng thị, tôi từng sống và rất yêu thích Đà Nẵng vì thế mà không thể nào thoát ra được”, ông Dũng khẳng định.

* Nếu đầu tư vào Đà Nẵng thì lộ trình sẽ như nào thưa ông?

- Ông Huỳnh Uy Dũng: Đà Nẵng hiện nay mỗi ngày, đêm có trên 250.000 m3 nước thải. Trong khi đó, các nhà máy xử lý ở đây mới chỉ đáp ứng được 50%, còn lại là thải ra môi trường.
Lộ trình trước mắt, chúng tôi đang tập trung xử lý 3 hồ nước ở trung tâm Đà Nẵng bốc mùi hôi. Hiện nay các thiết bị được nhập khẩu đang trên đường về, và trong khoảng 20 ngày nữa sẽ về tới Đà Nẵng. Nếu xử lý chỉ trong khoảng 20 ngày là môi trường nước trong các hồ sẽ được cải thiện và có thể thả cá Koi được.
Xử lý môi trường và các hồ nước tại Đà Nẵng, tôi không đặt vấn đề về tiền. Cái gì làm được thì tôi làm. Trước đây, tôi là một chiến sĩ trong quân đội tại Đà Nẵng. Đến nay sau 40 năm trở lại Đà Nẵng để đầu tư, tôi cũng chỉ xin nguyện là một “chiến sĩ môi trường” để góp sức cùng đưa Đà Nẵng trở thành một thành phố đáng đến, phát triển phồn vinh và thịnh vượng.
Ông Huỳnh Uy Dũng giới thiệu nước hợp vệ sinh sau khi xử lý từ nước thải...
Ông Huỳnh Uy Dũng giới thiệu nước hợp vệ sinh sau khi xử lý từ nước thải... Ảnh: XUÂN THI

* Ông thực hiện phương pháp nào để xử lý môi trường các hồ nước ở Đà Nẵng?

- Hiện nay, hơn 100 thiết bị về cơ khí đang được đưa về đây để lắp đặt nhằm mục đích đưa một lượng ô xy hòa tan vào trong nước, sau đó sẽ thả vi sinh theo tiêu chuẩn làm thay đổi môi trường nước.

Xử lý nước ở các hồ này không cần phải sử dụng công nghệ lọc nước mà sử dụng phương pháp vi sinh là chủ yếu. Khi cần nước tái sử dụng cho công viên, hồ bơi hay để tắm thì mới cần công nghệ lọc để đưa vào.

... và ông Huỳnh Uy Dũng uống ly nước thải đã qua xử lý Ảnh: XUÂN THI

Tôi đã khảo sát ở Đà Nẵng, 3 hồ nước: hồ công viên 29 tháng 3, hồ Thạc Gián, hồ Vĩnh Trung (cùng ở Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), trong đó hồ 23 tháng 9 (TP.Đà Nẵng) mà tôi nhận xử lý đang là hồ điều hòa, không có chỗ thoát nước.

Nếu đầu tư các bước tiếp theo để công suất xử lý nước thải ở Đà Nẵng đạt 500.000 m3/ngày đêm, thì tôi phải mua lại một số nhà máy xử lý nước thải tại đây, rồi tiếp tục đổi mới công nghệ. Tôi đã khảo sát từng đường thoát nước ở Đà Nẵng và nhiều nhà dân, và hiện nay tôi có thể đưa ra một giải pháp xử lý nước thải mà không cần phải đào bới nhiều, đồng thời sử dụng chính các hầm cầu của những nhà dân đang sử dụng để biến thành một nơi cung cấp vi sinh cho nhà máy xử lý nước thải. Mục tiêu lớn nhất của tôi sẽ làm cho biển Đa Phước hồi sinh.

"Tôi còn có một ước nguyện sẽ giúp người dân miền Tây..."

* Công nghệ xử lý nước thải của công ty ông hiện nay như thế nào?

- Trước đây tôi từng phải thuê nước ngoài trong lĩnh vực xử lý nước thải các khu công nghiệp ở Bình Dương. Sau đó tôi nhận thấy họ sử dụng hóa chất quá nhiều để xử lý. Sau đó tôi tìm đến giải pháp xử lý bằng công nghệ vi sinh để xử lý nước thải. Công nghệ vi sinh thì nhiều nơi đã áp dụng, nhưng cơ bản là cái chuẩn được áp dụng như thế nào và tôi có tiêu chuẩn riêng của tôi.

* Nếu có doanh nghiệp, địa phương hay đơn vị nào đó cần chuyển giao công nghệ thì ông có sẵn lòng không?

- Hiện tại tôi đang tập trung vào công việc xử lý nước thải ở Bình Dương, đã và đang đầu tư ở Đà Nẵng, và sau này là các "điểm nóng" môi trường khác nên chưa nghĩ đến việc chuyển giao công nghệ. Tôi còn có một ước nguyện sẽ giúp người dân miền Tây xử lý những vùng hồ nuôi cá, tôm và làm nông nghiệp công nghệ cao.

Toàn bộ lợi nhuận của nhà máy xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh (thuộc Công ty cổ phần Đại Nam) ở Bình Dương, tôi sẽ dành 10% để làm công tác nghiên cứu khoa học nuôi trồng công nghệ cao và 30% để làm từ thiện.

Từng làm một người lính, một người đầu tiên đề xuất làm khu công nghiệp, và bây giờ làm bảo vệ môi trường, tôi nhận thấy đây là sứ mệnh của tôi.

* Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.