Chiều 29.6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đối thoại của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội với thanh niên năm 2023 với chủ đề: "Thanh niên TP.Hà Nội khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số". Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tại điểm cầu UBND TP.Hà Nội, có ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam; các lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hà Nội; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội đồng Đội TP.Hà Nội cùng 150 đoàn viên, thanh niên tiêu biểu trên các lĩnh vực.
Tại điểm cầu 30 quận, huyện, thị xã có các chủ tịch UBND, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện cùng 2.000 đoàn viên, thanh niên đại diện cho gần 3 triệu thanh niên thủ đô.
Cần chuyển hướng tư duy đào tạo
Phát biểu đề dẫn hội nghị, ông Trần Đình Cảnh, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, cho biết hội nghị đối thoại là diễn đàn quan trọng để lãnh đạo thành phố lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, thanh niên. Qua hội nghị, lãnh đạo thành phố cũng gần hơn, hiểu hơn thanh niên, từ đó có những quyết sách tạo điều kiện cho thanh niên Hà Nội phát triển.
Ông Cảnh nhấn mạnh về yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của thủ đô Hà Nội và đất nước, hội nhập quốc tế. Đồng thời, cần phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ thủ đô Hà Nội và Tổ quốc.
Tại hội nghị, lãnh đạo thành phố đã trao đổi, thông tin, trả lời những mong muốn của đoàn viên, thanh niên thủ đô trên 4 nhóm lĩnh vực: tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; cải cách hành chính; chuyển đổi số.
Giải đáp những băn khoăn của các bạn trẻ về nhu cầu việc làm và chất lượng nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng được thị trường lao động, ông Trần Sỹ Thanh đề nghị lãnh đạo sở, ngành thành phố lưu tâm đến việc chuyển hướng tư duy đào tạo ngành nghề có lợi thế, nhà trường chuyển sang đào tạo nhân lực xã hội cần.
Ông Trần Sỹ Thanh cũng cho biết, với cương vị là đại biểu Quốc hội, bản thân ông cũng có những đề xuất, kiến nghị để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trẻ.
Gỡ vướng mắc về khởi nghiệp
Giải đáp về những thắc mắc của bạn trẻ khi hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa thực sự rõ ràng, ông Nguyễn Hồng Sơn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở KH-CN Hà Nội, thông tin: "Hiện nay, hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội còn một số khó khăn, vướng mắc do chưa đủ cơ sở pháp lý cho vay đối với các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Vì theo quy định hiện nay, quỹ phải bảo toàn vốn mà cho vay đầu tư khởi nghiệp thì có rủi ro".
Theo ông Sơn, để tháo gỡ vướng mắc này, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, UBND thành phố đang dự thảo luật Thủ đô, xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành để chuẩn bị trình Quốc hội.
Trong đó, có nội dung chính sách huy động liên quan đến huy động, sử dụng, phát huy tiềm lực đổi mới sáng tạo chuyển đổi số. Nếu được thông qua thì sẽ tháo gỡ được nội dung vướng mắc này, thực hiện thử nghiệm đầu tư mạo hiểm có kiểm soát và huy động các nguồn vốn khác để ươm tạo doanh nghiệp, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực ưu tiên của thành phố…
Hiện nay, chính sách cho vay học tập và xuất khẩu lao động còn gặp nhiều khó khăn, do mới chỉ chủ yếu phục vụ các đối tượng yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo.
Liên quan tới vấn đề có thể mở rộng hơn để thanh niên không phải hộ nghèo cũng được tiếp cận hay không, ông Phạm Văn Quyết, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách TP.Hà Nội, cho biết: "Chúng ta vẫn có cách sửa đổi cơ chế cho vay, đề nghị UBND thành phố giao các sở để cùng nghiên cứu, rà soát các nhu cầu, đối tượng, có thể mở rộng hơn, có thể là thanh niên thông thường không phải hộ nghèo cũng được tiếp cận; bổ sung thêm nguồn vốn để có cơ sở triển khai cho vay, để người dân, đoàn viên, thanh niên được tiếp cận tốt hơn nữa".
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Trần Sỹ Thanh nói: "Chúng ta cần nhận biết rõ hơn nữa về tuổi vị thanh niên và thanh niên. Khi trở thành thanh niên rồi, người trẻ là những cá nhân độc lập, tự chủ. Như nhiều quốc gia trên thế giới, khi 18 tuổi là các em không còn phụ thuộc vào kinh tế gia đình, vì thế hoàn toàn có thể tự chủ trong vấn đề vay và trả vốn".
Sẽ có giải pháp phù hợp giải quyết những trăn trở của người trẻ
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, lãnh đạo thành phố được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ khó khăn, mong muốn của các đoàn viên, thanh niên, qua đó sẽ có giải pháp phù hợp để giải quyết cơ bản những mong muốn, trăn trở của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố.
Điều này nhằm không ngừng khơi dậy, phát huy tính năng động, sáng tạo, vai trò và trách nhiệm của đội ngũ đoàn viên, thanh niên đối với quá trình xây dựng và phát triển thủ đô nói riêng, đất nước nói chung trong giai đoạn tới.
Ông Thanh mong muốn được trao đổi, lắng nghe nhiều hơn ý kiến của các bạn trẻ để cập nhật kiến thức, tư duy, cách thức từ người trẻ.
"Làm sao để lãnh đạo thành phố cập nhật thông tin của thanh niên nhanh hơn, hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực. Tôi mong Đoàn Thanh niên đổi mới phương thức hoạt động, làm sao thu hút được thanh niên nhiều nhất, đông nhất, làm được nhiều việc ý nghĩa nhất cho xã hội", ông Thanh nói.
Bình luận (0)