Do TP.HCM áp dụng “phòng họp không giấy”, tức là việc cung cấp tài liệu cho đại biểu dự họp sẽ được tải lên mạng (trên cổng thông tin Văn phòng UBND TP.HCM) thay vì văn bản giấy như trước đây. Đại biểu dự họp sẽ đọc tài liệu qua máy tính bảng được trang bị tại cuộc họp.
Tuy nhiên, tại cuộc họp sáng 19.7, do đại biểu dự họp quá đông trong khi số lượng máy tính bảng khá hạn chế nên nhiều đại biểu không thể đọc được tài liệu. Một số tài liệu lại không thể đọc qua điện thoại thông minh (smartphone).
|
Thấy nhiều đại biểu không thể đọc được tài liệu, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong đề nghị Văn phòng UBND TP.HCM rút kinh nghiệm việc này. Nếu hội nghị không đủ máy cho đại biểu thì trong thư mời văn phòng phải nói đã chuyển tài liệu trong e-mail, đại biểu có thể in mang theo đọc hoặc đem theo máy tính cá nhân đọc tài liệu tại cuộc họp.
“Chứ vô cuộc họp rồi văn phòng mới nói đã gửi tài liệu qua e-mail thì khó cho đại biểu quá. Giờ đại biểu không có máy đọc tài liệu thì xử lý sao. Một cái như thế mà cách giải quyết thiếu đồng bộ”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
|
Trước đó, cuối tháng 6.2019, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị công bố triển khai ứng dụng “phòng họp không giấy tờ e-Cabinet” và ứng dụng “giao việc tức thời - nhắc việc thông minh”.
Với “phòng họp không giấy tờ e-Cabinet”, trước mỗi phiên họp, nội dung chương trình và các tài liệu số của cuộc họp được chuẩn bị, xem xét, phê duyệt và tức thời chuyển đến các đại biểu để nghiên cứu trước.
Các câu hỏi ý kiến của đại biểu sẽ được tổng hợp để thảo luận trong cuộc họp và chuẩn bị dự thảo kết luận, quan đó góp phần nâng cao chất lượng thảo luận và rút gọn thời gian cuộc họp.
Trong mỗi phiên họp, đại biểu có thể truy cập kho tài liệu số phong phú chuẩn bị trước phiên họp (tài liệu chính, tham khảo, cá nhân, kho tài liệu liên kết bên ngoài) kết hợp với các công cụ tiện lợi như ghi chú, đánh dấu trực tiếp trên tài liệu giúp việc tra cứu chính xác và thời gian thao tác được tính bằng đơn vị giây.
Bình luận (0)