Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện (thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội), nêu quan điểm này tại buổi giao lưu “Nghị quyết 128 - Hướng đến bình thường mới”, do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức hôm nay, 18.10.
Trả lời câu hỏi "phải xử lý thế nào nếu xảy ra tình trạng mỗi địa phương sẽ hiểu và áp dụng Nghị quyết 128 khác nhau, không tạo sự thống nhất trên toàn quốc", ông Lưu Bình Nhưỡng nói: “Với Nghị quyết 128, Chính phủ cho quyền các địa phương thích ứng mà các địa phương không thích ứng nữa thì có lẽ phải đình chỉ, loại trừ, cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ, không hòa cùng "nhịp đập" của cả nước hoặc vì câu chuyện cá nhân hay địa phương của mình mà ngăn cản các địa phương khác, ngăn cản các chủ thể khác, như thế thì không chấp nhận được”.
Ông Nhưỡng nhấn mạnh, “không thể để xảy ra tình trạng trên bảo dưới không nghe. T.Ư điều hành mà địa phương không tuân thủ”.
Ông Lưu Bình Nhưỡng (giữa) và Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (bìa trái) |
nhật bắc |
Theo ông Nhưỡng, nguyên tắc tính thống nhất toàn quốc đã được ghi thành một câu riêng biệt trong Nghị quyết 128, cụ thể là, “các địa phương không được cục bộ cát cứ và ban hành quy định vượt quá mức cần thiết".
“Điều này có nghĩa là không được vượt qua các tiêu chuẩn, tiêu chí mà Bộ Y tế ban hành. Những tiêu chí này là những tiêu chí nguyên tắc, các địa phương không được ban hành quy định vượt quá, đấy là tính cần thiết”, ông Nhưỡng phân tích.
Kinh tế TP.HCM bị ảnh hưởng ra sao trong đại dịch Covid-19? |
Ông Nhưỡng cũng cho rằng, đó là địa phương phải đưa ra phương án trên cơ sở đánh giá cấp độ dịch của từng nơi và của toàn tỉnh. Đây là những phương án linh hoạt, là yêu cầu "thích ứng linh hoạt" đã được nêu trong Nghị quyết 128 mà Chính phủ đã trao quyền. Tuy nhiên, đi cùng với đó, là vấn đề phải kiểm soát được.
Theo ông Nhưỡng, chúng ta có 3 mảng rất quan trọng hiện nay. Một là đảm bảo mạch máu lưu thông phải thông suốt, không cẩn thận sẽ thành "xơ vữa động mạch giao thông" như ví dụ ở TP.Cần Thơ vừa qua, hơn 4.000 xe ùn tắc gây ra 3 nguy cơ lớn: lây nhiễm chéo, an ninh trật tự và nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất.
Thứ hai là nền tảng nông nghiệp. “Hàng hóa phải lưu thông để sản xuất, hàng nông sản phải vận chuyển ra, không để cho khủng hoảng về lương thực thực phẩm và an sinh được”, ông nói.
Thứ ba là phải bảo đảm toàn bộ hệ thống sản xuất và khu công nghiệp hoạt động trở lại. Bởi đây không chỉ là câu chuyện sản xuất mà còn là giải quyết công việc cho người lao động, từ đó tác động trở lại ngân sách và an sinh xã hội.
“Tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền, từ Nghị quyết 128 này cần có sự đánh giá chặt chẽ với lãnh đạo địa phương để xác định trách nhiệm, trong trường hợp cần báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, xử lý, không thể để kết thúc chiến dịch mới làm. Vào trận mà không chỉ huy được thì tôi đề nghị lui ra, để người khác làm thay chứ đánh trận mà như vậy chúng ta sẽ thua. Tôi cho rằng tính tuân thủ, tính linh hoạt cần phải được kiểm soát”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thêm, Nghị quyết 128 cho phép các địa phương linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không được trái với quy định của T.Ư, không gây ách tắc về giao thông và hàng hóa, không gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và đi lại của người dân.
“Trong trường hợp tổ chức triển khai thực hiện hoặc trong trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch có quy mô toàn tỉnh, thành phố cao hơn các biện pháp quy định trong Nghị quyết 128; hoặc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, các hướng dẫn của các bộ, ngành, các địa phương thấy chưa sát thực tế hoặc khó triển khai thực hiện thì đề nghị các địa phương có đề xuất với các bộ, ngành có liên quan để sớm có hướng dẫn triển khai cụ thể. Đồng thời, gửi về Bộ Y tế, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, để báo cáo với Ban Chỉ đạo, với cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế trong tình hình dịch hiện nay”, ông Tuyên nói.
Bình luận (0)