Ông Putin để ngỏ việc thỏa hiệp với Nhật Bản về đảo tranh chấp

02/09/2016 15:50 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn tìm kiếm giải pháp cho quần đảo tranh chấp Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương bắc với "những người bạn Nhật Bản".

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2.9 sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề Diễn đàn kinh tế phương đông diễn ra tại thành phố cảng Vladivostok của Nga. Trước thềm cuộc gặp này, Tổng thống Putin đã có cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg với nhiều nội dung, trong đó có quan hệ với Nhật Bản và vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.
Theo Bloomberg, ông Putin đã dùng giọng điệu hòa giải tại cuộc phỏng vấn này. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng việc giải quyết tranh chấp ở 4 hòn đảo tại quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril, còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương bắc "là một phần của việc thiết lập giai đoạn phát triển quan hệ liên chính phủ trong dài hạn". Ông Putin nói rằng ông muốn tìm kiếm một giải pháp để "không bên nào phải cảm thấy bị đánh bại hay thua thiệt".
Ông Putin cũng khẳng định không "mua bán hay đổi chác lãnh thổ" nhưng nếu có thể đạt được sự tin tưởng cấp cao với Nhật Bản thì Nga có thể có vài sự thỏa hiệp. Nhà lãnh đạo Nga cũng gọi các quan chức Nhật Bản là "những người bạn". Theo Bloomberg, ông Putin dự định sẽ thăm Nhật Bản vào tháng 12.2016.
Trong khi đó, phát biểu với các phóng viên trước chuyến bay tới Vladivostok ngày 2.9, Thủ tướng Abe nói rằng: "Tôi muốn có cuộc nói chuyện chân thành với Tổng thống Putin để có tiến triển trong vấn đề hiệp ước hòa bình và Vùng lãnh thổ phương bắc", theo Kyodo News.
Phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản, ông Yoshihide Suga cho biết vấn đề về quần đảo tranh chấp Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương bắc sẽ là một nội dung quan trọng trong cuộc nói chuyện ngày 2.9 giữa ông Putin và ông Abe. Kyodo News đưa tin rằng hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về khả năng Nga "trao lại" hai hòn đảo cho Nhật Bản.
Tranh chấp tại quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril, còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương bắc đã khiến quan hệ hai nước Nga - Nhật hục hặc suốt nhiều thập niên qua, cản trở việc hai nước ký kết hiệp ước hòa bình sau chiến tranh thế giới thứ 2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.