Ông Kim Jong-il 'từng muốn chấm dứt cha truyền con nối'

27/01/2016 11:26 GMT+7

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il từng có kế hoạch chấm dứt hệ thống chuyển giao quyền lãnh đạo mang tính cha truyền con nối ở nước này.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il từng có kế hoạch chấm dứt hệ thống chuyển giao quyền lãnh đạo mang tính cha truyền con nối ở nước này.

Ông Kim Jong-un và cha Kim Jong-il dự một sự kiện tại Bình Nhưỡng năm 2010 - Ảnh: ABC NewsÔng Kim Jong-un và cha Kim Jong-il dự một sự kiện tại Bình Nhưỡng năm 2010 - Ảnh: ABC News
Thông tin trên được tung ra trong cuốn sách mới của ông Ra Jong-yil, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Hàn Quốc kiêm Cố vấn An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Kim Dae-jung. Theo tờ Korea JoongAng Daily, những chi tiết trong sách được tác giả thu thập từ các cuộc phỏng vấn với gần 40 chuyên gia về Triều Tiên cũng như nhiều nguồn tin cấp cao tại Bình Nhưỡng.
Tất cả các nguồn tin này đều không được tiết lộ danh tính do nhiều người vẫn đang giữ chức vụ quan trọng tại Hàn Quốc, Triều Tiên và nhiều nước khác.
Mô hình Nhật Bản
Bí mật dưới lòng đất
Theo trang tin Daily NK, nhiều thư tịch, tài liệu được đóng dấu tuyệt mật về gia tộc họ Kim được cất giữ trong các kho lưu trữ dưới lòng đất ở thủ đô Bình Nhưỡng và tỉnh Chagang, giáp giới Trung Quốc, trong tình trạng an ninh nghiêm ngặt cùng hệ thống kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm hiện đại. Dẫn nhiều nguồn từ Bình Nhưỡng và Seoul, Daily NK loan tin 2 kho lưu trữ này chứa đựng mọi thông tin liên quan các nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên, từ Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) đến đương kim lãnh đạo Kim Jong-un. Nếu các tài liệu này bị hư hỏng, người chịu trách nhiệm quản lý có thể bị giáng chức, đưa đi cải tạo, thậm chí xử tử tùy mức độ nghiêm trọng.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với báo Anh The Telegraph, ông Ra tiết lộ lãnh đạo Kim từng nhiều lần nói với những người thân tín rằng cơ chế chuyển giao quyền lãnh đạo theo kiểu cha truyền con nối nên chấm dứt ở đời của ông. Thay vì để một trong số các con trai lên kế nhiệm, ông Kim Jong-il dự định sẽ thành lập một ủy ban tối cao gồm 10 thành viên để điều hành đất nước.
“Theo ông Kim, các thành viên của ủy ban sẽ chia sẻ gánh nặng điều hành đất nước và chịu trách nhiệm đề ra cơ chế phối hợp quản lý trong một hệ thống lãnh đạo tập thể”, ông Ra viết trong sách.
Theo cựu lãnh đạo tình báo Hàn Quốc, ngay khi ông Kim còn khỏe mạnh, một số phụ tá thân cận đã đề xuất ông chọn một trong những người con của mình để kế nhiệm. Tuy nhiên, ông “đã ít nhất 2 lần gạt bỏ chuyện này”. Lý do là nhà lãnh đạo cho rằng với tình hình đất nước Triều Tiên gặp nhiều khó khăn cũng như nguy cơ tranh giành quyền lực trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao, việc chuyển giao quyền lãnh đạo cho con trai “là không thực tế, có thể dẫn tới nhiều biến cố lớn, thậm chí đe dọa tính mạng người nhà họ Kim”. Từ đó, “ông ấy cho rằng một ban lãnh đạo gồm 10 thành viên là giải pháp hợp lý nhất. Ý tưởng của ông Kim là miền Bắc sẽ đi theo mô hình Hoàng gia Nhật Bản. Cụ thể, gia tộc họ Kim sẽ trở thành biểu tượng được tôn kính của đất nước nhưng không trực tiếp nhúng tay vào công việc hằng ngày”, ông Ra nói với The Telegraph.
Dự định dang dở
Cuốn sách của ông Ra không nói rõ 10 ứng viên có thể được chọn vào ủy ban lãnh đạo nhưng một số chuyên gia cho rằng trong đó phải bao gồm những nhân vật cấp cao như ông Jang Song-thaek, em rể ông Kim jong-il hay Tổng tham mưu trưởng quân đội, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Ri Yong-ho... Mặt khác, do chưa thật sự quyết định tiến hành một cải cách chấn động đến như vậy nên lãnh đạo Kim vẫn có những bước chuẩn bị cho người thừa kế Kim Jong-un như thăng hàm đại tướng và chỉ định vào chức vụ Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương vào năm 2010.
Theo ông Ra, nếu dự định của lãnh đạo Kim Jong-il thành sự thật thì “lịch sử đã rẽ sang một hướng khác”. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị cản trở bởi 3 yếu tố. Thứ nhất là sức khỏe ngày càng yếu của ông Kim, thứ hai là những gương mặt được nhắm vào ủy ban lãnh đạo bắt đầu chia bè kéo cánh, cạnh tranh quyền lực khi nhận ra rằng Triều Tiên sắp bước vào giai đoạn chuyển giao. Lý do cuối cùng là quyết tâm trở thành lãnh đạo của ông Kim Jong-un “mạnh mẽ hơn dự đoán” với những động thái vô cùng quyết liệt để vượt qua các đối thủ cạnh tranh. “Có vẻ như ông Kim cảm thấy không còn thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng nên cuối cùng vẫn quyết định chuyển giao quyền lãnh đạo cho con trai”, ông Ra nói với Korea JoongAng Daily.
Cuốn sách sắp được phát hành của ông Ra có tựa đề The Path Taken by Jang Song-thaek: A Rebellious Outsider (tạm dịch: Con đường của ông Jang Song-thaek: Một kẻ nổi loạn ngoài cuộc). Phần lớn nội dung nói về giai đoạn chuyển giao tại Triều Tiên sau khi ông Kim Jong-il qua đời vào tháng 12.2011 và những động thái của ông Jang Song-thaek. Từng có khả năng được chọn vào ủy ban lãnh đạo tối cao nhưng ông Jang quyết định hỗ trợ ông Kim Jong-un lên nắm quyền và giúp cháu vượt qua những khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, đến tháng 12.2013, dư luận thế giới chấn động khi ông bị bắt và xử tử vì nhiều tội danh.
“Jang là một nhân vật đầy quyền lực dưới thời ông Kim Jong-il lẫn trong giai đoạn đầu của thời kỳ ông Kim Jong-un cầm quyền. Tuy nhiên, dần dà ông ấy bị xem là một mối đe dọa với chính quyền mới”, ông Ra nhận định và khẳng định thêm là trước khi bị hạ bệ, ông Jang vẫn tin chắc mình thuộc loại “không thể đụng đến”.
Thật ra, theo nhiều chuyên gia, Jang đã không rút ra được bài học từ trường hợp Phó nguyên soái Ri Yong-ho. Cũng thuộc hàng “nguyên lão” thân cận với ông Kim Jong-il, từng hỗ trợ nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhưng vào tháng 7.2012, ông Ri đã bị miễn nhiệm mọi chức vụ “vì lý do sức khỏe”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.