Xe

Ông Tập Cận Bình nhắm đến điều gì ở châu Phi?

05/12/2015 07:00 GMT+7

Với những giá trị kinh tế, chính trị nhất định, châu Phi hứa hẹn sẽ là nơi thể hiện tham vọng của Trung Quốc, theo tạp chí Newsweek (Mỹ).

Với những giá trị kinh tế, chính trị nhất định, châu Phi hứa hẹn sẽ là nơi thể hiện tham vọng của Trung Quốc, theo tạp chí Newsweek (Mỹ).

Chuyến đi Nam Phi lần này hứa hẹn nhiều công việc cần được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện - Ảnh: ReutersChuyến đi Nam Phi lần này hứa hẹn nhiều công việc cần được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện - Ảnh: Reuters

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 2.12 đã đến châu Phi để tham dự Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – Châu Phi (FOCAC) năm 2015, diễn ra tại Johannesburg, Nam Phi ngày 4.12. Đây là hội nghị được tổ chức 3 năm/lần, bắt đầu từ năm 2000 ở Bắc Kinh.

Theo số liệu từ The Wall Street Journal, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi với 222 tỉ USD giá trị giao dịch trong năm 2014. Ngoài ra, Trung Quốc cũng được cho đã tài trợ 2.500 dự án phát triển trên 51 nước châu Phi, với giá trị tổng cộng 94 tỉ USD.

Đổi lại, châu Phi cũng sẽ là nơi Trung Quốc đang tìm kiếm sự ủng hộ về mặt chính trị cũng như các chính sách phát triển kinh tế. Tạp chí Newsweek ngày 3.12 phân tích 5 điểm Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ nhắm tới để hiện thực hóa tham vọng làm bạn với các nước châu Phi nhân chuyến tham dự FOCAC này.

Cửa ngõ Nam Phi

Khác với trước đây, FOCAC lần này tổ chức tại thành phố Johannesburg của Nam Phi. Đây cũng là dịp để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết nối với phần còn lại.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) nói chuyện với Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma hôm 2.12 - Ảnh: Reuters

Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến gặp Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma ở Pretoria nhằm thực hiện một số cuộc đàm phán trước thềm FOCAC. Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Nhlanhla Nene nói với Reuters rằng ông “kỳ vọng một số bản hợp đồng” sẽ được ký kết để thúc đẩy thương mại hai nước.

Trung Quốc là đối tác xuất nhập khẩu hàng đầu của Nam Phi, với 10,5 tỉ USD xuất khẩu và 16,4 tỉ USD nhập khẩu. Chính vì vậy, Trung Quốc xem Nam Phi là một “cửa ngõ vào châu lục (châu Phi)”, theo Stephen Chan, giáo sư về chính trị quốc tế của Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi thuộc Đại học London (Anh).

Xây dựng quan hệ với Nigeria

Nếu chọn Nam Phi làm cửa ngõ, chắc chắn Nigeria sẽ là nơi tiếp theo Trung Quốc cần chinh phục. Đơn giản xét về kinh tế, Nigeria đang là nước đứng đầu châu Phi, vượt qua chính Nam Phi vào năm 2013, theo Reuters. Ngoài ra, Nigeria cũng là nhà sản xuất dầu hàng đầu châu lục với hơn 500 tỉ USD giá trị dầu mỏ trong năm 2013.

Tổng thống Nigeria, ông Muhammadu Buhari sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại FOCAC và thảo luận về việc khôi phục dự án đường sắt trị giá hơn 20 tỉ USD do Trung Quốc tài trợ, cũng như việc xây dựng một nhà máy điện, Newsweek dẫn Twitter của ông Muhammadu Buhari cho biết.

Thương mại song phương giữa Nigeria và Trung Quốc phát triển gần gấp 7 lần từ năm 2009, ghi nhận mức 23,5 tỉ USD vào tháng 6.2015. Ngoài ra, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nigeria trong thống kê quý thứ hai của năm 2015.

Tìm kiếm sự ủng hộ chính trị

Với lịch sử đầu tư và hỗ trợ đáng kể ở châu Phi, hình ảnh của Trung Quốc tại đây khá tích cực. Việc tiếp tục xây dựng mối quan hệ này sẽ giúp ích cho Trung Quốc ở lĩnh vực khác, theo Deborah Brautigam, Giám đốc sáng kiến ​​Nghiên cứu Trung Quốc - Châu Phi tại Đại học John Hopkins.

“Điều quan trọng là chính trị, vì mỗi nước trong số 54 quốc gia châu Phi đều có phiếu biểu quyết tại Liên Hiệp Quốc. Họ đều là đối tác ngoại giao và sẽ hữu ích theo nhiều cách khác nhau”, bà Brautigam nói.

Giải quyết vấn đề quân sự khu vực và quốc tế

Châu Phi cũng là nơi có nhiều người đạo Hồi và cũng chịu nỗi khổ từ các tay súng Hồi giáo cực đoan. Ví như Nigeria có Boko Haram và al-Shabab, vốn cũng hoạt động ở Somalia và Kenya. Tương tự, Trung Quốc cũng đang đối diện nguy cơ khủng bố cực đoan từ bộ tộc Duy Ngô Nhĩ (Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ) ở khu vực Tân Cương.

Boko Haram là vấn nạn của các nước như Nigeria, nhưng về lâu dài đây cũng là hiểm họa cho Trung Quốc và nhiều nơi khác - Ảnh: AFP

“Họ cũng không muốn thấy al-Qaeda, IS hoặc Boko Haram hay dạng khủng bố như vậy kéo tới Trung Quốc. Ngay bây giờ thì điều ấy chưa có, nhưng nó sẽ là mối bận tâm của họ”, bà Brautigam nói.

Cũng như Nga, Anh, Pháp, Đức muốn diệt trừ IS ngay tại hang ổ (Syria, Iraq) trước khi đám khủng bố này kéo tới châu Âu, hiện Trung Quốc đã triển khai hàng trăm binh sĩ tới Nam Sudan trong năm 2015. Về lâu dài, giải quyết nạn khủng bố ở châu Phi cũng là một cách để Trung Quốc tự vệ.

Đánh bóng tên tuổi

Hội nghị thượng đỉnh FOCAC là nơi quy tụ hơn 50 nhà ngoại giao, lãnh đạo các nước và là cơ hội cho sự hợp tác Trung Quốc – châu Phi, theo bà Brautigam.

Như vậy, những tấm ảnh chụp, những cái bắt tay của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy hình ảnh của ông gần hơn với người dân các nước ấy thông qua báo giới.

Hiện tại ở châu Phi, chỉ còn 4 nước không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, bao gồm Swaziland, Burkina Faso, Gambia và nước Sao Tome & Principe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.