VinFast đã thay đổi thói quen tiêu dùng của nhiều người Việt
VinFast đã chính thức chiếm thị phần số 1 Việt Nam, không chỉ trong 10 tháng năm nay mà có thể là cả năm 2024, bà đón nhận thông tin này như thế nào?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Tôi rất mừng khi biết thông tin đặc biệt này. Số 1 của VinFast chứng tỏ xe điện của Việt Nam đang đáp ứng được nhu cầu của người dân và chinh phục được người tiêu dùng, đồng thời đang không ngừng nâng năng lực cạnh tranh so với các đại gia ô tô trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam từ mấy thập niên trước đây.
Hơn nữa, dấu mốc này cũng cho thấy VinFast đã bước đầu thành công trong việc đánh thức ý thức của người tiêu dùng Việt, cùng nhau cố gắng vì môi trường xanh, sạch hơn. Đây là việc không hề dễ dàng bởi người tiêu dùng trong nhiều năm chưa thực sự quan tâm tới các sản phẩm xanh. VinFast đã làm rất tốt việc đưa phương tiện di chuyển xanh vào đời sống, với hệ sinh thái đi kèm thuận tiện, dịch vụ và cách chăm sóc khách hàng tốt, từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng của nhiều người Việt.
Nếu tính từ lúc bàn giao những chiếc VinFast đầu tiên, hãng xe Việt cũng chỉ mất hơn 5 năm. Còn tính từ khi chính thức chuyển hẳn sang sản xuất xe điện, cũng chỉ hơn 2 năm VinFast đã vươn lên dẫn đầu thị trường, bà đánh giá thế nào về hành trình này?
Quả thật, cách đây 5 - 7 năm, khi thấy mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại khó đạt được, có mấy ai dám tin Việt Nam sẽ có nhà sản xuất ô tô của chính mình. Nhất là hồi đó, sản phẩm của các đại gia ô tô Nhật, Mỹ, Hàn, châu Âu... đã tràn ngập thị trường Việt Nam; chưa kể các dòng xe giá rẻ hơn của Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang "nhòm ngó" thị trường nước ta, khi các FTA dẫn đến giảm dần thuế nhập khẩu và các rào cản phi thuế khác cho xe nhập khẩu.
Đầu tư sản xuất ô tô của VinFast và tốc độ thực hiện cực nhanh đã gây bất ngờ, đến quyết định chuyển sang sản xuất xe điện càng gây bất ngờ hơn. Lúc đó, cũng như nhiều người khác, tôi đang lo về sự thiếu vắng nhiều lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ rất cần thiết cho ngành ô tô của Việt Nam, lại tăng thêm mối lo vì biết làm xe điện khó hơn nhiều, thách thức hơn nhiều, ngay cả với các đại gia ô tô của thế giới. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu nếu Việt Nam không sớm có thương hiệu xe điện của mình thì chúng ta sẽ khó có cơ hội phát triển ngành công nghiệp quan trọng này. Bởi luồng xe điện nhập khẩu từ một số thị trường lớn và thị trường mới nổi sẽ nhanh chóng tràn vào và "xâm chiếm" thị trường nước ta. Vả lại, nước ta có cam kết cao với quốc tế và với người dân các thế hệ sống trên đất nước mình về đạt mức Net Zero vào năm 2050, nên sớm muộn cũng phải chuyển sang sử dụng xe điện.
Theo bà, vì sao VinFast có thể chinh phục được người tiêu dùng Việt trong thời gian ngắn như vậy, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường ô tô Việt Nam đã định hình nhiều năm?
Có 3 yếu tố làm nên sức mạnh của VinFast. Thứ nhất, đồng thời là quan trọng nhất, là tầm nhìn và ý chí của ông Phạm Nhật Vượng khi quyết tâm, táo bạo, dám nghĩ, dám làm với sự nhìn xa trông rộng, ý chí kinh doanh và tinh thần dân tộc. Nếu đơn thuần vì lợi nhuận, hay lợi ích của doanh nghiệp trong ngắn hạn hoặc trung hạn, tôi nghĩ ông Vượng và VinFast sẽ không làm như hiện tại.
Yếu tố thứ hai là tài năng, bản lĩnh của ông Phạm Nhật Vượng bởi xe điện là lĩnh vực rất mới, đầy khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, nếu không sớm bắt tay vào làm và biết tổ chức làm một cách quyết liệt, rất khác người, thì sẽ không bao giờ có xe điện của người Việt. Nếu chỉ hài lòng với những cái đã làm và tiếc tiền của, công sức đã đầu tư cho các dòng xe cũ thì VinFast khó có thể làm nên thương hiệu ô tô vươn ra đầu tư trên thị trường thế giới.
Cuối cùng, chính là nguồn lực của Vingroup, VinFast, đặc biệt là đội ngũ nhân lực tài ba, đồng lòng, được truyền cảm hứng từ vị thuyền trưởng.
Ủng hộ xe điện vì môi trường xanh cho nhiều thế hệ mai sau
Việc VinFast vươn lên chiếm lĩnh thị trường có ý nghĩa ra sao với công nghiệp hỗ trợ, vốn rất èo uột của Việt Nam, thưa bà?
Đúng là lâu nay người Việt mặc cảm với chính mình và trong mắt của nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng vì ngành công nghiệp hỗ trợ không có cơ hội phát triển. Thậm chí, khi nhiều hãng ô tô của các nước như Toyota, Ford, Hyundai… vào Việt Nam, sau bao nhiêu năm, chúng ta vẫn giậm chân tại chỗ.
Tuy nhiên, nhờ sự vươn lên của VinFast và nhiều doanh nghiệp khác, cái nhìn của chính chúng ta và nhiều đối tác trên thế giới đã thay đổi. Việt Nam hiện tại khác rất nhiều so với vài chục năm trước đây. Chúng ta đã có thương hiệu ô tô sản xuất bởi người Việt, đang bước đầu thành công ở Việt Nam và vươn ra thế giới. Đương nhiên, con đường còn dài, sự cạnh tranh trên cả thị trường trong nước và quốc tế ngày càng khốc liệt, song ít nhất nhiều đối thủ sẽ không thể coi thường chúng ta như trước nữa.
Rộng hơn, thành công của VinFast cùng một số doanh nghiệp đã khiến họ trở thành đầu tàu, sẽ kéo theo sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, giúp các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này có thêm niềm tin về tương lai phát triển. Tôi tin rằng từ đó, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ có sự đột phá tương xứng với vai trò quan trọng của mình, góp phần để Việt Nam có thể thực hiện được ước vọng trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Như bà vừa nói, "con đường còn dài", vậy chúng ta phải làm gì để chung tay với VinFast thực hiện "ước vọng thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại"?
Trong hàng chục năm chúng ta vẫn kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, nhưng có những sản phẩm như ô tô, trước đây ta chưa từng nghĩ người Việt có thể làm được. Hiện tại, khi chúng ta đã có những sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường như xe điện, được làm chính bởi bàn tay người Việt thì không có lý gì không ủng hộ. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện tại, mỗi người quan tâm tới hàng Việt, ủng hộ doanh nghiệp và sản phẩm Việt có chất lượng cao cũng là cách để thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc.
Trong quá trình này, cần ý thức của tất cả mọi người, đặc biệt là người trẻ. Giới trẻ hiện ý thức ngày càng tốt về vấn đề này nhưng tôi muốn nhấn mạnh lại, trong điều kiện nước ta hội nhập sâu rộng và cạnh tranh gay gắt về mọi mặt, kể cả về cơ hội phát triển của đất nước và từng con người, về việc làm, thu nhập… như hiện tại, ý thức tiêu dùng để ủng hộ hàng Việt lại càng cần rõ ràng, mạnh mẽ hơn.
Cần có chính sách ưu tiên sử dụng xe điện "made by Vietnam" tại các cơ quan nhà nước
Nhà nước phải tiên phong trong chuyển đổi xanh bởi nhà nước của ta lại đồng thời là nhà đầu tư lớn và "người tiêu dùng" rất lớn các sản phẩm khác nhau, qua các chương trình mua sắm công. Nhà nước đầu tư, mua sắm bằng tiền thuế của doanh nghiệp, của dân, nên nếu dòng tiền đầu tư, mua sắm của nhà nước được quay trở lại ủng hộ cho hàng Việt xanh thì còn gì bằng.
Vì thế, tôi đặc biệt mong có thêm chính sách hoặc yêu cầu rõ ràng về việc ưu tiên sử dụng xe điện "made by Vietnam" tại các cơ quan nhà nước. Đây là vấn đề cần thẳng thắn, hoàn toàn không cần úp mở, vì ủng hộ doanh nghiệp Việt sản xuất sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường cũng là ủng hộ việc đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường, vì tương lai phát triển của đất nước và cuộc sống của nhiều thế hệ con cháu chúng ta. Nhiều nước đã thực hiện chính sách này. Chúng ta đang khát khao Việt Nam vươn mình, với tinh thần tự tôn, tự tin, tự lực tự cường. Chúng ta cũng có quyền và cần thiết phải làm như vậy.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Bình luận (0)