Ông tổ phương pháp phẫu thuật gan hiện đại

13/05/2012 03:11 GMT+7

“Về ông tôi, có lẽ điều nên viết nhất giờ đây là quan điểm giáo dục - điều đến giờ vẫn còn rất mới, rất hiện đại”, nhà thiết kế Tôn Hiếu Anh, cháu đích tôn của GS Tôn Thất Tùng, nói.

Ông tổ phương pháp phẫu thuật gan hiện đại
Bác sĩ Tôn Thất Tùng và bác sĩ Hồ Đắc Di (đeo kính) - Ảnh tư liệu

Cố tình “đúp” để học cao hơn

“Trường đại học Y khoa cũng là một mối băn khoăn của chúng tôi, vì lúc đầu các giáo sư đều là những người hiểu biết chưa đầy đủ”, GS Tôn Thất Tùng ghi lại “phản biện” của mình về các giáo viên trong nhật ký. Có người đỏ mặt khi bị hỏi, có thầy dạy giải phẫu là nhà nhổ răng, có bác sĩ tai mũi họng lúc giảng bài luôn đọc từ sách ra…

 

Đối với chúng tôi, GS Tôn Thất Tùng là một trong những ông tổ nổi tiếng nhất, tiêu biểu nhất trong phẫu thuật gan hiện đại. Các công trình của GS là nguồn gốc của những tiến bộ lớn lao trong ngành phẫu thuật.

GS Deniel Jaeck, thành viên Viện Hàn lâm Y khoa quốc gia Paris

Mặc dù vậy, Trường đại học Y khoa Hà Nội vẫn đóng cửa không cho người Việt Nam vào. Năm 1935, ông vào làm ngoại trú tại Bệnh viện Phủ Doãn. Kết thúc 2 năm ngoại trú tại đây, nếu là người Pháp ông sẽ được thi vào nội trú. Song chính quyền Pháp không chấp nhận tổ chức cuộc thi ấy.

“Đáng lẽ tôi phải trình luận án thi ra bác sĩ năm 1937, nhưng tôi rất buồn và phân vân. Tôi suy nghĩ: ra bác sĩ để đi làm kiếm tiền trong khi đó học hành chưa ra gì; nếu không đấu tranh thì chẳng bao giờ tụi thực dân mới tổ chức thi nội trú cho sinh viên trường y”.

Thậm chí bác sĩ Pháp Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn bấy giờ còn gọi ông lên và bảo phải trình luận án để ra bác sĩ đi, chứ việc gì phải chịu mức lương thấp như thế. Tuy nhiên, ông trả lời: “Các ông có nhiệm vụ phải tổ chức cho tôi thi nội trú, nếu không, tôi cứ ở mãi ngoại trú, và mỗi năm tôi sẽ đến gặp ông để đặt vấn đề lại”.

“Năm 1938, mong muốn đó của ông thành hiện thực. Ông tôi là người duy nhất được nhận sau kỳ thi nội trú cho các bệnh viện ở Hà Nội”, Hiếu Anh cho biết và nói thêm: “Sau này tôi nghe kể lại, thời gian biểu của ông lúc đó vất vả không thể tưởng tượng nổi. Mười giờ, phụ mổ cho giáo viên. Mổ xong, có khi không kịp ăn trưa phải xuống nhà mổ xác để lo phẫu tích và mổ xẻ thực hành trên xác chết. Sau đó, trở về viện xem lại các ca mổ buổi sáng. Tối về phòng trực cấp cứu”.

Nhờ công việc mổ xác mà ông đã học được nhiều về đặc tính bệnh tật ở nước ta - rất khác so với hiểu biết ở phương Tây. Các thầy Tây cứ tưởng sỏi mật chỉ nằm trong túi mật, trong khi sỏi lại nằm nhiều trong gan. Thầy tưởng giun chỉ có thể đi lung tung trong cơ thể khi người chết, trong khi con giun có thể làm điều đó trong cơ thể sống...

“Quan trọng thay cách làm việc của tuổi trẻ, lúc vỏ não chưa bị sách vở hay các ông thầy già nhồi sọ bằng những lý luận không sát mà người ta cứ tưởng như là chân lý vĩnh viễn. Nếu không bám sát vào thực tế hằng ngày như vậy, thì lúc trưởng thành, làm sao không rơi vào con đường bảo thủ giáo điều, cho là mình biết hết mọi việc, và tưởng rằng vấn đề đã được giải quyết cả rồi”, vị giáo sư viết trong nhật ký.

“Ngay từ hồi đó ông tôi đã biết nghi ngờ sự giảng dạy giáo điều”, Tôn Hiếu Anh nói.

Trong bài Vấn đề giáo dục con em chúng ta đăng trên Báo Nhân dân năm 1974, GS Tôn Thất Tùng lên tiếng về chương trình giáo dục của nước ta: “Chúng ta đã cho con em chúng ta học một chương trình quá nhiều chữ và ít việc làm”. Giờ đây, những cái học phù phiếm lan tràn trong xã hội, những tiến sĩ giấy, những đề tài chẳng để làm gì rất dễ thấy thì ta càng thấm thía triết lý giáo dục của ông.

“Sau này bố tôi (PGS Tôn Thất Bách - PV) cũng dạy tôi theo triết lý giáo dục rất coi trọng sự thanh khiết, say mê và thực học đó. Bố rất muốn tôi theo nghề y, nhưng khi tôi không đủ kiên nhẫn để học và thi vào trường thì bố không ép. Hồi đó thậm chí việc tôi không theo học y còn khiến có người gọi tôi là Tôn “Thất” Hiếu Anh”, Hiếu Anh tâm sự. “Tuy vậy, điều mà gia đình tôi vẫn nói với nhau đó là phải tôn trọng sự tự do tuyệt đối của từng cá nhân và hãy để con cháu mình làm những điều mình thích hay học cái gì mà mình muốn. Ông và bố tôi luôn quan niệm là nghề nào cũng tốt, cũng là cao quý, cái chính là phải hết lòng với công việc đó”.

Huân chương cho nhà quý tộc

Năm 1996, trong danh sách những người được giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu có tên GS Tôn Thất Tùng. Một giải thưởng lớn. Nhưng có lẽ giải thưởng mà ông quý nhất vẫn là Huân chương Kháng chiến hạng ba do chính Bác Hồ trao tặng.

Năm 1949, GS Đặng Văn Ngữ mang ở Tokyo về hai chủng nấm để gây kháng sinh penicillin và streptomycin mà quân đội khi đó rất cần. Trong khi GS Ngữ muốn làm kháng sinh bột thì GS Tùng lại không tán thành vì bột khi đó không dùng để tiêm được. Ông khuyên GS Ngữ nên theo kinh nghiệm của Pháp sau chiến tranh làm kháng sinh kiểu dịch, lọc từ nấm nuôi trong dung dịch ngô. Khi họp Chính phủ, Bác Hồ cho phép ông nhận huân chương do chính ông tự nhận, tự bình bầu. GS Tùng chọn Huân chương Kháng chiến hạng ba cũng là phần thưởng cho GS Ngữ.

Bác tự tay trao huân chương cho ông rồi nói: “Chú Tùng là một cidevant (quý tộc) mà nay được Chính phủ ta tặng huân chương. Chú phải cố gắng hơn nữa!”.

“Sau này về Hà Nội, Bộ Y tế đề nghị tôi đổi huân chương hạng ba này thành hạng nhất. Tôi từ chối vì huân chương này, duy nhất trong năm huân chương mà tôi có, là do tay Bác và cụ Tôn trao cho trong rừng sâu Việt Bắc, một vinh dự mà ước mơ của tôi cũng không bao giờ nghĩ tới”, trong nhật ký của mình GS tự hào viết.

Ông tổ của ngành phẫu thuật gan hiện đại

Trong bức thư gửi Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Tôn Thất Tùng (ngày 10.5.2012 tại TP.Huế, Thừa Thiên - Huế), GS Yves Lecompte, chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật tim bẩm sinh của Pháp đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ: “Tôn Thất Tùng là nhân vật đặc biệt nhất mà tôi đã may mắn gặp được trong cuộc đời của mình. Năm 1978, nhân cuộc tiếp tân chúc mừng anh tại Paris, anh đã nhờ tôi giúp triển khai mổ tim hở tại Hà Nội và cho rằng đây là cơ hội duy nhất để thúc đẩy nền ngoại khoa của VN có bước nhảy vọt tiếp cận với y học hiện đại... Tôi đã đồng ý. Tháng sau, những thực tập sinh đầu tiên đã đặt chân đến Paris, đó là Đặng Hanh Đệ, Tôn Đức Lang và Tôn Thất Bách. Chỉ sau một thời gian ngắn, các bác sĩ này đã hòa nhập hoàn toàn với nhóm bác sĩ Pháp và tiếp thu không chút khó khăn những kỹ thuật ngoại khoa của thời đó. (...) Chuyến đầu tiên của chúng tôi đến Hà Nội... sau vài tuần xoay xở, chúng tôi đã có thể tiến hành phẫu thuật. Bách và Đệ đã thực hiện thành công ca mổ tim hở đầu tiên tại VN…”.

Tự hào là một học trò của GS Tôn Thất Tùng, trong lá thư của mình, GS Deniel Jaeck, thành viên Viện Hàn lâm Y khoa QG Paris viết: “Đối với chúng tôi, GS Tôn Thất Tùng là một trong những ông tổ nổi tiếng nhất, tiêu biểu nhất trong phẫu thuật gan hiện đại. Các công trình của GS là nguồn gốc của những tiến bộ lớn lao trong ngành phẫu thuật. GS đã có công lao lớn nhất trong việc tạo dựng và phát triển phương pháp phẫu thuật gan hiện đại phát triển trên toàn thế giới... Tôi tự hào nói rằng tôi cũng là một học trò của GS Tôn Thất Tùng". 

GS Tôn Thất Tùng (10.5.1912-7.5.1982), nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, xuất thân từ một gia đình quý tộc nhà Nguyễn. Ông là người phát minh ra phương pháp cắt gan khô. Phương pháp này được gọi bằng chính tên ông, nhờ buộc các mạch máu trong gan trước khi cắt, đã gây ít tổn thương và biến chứng nhất có thể. Ông cũng là người đã có những nghiên cứu mở đường về ảnh hưởng của chất độc da cam dioxin và rất nhiều công trình khoa học khác.

Ông là Viện sĩ Viện Hàn lâm y học Liên Xô; thành viên Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris... được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động (1962);  Huân chương Hồ Chí Minh (1992); Huân chương Lao động hạng nhất; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (1996). Từ năm 2000, Nhà nước Việt Nam đặt ra một giải thưởng về y học mang tên ông: Giải thưởng Tôn Thất Tùng.

Trong các con của ông, người nổi tiếng nhất là PGS - Viện sĩ, bác sĩ Tôn Thất Bách, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội.  

Trinh Nguyễn

Trinh Nguyễn - Bùi Ngọc Long

>> Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Tôn Thất Tùng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.