(TNO) Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng đã dành cho Thanh Niên Online một cuộc trả lời phỏng vấn rất thẳng thắn về cách mà VFF sẽ sử dụng đội U.19 Việt Nam.
>> Chủ tịch VFF và bầu Đức động viên U.19 Việt Nam trước trận chung kết
>> Chủ tịch VFF: Công Phượng đã khiến tôi hô to như đứa trẻ
>> Tân chủ tịch VFF: Cầu thủ cứ đá cho tốt, mọi thứ để VFF lo
|
Ông Dũng nói: “Nhiều người đã cười có ý chê bai khi tôi đặt ra tham vọng là đội U.19 Việt Nam (VN) sẽ tham dự vòng loại World Cup 2018. Nhưng với những gì đội U.19 đã thể hiện ở giải U.19 Đông Nam Á và dĩ nhiên cần phải tiếp tục đầu tư sâu hơn nữa, tôi vẫn không từ bỏ ước vọng mãnh liệt đó”.
* Đội U.19 VN đang tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt với xã hội và nhìn lại chặng đường dài có thành công - có thất bại mà các cầu thủ trẻ đã trải qua, ông có thể phân tích điều gì tạo nên sức hấp dẫn ấy?
Chủ tịch Lê Hùng Dũng: Tôi xin được nói dông dài câu chuyện của quá khứ. Báo chí cũng đã nói quá nhiều lần về lời nhận xét mang tính “kinh điển” của HLV A.Riedl là Bóng đá VN xây nhà từ nóc. Câu nhận xét ấy có phần đúng.
|
Hầu hết họ chọn cách mua cầu thủ giỏi từ các đội khác và đẩy giá cầu thủ lên mức cao khó tưởng tượng và nạn “lót tay, lót chân” nảy sinh từ ấy. Các CLB tìm mọi cách để giành giật vị trí tại V-League nhưng lại không màng đến đào tạo trẻ. Vì đào tạo trẻ là công việc gian khổ, đòi hỏi không chỉ tiền bạc mà còn công sức, thời gian.
Quy chế, điều lệ của VFF cũng có những quy định khắt khe về việc các CLB phải có tỷ lệ đầu tư thích đáng cho công tác đào tạo trẻ. Có CLB làm nhưng đa phần là làm cho có, làm để đối phó, chứ không trở thành sách lược thật sự. Sự “ăn xổi” đã tạo nên giá trị ảo cho bóng đá Việt.
Giữa thực trạng đáng buồn đó, anh Đoàn Nguyên Đức đã dũng cảm chọn cách làm không cắt ngọn mà chăm cây từ gốc.
Mô hình đào tạo bóng đá của Hoàng Anh Gia Lai quá đúng đắn khi hợp tác bền chặt với một CLB danh tiếng nước ngoài (mà ở đây là Arsenal), tuyển chọn cầu thủ một cách khắt khe và đào tạo với một giáo trình khoa học, bài bản suốt 7,8 năm trời. Lứa cầu thủ trẻ không chỉ được rèn luyện bóng đá mà còn được học văn hóa, học những bài học về đạo đức và không bị đốt cháy giai đoạn.
Năm đầu tiên, khi Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG chính thức mở khóa học, một số quan chức bóng đá lên thăm đội, đã tỏ ý nghi ngờ, chê bai là cầu thủ tập chân đất thế kia là phản khoa học.
Nhưng cho đến hôm nay, chúng ta đã được chứng kiến một thế hệ cầu thủ trẻ mới trong lành về tinh thần, từng bước hoàn thiện về lối chơi, thể lực, kinh nghiệm. Sức hấp dẫn của đội U.19 là không bàn cãi và như một minh chứng sống động, phá bỏ quan điểm sai lầm là đào tạo trẻ tốn kém mà khó hiệu quả.
* Bóng đá VN cũng đã từng có những đội bóng trẻ thi đấu ấn tượng ở giải đấu trẻ mang tầm khu vực nhưng rồi đã bị mai một dần. Liệu sự thành công bước đầu của U.19 VN vào thời điểm này sẽ được nuôi dưỡng thế nào để không đi lại vết xe đổ?
Chủ tịch Lê Hùng Dũng: Khi cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang còn sống, một lần, tôi đã hỏi ông: “Anh Lang ơi, sao ngày xưa, anh đá hay vậy?”. Ông nhỏ nhẹ trả lời đúng một câu ngắn gọn mà cũng rất thấm thía: “Đá riết thì sẽ hay lên thôi!”.
|
Nếu các bạn để ý thì đội U.19 VN suốt 1 năm qua đã “đá riết”. Tôi đọc ở trên mạng, hình như có một thống kê từ chuyên gia Nguyễn Văn Vinh là trong 1 năm trời, đội U.19 VN đá vào khoảng 30 trận đấu với những đối tác khác nhau và đây số trận kỷ lục, chưa từng có trong lịch sử Bóng đá VN đối với một đội bóng trẻ.
Xin nói lại về giải U.19 Đông Nam Á vừa rồi. Khi bàn về công tác tổ chức, tôi đã nói với phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn là đề nghị với Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á dứt khoát phải mời U.19 Nhật Bản - vừa là đối tác hàng đầu, vừa là đối thủ hàng đầu. Và cũng phải dứt khoát mời U.19 Úc - một đội bóng châu Á nhưng xuất phát từ nền bóng đá phát triển như châu Âu.
|
Đến như các đội tuyển lớn trên thế giới như Brazil, Đức hay CLB danh tiếng cỡ như Barcelona, bên cạnh mặt mạnh cũng vẫn có những khiếm khuyết.
Huống hồ đội U.19 VN, như những con chim non mới ra ràng. Vẫn còn tồn tại, vẫn còn khiếm khuyết là điều tất nhiên trong quá trình phát triển. Nhưng như tôi nói ở trên, không còn nghi ngờ gì nữa, U.19 VN đang đi những bước đúng đắn với một chiến lược đúng đắn.
Tôi xin nhấn mạnh thêm một ý là với sự đầu tư bài bản, khoa học, dựa trên phẩm chất và tinh túy tốt đẹp vốn có của dân tộc VN, con người VN, từ lứa U.19 này, chúng ta sẽ có những đội bóng tầm cỡ khu vực và còn hơn thế nữa.
* Khi bầu Đức nêu quan điểm sẽ để đội U.19 VN đá V-League và ngay lập tức có hai luồng ý kiến khác nhau - một bên đồng tình, một bên phản đối. Còn quan điểm của VFF thì sao, thưa ông?
Chủ tịch Lê Hùng Dũng: Sử dụng nhân sự thế nào cho mùa giải sao cho phù hợp với quy chế, điều lệ là quyền của chủ tịch, HLV CLB và tôi tôn trọng những quyết định đó.
Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi là ủng hộ để cầu thủ U.19 thi đấu tại V-League. Chúng ta đã từng có cầu thủ mới 17 tuổi đã đá cho tuyển quốc gia, mà nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như là Hữu Đang. Vậy tại sao cầu thủ lứa U.19 lại không thể đá V-League?
* Thưa ông, sẽ có sớm quá không khi VFF sẽ cử đội U.19 VN tham dự SEA Games 28 vào năm sau?
Chủ tịch Lê Hùng Dũng: Chẳng có gì là sớm cả. Chúng tôi sẽ sớm trình lên Tổng cục TDTT kế hoạch này và tôi nghĩ rằng, các anh trên Tổng cục sẽ đồng ý thôi.
Khi tôi đưa ra quan điểm này, cũng có người rỉ tai: “Ông ơi, chưa đá được SEA Games đâu vì cầu thủ cách nhau 2, 3 tuổi cũng đã khác nhau một trời một vực rồi đấy?
Tôi thưa lại là: Nói thật với anh, để các em đá SEA Games năm sau, có thể thắng có thể thua nhưng tôi tin cái mà học được sẽ rất lớn. Nếu không thành công SEA Games năm sau thì sẽ thành công ở SEA Games năm sau nữa.
Đưa các em vào những cuộc đấu lớn thế này cũng là cách để sau này chúng ta hy vọng hái quả ngọt.
Nhiệm kỳ của tôi đến năm 2018 và tôi sẽ bảo vệ quan điểm của mình là sẽ sử dụng U.19 VN ngày hôm nay cho vòng loại World Cup 2018.
Lan Phương (thực hiện)
Bình luận (0)