Những ngày này, khi học sinh TP.HCM bắt đầu tựu trường, khúc sông vắng lặng lại bắt đầu ríu rít tiếng nói cười
Đều đặn vào 6 giờ sáng mỗi ngày, ông Nguyễn Văn Tích, 72 tuổi, ngụ tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM lại chèo xuồng đưa con cái đi làm, đi học. Đến nay, ở độ tuổi ‘xưa nay hiếm’, ông Tích lại tiếp tục đưa đón 16 đứa cháu qua sông đi học.
Căn nhà nhỏ của ông nằm biệt lập trong cù lao ấp 5 cùng với khoảng 50 hộ gia đình khác. Nơi đây không có cầu bắc qua, ai muốn ra Quốc lộ 50 hoặc đường Nguyễn Văn Linh chỉ có một cách duy nhất là chèo xuồng qua rạch Bà Lớn, rộng khoảng một trăm mét.
Từ khi người vợ qua đời, ông Tích sống cùng 11 người con và 19 đứa cháu. Các con ông đều đã đi làm và ở quây quần trên cù lao, cạnh nhà cha.
Cháu nội, cháu ngoại ông Tích hiện đang học rải rác từ bậc tiểu học tới bậc THPT. Nhà đông con cháu, hàng ngày ông phải chia ra nhiều chuyến chèo xuồng để đưa đón con cháu đi làm, đi học.
Sáng trưa, tối muộn, nắng hay mưa, nước đầy hay nước cạn, ông cụ 72 tuổi vẫn không quản ngại chèo xuồng đưa rước các cháu qua bên kia bờ, đi học nên người. Không phụ lòng ông Tích mong mỏi, các con ông đều có công việc ổn định. Các cháu nội, ngoại cũng có thành tích học tập tốt, nhiều em còn giành huy chương vàng, bạc, đồng trong các cuộc thi của huyện và thành phố.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng ông Tích luôn sống tích cực và dạy con cháu hiếu thảo, lễ phép trong gia đình, ra ngoài xã hội phải sống lương thiện và chăm chỉ làm việc.
Đối với ông, dù gia đình có nghèo nhưng phải cố gắng cho các con, các cháu được ăn học tới nơi tới chốn.
Bình luận (0)