'Ông lớn' xăng dầu nợ thuế môi trường nghìn tỉ, Tổng cục Thuế nói gì?

19/01/2024 21:38 GMT+7

Về nợ thuế bảo vệ môi trường của doanh nghiệp xăng dầu, ông Mai Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cho biết trong tổng số 34 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, có gần 10 doanh nghiệp nợ thuế.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính chiều 19.1, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn đã trao đổi nhiều nội dung xung quanh vấn đề nợ thuế bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.

'Ông lớn' xăng dầu nợ thuế môi trường nghìn tỉ, Tổng cục Thuế nói gì?- Ảnh 1.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn trả lời tại buổi họp báo

ĐT

Ông Mai Sơn cho biết, trong tổng số 34 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, có gần 10 doanh nghiệp nợ thuế. Hiện nay, số nợ thuế của các doanh nghiệp nói chung, Tổng cục Thuế đang kiểm soát chặt chẽ, các cục thuế địa phương đã làm hết trách nhiệm liên quan trong thực hiện các quy định về quản lý thuế.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế nêu rõ, thực hiện theo quy định của luật Quản lý thuế, các doanh nghiệp tự khai, tự nộp, tự tính và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và đôn đốc nợ thuế với nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Về quản lý dòng tiền của doanh nghiệp, qua thanh tra, kiểm tra sẽ xử lý nếu có vi phạm.

"Thời gian qua, các cơ quan thuế đã đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế thực hiện theo đúng quy định của pháp luật", ông Sơn khẳng định.

Về quy trình, ông Sơn thông tin thêm: khi các đơn vị phát sinh khoản nợ bắt đầu từ ngày 91 trở lên, cơ quan thuế sẽ thực hiện cưỡng chế tài khoản; từ ngày 121 sẽ thực hiện cưỡng chế hóa đơn.

"Ngoài ra, còn áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác tùy theo quy định pháp luật quản lý thuế liên quan đến người đại diện pháp luật, ví dụ như cấm xuất cảnh; xác định, kê biên tài sản...", ông Mai Sơn nói.

Để ngăn tình trạng doanh nghiệp nợ thuế, năm 2024, ngành thuế sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính và cơ sở kinh doanh.

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, việc quản lý thuế theo nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự nộp, cơ quan thuế giám sát. Còn việc dòng tiền, nếu doanh nghiệp vi phạm sau khi rà soát, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Trước đó, đầu tháng 1, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

Kết quả thanh tra còn cho thấy, do Tổng cục Thuế và nhiều cục thuế thực hiện chưa đầy đủ, chưa đúng quy định, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỉ đồng trong nhiều kỳ, nhiều năm.

Thanh tra Chính phủ xác định, tại thời điểm 30.9.2022, 6 trong số 15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được thanh tra đang nợ tiền thuế bảo vệ môi trường với tổng số tiền hơn 3.219 tỉ đồng.

Đáng chú ý, mặc dù còn nợ ngân sách nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường nhưng một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã cho nhiều cá nhân vay nợ để sử dụng vào mục đích cá nhân cả nghìn tỉ đồng.

Trong đó, từ năm 2017 - 2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức cho ông Chu Đăng Khoa, Phó tổng giám đốc, và bà Chu Thị Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này, mượn hơn 7.485 tỉ đồng. Đến thời điểm thanh tra, 2 cá nhân nêu trên còn nợ công ty tổng số tiền hơn 1.396 tỉ đồng.

Tương tự, Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil đã âm vốn chủ sở hữu hơn 462 tỉ đồng, nợ Nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường hơn 1.246 tỉ đồng; nợ quỹ bình ổn giá hơn 212 tỉ đồng. Tuy nhiên, công ty lại đang cho bà Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này, nợ hơn 2.978 tỉ đồng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.