Đầu phiên họp chiều nay 21.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026; danh sách phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ GTVT nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Kết quả bỏ phiếu, với đa số các đại biểu tán thành, Quốc hội đã phê chuẩn ông Nguyễn Văn Thắng giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT nhiệm kỳ 2021 - 2026, bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Chân dung, tiểu sử ông Nguyễn Văn Thắng - Tân Bộ trưởng Bộ GTVT |
Với tân Bộ trưởng Bộ GTVT, nhiệm vụ trước mắt khá nặng nề khi hàng loạt dự án hạ tầng lớn đang triển khai, cần đảm bảo tiến độ chặt chẽ.
Đối với Cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 (2021 - 2025), theo kế hoạch, Bộ GTVT, các ban quản lý dự án sẽ phải hoàn tất các thủ tục liên quan để khởi công các gói thầu đầu tiên vào cuối tháng 12.2022. Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát trước ngày 20.12; chuẩn bị công tác khởi công các gói thầu đầu tiên từ ngày 21 đến 24.12. Các gói thầu còn lại hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công trong quý 1/2023.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ GTVT, không nhiều nhà thầu xây lắp tại Việt Nam có hồ sơ đáp ứng được các gói thầu quy mô từ 5.000 - 15.000 tỉ đồng. Trong 5 năm gần đây, sơ bộ đánh giá chỉ có 1 nhà thầu đã thực hiện hợp đồng thi công xây dựng với giá trị 3.642 tỉ đồng, có đủ điều kiện năng lực thực hiện gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 7.284 tỉ đồng.
5.000 km cao tốc và đường sắt tốc độ cao
Sau gần 20 năm, Việt Nam mới xây dựng được khoảng 1.500 km đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, mục tiêu tới năm 2025 cả nước sẽ có 3.000 km, và tới năm 2030 là 5.000 km. Trước đó, khi còn đương nhiệm, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể từng cam kết tới năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao là có 3.000 km cao tốc.
Mục tiêu này sẽ là thách thức rất lớn với tân Bộ trưởng GTVT, lý do, dù hàng loạt đại dự án cao tốc đã và đang được khởi động theo phương thức PPP, nhưng trên thực tế, hình thức PPP không dễ triển khai trong thời điểm này, do đa số các nhà đầu tư không đủ tiềm lực tài chính trong khi khó huy động vốn vay.
Với “món nợ” đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự án này đã được khởi động nghiên cứu từ năm 2005, tới nay đã vắt qua rất nhiều đời bộ trưởng, nhưng vẫn chưa có nhiều đột phá.
Nếu được Bộ Chính trị thông qua về chủ trương, sẽ có rất nhiều bước phải chuẩn bị trong nhiệm kỳ này từ các thủ tục lập dự án, nguồn vốn... để kịp tiến độ giai đoạn 1 như mục tiêu kế hoạch. Trước đó, báo cáo tiền khả thi của Bộ GTVT đặt mục tiêu, giai đoạn 1 sẽ đầu tư trước đoạn tuyến Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang, các bước gồm chuẩn bị đầu tư cho toàn tuyến giai đoạn 2020 - 2026, thi công giai đoạn 2027 - 2031 và đưa vào khai thác khoảng năm 2032.
Long Thành và bài toán quy hoạch sân bay
Với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dù các báo cáo của Bộ GTVT đều khẳng định các mốc đang đáp ứng cơ bản tiến độ đặt ra. Tuy nhiên, tới nay, các hạng mục quan trọng như nhà ga hành khách, đường băng sân đỗ, đường kết nối... vẫn chưa được khởi công. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra là cuối năm 2025, tức chỉ còn hơn 3 năm, phải hoàn thành và đưa vào khai thác sân bay này.
Với quy hoạch sân bay, đây là quy hoạch duy nhất còn lại trong 5 quy hoạch ngành lớn của Bộ GTVT chưa được thông qua. Vì quy hoạch vẫn “mở” nên rất nhiều địa phương gần đây liên tục kiến nghị bổ sung các sân bay mới vào quy hoạch như Sơn La (sân bay Mộc Châu), Kon Tum (sân bay Măng Đen)...
Bài toán cân não sẽ là có bổ sung thêm sân bay vào quy hoạch hay không, và nếu có sẽ là sân bay nào để vừa đảm bảo hiệu quả vừa không dư thừa, lãng phí.
Những "siêu dự án" hạ tầng này sẽ là thách thức rất lớn cho "chiếc ghế nóng" của tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Bình luận (0)