Nhận định về bức tranh đô thị TP.HCM được ông Trần Quang Lâm nêu tại hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và quán triệt, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của UBND TP.HCM, tổ chức sáng 6.1.
Ông Trần Quang Lâm cho biết năm 2023, nguồn vốn của ngành giao thông chiếm 60% nguồn vốn toàn thành phố, chỉ riêng ban giao thông và ban đường sắt hơn 40.000 tỉ đồng, nếu cộng thêm vốn của các ban quản lý dự án quận, huyện nữa thì khoảng 45.000 tỉ đồng, bằng 50% số vốn của Bộ GTVT. Đến nay, ngành giao thông giải ngân trên 70%, bằng 2,5 - 3 lần các năm trước.
Bí thư Nguyễn Văn Nên: TP.HCM năm 2024 ‘vẫn đi trong cơn gió ngược’
Về nhiệm vụ năm 2024, ông Trần Quang Lâm cho biết sẽ tập trung cho công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch chung, quy hoạch thành phố, quy hoạch phân khu, quy hoạch các dự án trọng điểm, tránh kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Thứ 2 là nhóm dự án đường sắt đô thị. Hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang sớm về đích, khai thác thương mại từ tháng 7.2024; còn tuyến metro số 2 sẽ khởi công vào năm 2025. Theo Kết luận 49 năm 2023 của Bộ Chính trị, TP.HCM phải hoàn thành cơ bản mạng lưới đường sắt đô thị với tổng chiều dài 320 km.
Nhiệm vụ trọng tâm thứ 3 mà ông Trần Quang Lâm nêu ra là tập trung cho hệ thống cao tốc, vành đai. TP.HCM có 3 vành đai, trong đó Vành đai 2 còn một số đoạn chưa hoàn thành, Vành đai 3 đã khởi công và dự kiến hoàn thành năm 2026, Vành đai 4 đang chuẩn bị hồ sơ để khởi công trong năm 2024.
Về hệ thống cao tốc, tuyến TP.HCM - Mộc Bài và TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành cũng đang khẩn trương thực hiện, thực hiện cơ chế phân cấp ủy quyền về địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về đường quốc lộ, ông Trần Quang Lâm thông tin quốc lộ 50 đang triển khai, 3 tuyến (quốc lộ 1, quốc lộ 13 và quốc lộ 22), đã được đưa vào danh mục các dự án triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Ngoài ra, các dự án khác nối trung tâm TP.HCM ra vành đai như cầu đường Bình Tiên, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Cần Giờ… cũng đã được cân đối vốn, thông qua chủ trương đầu tư.
Về giao thông thủy, ông Trần Quang Lâm cho biết cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đang được TP.HCM cùng Bộ GTVT điều chỉnh quy hoạch cảng biển Việt Nam và cảng biển nhóm 4.
Ngành giao thông TP.HCM phấn đấu năm 2024 khởi công 16 công trình, dự án và hoàn thành 38 hạng mục chính hoặc dự án hoàn thành, tập trung các dự án trọng điểm, tháo gỡ các dự án PPP sau kết luận thanh tra, kiểm toán.
TP.HCM thu ngân sách hơn 446.500 tỉ đồng năm 2023
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đề xuất các giải pháp khơi thông nguồn lực về vốn và con người cho các tuyến cao tốc, vành đai, đường sắt đô thị. Về vật liệu, ông Lâm cho biết một số dự án trọng điểm của vùng Đông Nam bộ đang thiếu cát, hay như Vành đai 3 cũng đang chậm một số gói thầu làm đường.
Trong năm 2024, ngành giao thông đưa vào một số dự án thanh tra chất lượng công trình; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý hoạt động xây dựng và điều hành dự án.
"Năm 2024 sẽ là năm hạ tầng phát triển nhanh, và trong vài năm nữa bức tranh đô thị thành phố sẽ khác biệt và tươi sáng, hiện đại hơn rất nhiều", Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm kỳ vọng.
Bình luận (0)