'Ông lớn' hàng hải, hàng không đến Việt Nam

Mai Vọng
Mai Vọng
16/10/2023 12:02 GMT+7

Các doanh nghiệp toàn cầu hàng đầu về vận chuyển container và logistics đều mở tuyến dịch vụ tại VN; cả 2 "ông lớn" hàng không vũ trụ cũng có mặt, cho thấy VN vẫn là thị trường hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới.

NHỮNG TUYẾN DỊCH VỤ XUYÊN ĐẠI DƯƠNG

Hiện có khoảng 10 hãng tàu nước ngoài đảm nhận các tuyến vận tải hàng hóa container từ VN đi các thị trường châu Á, châu Âu, Mỹ, Canada. Tất cả đều là những hãng tàu lớn hàng đầu trên thế giới. Những tên tuổi như MSC, CMA-CGM, Evergreen, Hapag - Lloyd, Yang Ming, Liên minh THE Alliance, Pasha đều có các tuyến dịch vụ tới VN, cho thấy chúng ta có thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu hấp dẫn, thu hút các hãng tàu lớn trên thế giới, hình thành thị trường cung cấp các tuyến dịch vụ vận chuyển hàng hóa container xuyên đại dương, trực tiếp đi các châu lục.

Hơn một năm trước, hãng tàu MSC đưa tàu mẹ MSC DITTE trọng tải siêu lớn, lên đến 200.148 DWT, cập Cảng CMIT (Bà Rịa-Vũng Tàu). Đây là tàu mẹ có kích cỡ lớn nhất mà hãng này đưa vào khai thác tại VN, trên tuyến dịch vụ Pearl của liên minh 2M kết nối VN với bờ tây nước Mỹ. Từ đầu năm 2023 đến nay, Cảng SSIT (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng đã đón các tuyến dịch vụ nội Á mới được khai thác bởi hãng tàu MSC: tuyến Bengal kết nối VN với Bắc Trung Quốc, Hàn Quốc, Bangladesh và các nước Đông Nam Á khác; tuyến Shikra kết nối VN với các cảng lớn ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác. Ông Phan Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc Cảng SSIT, cho biết hiện tại, hằng tuần cảng này đón 4 tuyến dịch vụ nội Á và một tuyến đi Mỹ.

“Ông lớn” hàng hải, hàng không đến Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Brendan Nelson, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Boeing Toàn cầu

TTXVN

MSC là một trong những hãng tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, đồng thời nằm trong số những doanh nghiệp toàn cầu hàng đầu về lĩnh vực vận chuyển và logistics, có trụ sở chính tại Geneva (Thụy Sĩ). Hãng này có các tuyến dịch vụ kết nối tới hơn 500 cảng biển toàn cầu. Tại VN, MSC hiện có dịch vụ tới hệ thống các cảng container tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cái Mép - Thị Vải… Hằng năm, đội tàu MSC vận chuyển hơn 1 triệu TEU hàng hóa xuất nhập khẩu từ VN kết nối với các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Đông Nam Á…

MSC hiện cũng là nhà cung cấp dịch vụ cảng biển, khai thác dưới tên công ty thành viên là TiLH (Terminal International Limited Holdings), đang vận hành và khai thác 54 cảng biển tại 29 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới (trong đó có 11 cảng biển thuộc sở hữu toàn bộ của MSC và được vận hành bởi TiLH). Hệ thống cảng của TiLH có 7 trong tổng số 25 cảng biển nhộn nhịp nhất thế giới theo số liệu sản lượng hằng năm. TiLH được Tập đoàn MSC chỉ định hợp tác với Cảng Sài Gòn nghiên cứu thực hiện dự án "Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn" tại Cần Giờ, TP.HCM. Dự án siêu cảng này nằm ngay tại cửa sông Cái Mép, trên tuyến luồng các cảng nước sâu đang được khai thác tại khu Cái Mép - Thị Vải.

“Ông lớn” hàng hải, hàng không đến Việt Nam - Ảnh 2.

Các hãng tàu container hàng đầu thế giới đều có các tuyến dịch vụ đưa hàng từ VN ra thế giới

MAI VỌNG

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn, nhận định hoạt động trung chuyển quốc tế góp phần làm giảm áp lực của các cảng tại Cái Mép - Thị Vải khi dự báo lượng hàng hóa nội địa sẽ vượt quá công suất của các cảng. Cơ hội thuận lợi khi có sự hậu thuẫn của MSC khi hãng tàu này chuyển hàng trung chuyển về VN, thiết lập trung tâm trung chuyển mới của khu vực. 

Bên cạnh đó, với việc nằm tại cửa ngõ TP.HCM sẽ thu hút luồng hàng hóa các nước xung quanh tập trung về khu vực, tạo cơ hội đưa khu vực Cần Giờ - Cái Mép - Thị Vải trở thành một trung tâm trung chuyển. Và lợi thế kinh tế lớn theo quy mô, mạng lưới liên kết mạnh sẽ giúp giảm chi phí vận tải, tạo môi trường thu hút các công ty vận tải, logistics, thương mại, tài chính lớn trên thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực; tạo cơ hội việc làm cho lực lượng lao động địa phương, thúc đẩy chiến lược biển quốc gia; tạo môi trường đầu tư hấp dẫn và ổn định thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước phát triển.

Các ông lớn hàng hải, hàng không đến Việt Nam

"SÂN ĐÁP" CỦA CÁC ĐẠI GIA HÀNG KHÔNG VŨ TRỤ

Hồi tháng 5 năm nay, Tập đoàn Boeing (Mỹ) chính thức khánh thành văn phòng thường trực tại Hà Nội, đẩy mạnh cam kết gắn bó với thị trường VN. Chia sẻ về sự kiện này, ông Michael Nguyễn, Giám đốc Công ty TNHH Boeing VN, cho biết: "Mối quan hệ giữa tập đoàn Boeing và VN đang lớn mạnh từng ngày, không ngừng hợp tác để phát triển năng lực hàng không vũ trụ của đất nước. Văn phòng mới này sẽ giúp Boeing phục vụ khách hàng trong nước cũng như các bên liên quan tốt hơn, đồng thời tạo dựng nền tảng vững mạnh cho sự tăng trưởng trong tương lai".

“Ông lớn” hàng hải, hàng không đến Việt Nam - Ảnh 3.

Airbus và Boeing đều đẩy mạnh hợp tác với Vietnam Airlines

MAI VỌNG

Ngay sau khi mở văn phòng thường trực tại Hà Nội, ông Steve Biegun, Phó chủ tịch cấp cao của Tập đoàn Boeing, đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, trong đó có đề cập chiến lược kinh doanh của Boeing tại VN. Cụ thể, Boeing sẽ hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù, như máy bay trực thăng, vận tải và tập trung phát triển chuỗi cung ứng nhiều hơn ở VN.

Gần đây nhất, vào chiều 21.9, tại New York (Mỹ), trong cuộc tiếp ông Brendan Nelson, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Boeing Toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Boeing với VN trong quá trình khai thác máy bay, là đối tác tin cậy cung cấp máy bay và dịch vụ cho các hãng hàng không trong nhiều năm qua. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Boeing mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng tại VN, sớm xây dựng trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay quy mô và hỗ trợ các hãng hàng không về việc này; tăng cường hợp tác, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, đưa các đối tác VN tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Boeing.

Mười ngày trước cuộc gặp gỡ này, trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến VN (10 - 11.9), Boeing đã thống nhất bàn giao những chiếc máy bay đầu tiên cho Vietjet theo đơn đặt hàng 200 máy bay B737 MAX. Đơn hàng trị giá hơn 25 tỉ USD sẽ được thực hiện trong 5 năm tới với 12 máy bay đầu tiên được bàn giao ngay trong năm 2024. Boeing và Vietnam Airlines cũng công bố việc lựa chọn dòng máy bay B737 MAX phục vụ cho chiến lược tăng trưởng đội máy bay thân hẹp của Vietnam Airlines, với cam kết đặt mua 50 chiếc máy bay 737-8, giúp VN hiện thực hóa mục tiêu trở thành một cửa ngõ hàng không hàng đầu trong khu vực.

“Ông lớn” hàng hải, hàng không đến Việt Nam - Ảnh 4.

Các quan khách tại lễ khánh thành Văn phòng Thường trực của Boeing tại Hà Nội vào tháng 5.2023

BOEING

Tại sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Vietnam International Sourcing Expo 2023" do Bộ Công thương phối hợp cùng UBND TP.HCM tổ chức vào ngày 13.9 vừa qua, sự xuất hiện nhiều tập đoàn của Mỹ, trong đó có Boeing, một lần nữa cho thấy sự quan tâm của "ông lớn" Boeing đối với VN. Ông Maxime Dourdan, Giám đốc phát triển chuỗi cung ứng khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc của Tập đoàn Boeing bay sang VN tham dự sự kiện. Ông cho hay từ tháng 7.2021, khi mở văn phòng đại diện tại Hà Nội (nay là văn phòng thường trực), Boeing tập trung phát triển chuỗi cung ứng nhiều hơn ở VN, tìm kiếm nhà cung cấp mới tại VN và việc này vẫn đang tiếp tục. Hiện chuỗi cung ứng của Boeing trên toàn cầu đang có 11.000 nhà cung cấp, trong đó hơn 200 nhà cung cấp ở châu Á và đang gia tăng cùng 9.500 nhà cung cấp từ Mỹ.

Một "ông lớn" khác của ngành hàng không vũ trụ là Tập đoàn Airbus của châu Âu cũng mở rộng chuỗi cung ứng tại VN. Hiện tập đoàn này đang có nhiều sự hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất linh kiện máy bay. Cụ thể như Artus (Meggitt) VN tại TP.HCM cung cấp thiết bị cơ điện cho dòng máy bay A320, A330 và A350, còn Nikkiso VN tại Hà Nội có đóng góp quan trọng trong sản xuất cấu trúc composite cho máy bay A320 Sharklet và các linh kiện cho máy bay A330neo, A350.

Airbus cũng là nhà cung cấp máy bay hàng đầu cho các hãng hàng không tại VN. Hiện các hãng hàng không trong nước đang khai thác hơn 220 máy bay Airbus và còn 110 chiếc đang chờ giao. Đi kèm việc mua máy bay mới công tác bảo dưỡng, sửa chữa, thay linh kiện… sẽ tạo ra một thị trường với giá trị khổng lồ. Theo thống kê, ngành vận tải hàng không tạo ra 2,2 triệu việc làm và đóng góp 12,5 tỉ USD, tương đương 5,2% vào GDP của VN.

Hướng tới phát triển bền vững

Đề cập việc phát triển chuỗi cung ứng bền vững phù hợp với lộ trình phát thải ròng bằng 0 của VN, bà Hoàng Tri Mai, Tổng giám đốc Airbus VN, phát biểu tại Diễn đàn Thương mại VN - châu Âu rằng Airbus nhận thấy cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực qua các thế mạnh của VN, bao gồm lực lượng lao động dồi dào, ngành công nghiệp sản xuất sôi động và cơ sở hạ tầng phát triển nhanh chóng. Sự phát triển đáng chú ý của VN là tín hiệu đầy hứa hẹn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Airbus đang làm việc chặt chẽ với các công ty trong nước cho các đơn hàng mới liên quan đến sản xuất linh kiện phụ tùng máy bay, mở rộng hơn nữa chuỗi cung ứng đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng, an toàn và phát triển bền vững.

“Ông lớn” hàng hải, hàng không đến Việt Nam - Ảnh 5.

Bà Hoàng Tri Mai

Ngọc Trâm

Airbus tăng sản lượng, thúc đẩy cung ứng tại VN

Triển vọng phát triển tích cực và việc Airbus gia tăng sản lượng máy bay sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động của các nhà cung ứng tại VN, đồng thời mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tiềm năng tham gia hợp tác cùng Airbus. Đây là những doanh nghiệp có thể đáp ứng các yêu cầu khắt khe của chúng tôi về tính cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn vận hành và về cam kết bền vững trong ngành công nghiệp hàng không.

Hoàng Tri Mai, Tổng giám đốc Airbus VN


Tổng giám đốc Airbus VN cho hay các nhà cung ứng tại VN cũng được yêu cầu phải thể hiện cam kết về bền vững trong các hoạt động sản xuất, tương thích với các giá trị của Airbus, trong đó có các biện pháp cụ thể để giảm thiểu tác động của hoạt động sản xuất đến môi trường. Cũng đề tài về phát triển bền vững, trong một buổi chuyện trò mới đây với phóng viên Thanh Niên, ông Michael Nguyễn, Giám đốc Công ty TNHH Boeing VN, nhắc tới lộ trình giảm phát thải ròng bằng 0 của VN và chia sẻ văn phòng mới của Boeing ở Hà Nội đặt tại một cao ốc văn phòng có chứng chỉ LEED, được xây dựng nhằm đạt hiệu năng vận hành thân thiện với môi trường, đồng thời có lộ trình duy trì mức phát thải ròng bằng 0 trong tương lai, thông qua nỗ lực tiết kiệm điện và nước tiêu thụ.

Phát triển bền vững là mục tiêu hướng tới của ngành hàng không vũ trụ, trong đó Boeing đã và đang tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo trong các nhà máy, đặt mua thêm nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) phục vụ các chuyến bay thương mại và tiếp tục đầu tư đáng kể vào công nghệ nhằm tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí thải và tiếng ồn. Trong Báo cáo Bền vững 2023 được Boeing công bố mới đây, thể hiện tầm nhìn và lộ trình của tập đoàn này hướng đến một tương lai hàng không vũ trụ bền vững. Cụ thể, Boeing đã và đang thử nghiệm khoảng 230 công nghệ nhằm tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí thải và tiếng ồn.

Đại diện của Boeing cho biết tập đoàn sẽ liên danh thực hiện một nghiên cứu nhằm mở rộng quy mô sản xuất SAF tại Đông Nam Á. SAF (được sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp, hạt có dầu, dầu ăn đã qua sử dụng...) sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc kích hoạt tăng trưởng bền vững và giúp ngành hàng không thương mại đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. SAF có tiềm năng giảm phát thải carbon trong suốt vòng đời nhiên liệu đến 80% so với nhiên liệu máy bay phản lực có nguồn gốc từ dầu mỏ. 

Tập đoàn chuyển phát nhanh toàn cầu hợp tác với ngân hàng của VN

DHL Express, nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế hàng đầu thế giới, vừa ký kết hợp đồng dịch vụ GoGreen Plus với Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB). Dịch vụ này của DHL giúp giảm lượng khí thải carbon cho các lô hàng chuyển phát nhanh quốc tế (TDI) thông qua việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Bằng cách đầu tư vào GoGreen Plus, ước tính ACB có thể cắt giảm đến 14 tấn khí thải CO2 trong vòng 12 tháng.

Toàn bộ quá trình giảm phát thải của dịch vụ GoGreen Plus sẽ được xác minh hằng năm bởi một cơ quan độc lập thuộc bên thứ ba là công ty Société Générale de Surveillance (SGS). Ngoài ra, một báo cáo Dấu chân Carbon (Carbon Footprint) bổ sung sẽ được cập nhật hằng tháng, nêu chi tiết lượng khí thải tổng thể của ACB trong dịch vụ hợp tác với DHL Express.

Tập đoàn DHL cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đang đầu tư 7 tỉ euro vào các sáng kiến giảm phát thải carbon cho đến năm 2030. Với khoảng 90% lượng khí thải carbon có nguồn gốc từ mạng lưới hàng không, các giải pháp vận tải hàng không khả thi và bền vững có vai trò quan trọng để tạo nên hoạt động logistics xanh và sạch hơn. Trong các giải pháp đó, có 2 trong số những thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay của DHL với BP và Neste - hai đơn vị này sẽ cung cấp cho DHL hơn 800 triệu lít SAF cho đến năm 2026. Việc này sẽ góp phần vào mục tiêu tạm thời là sử dụng 30% SAF cho mọi phương tiện vận tải hàng không vào năm 2030. Tương tự, DHL Express cũng đã hợp tác với Eviation và sẽ nhận 12 máy bay chở hàng chạy bằng điện năng từ năm 2027 trở đi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.