Sáng 4.5, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội phối hợp tổ chức phiên giải trình về nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (vừa được phân công điều hành hoạt động của Quốc hội), hoan nghênh Ủy ban Xã hội chủ trì phối hợp với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục tổ chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội cũng cho rằng, thuốc lá điện tử đang xâm nhập và được sử dụng ngày càng nhiều và gia tăng ở nước ta, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh. Thậm chí, có những lo ngại đối với thanh niên, thiếu niên khi thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng đang dần thay thế cho thuốc lá truyền thống.
Cạnh đó, theo ông Mẫn, tình hình nhập lậu thuốc lá, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, pha trộn ma túy (cần sa, ma túy tổng hợp) đang diễn biến phức tạp và gia tăng rất nhanh.
Vẫn theo Phó chủ tịch thường trực Quốc hội, tác hại của thuốc lá điện tử đến sức khỏe được đánh giá như thuốc lá truyền thống. Đặc biệt, đối với thanh niên, thiếu niên còn làm suy yếu sự phát triển não bộ của trẻ em và vị thành niên, gây nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần; ảnh hưởng tới sức khỏe bà mẹ và bào thai trong tương lai; tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân lực, ảnh hưởng an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành chưa đủ bao quát để điều chỉnh cả về công tác quản lý, kiểm soát cũng như phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng dẫn đến thiếu quy định về cơ chế quản lý, chế tài xử phạt đủ mạnh đối với hành vi vi phạm.
Từ đó, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội đề nghị các cơ quan nhận diện đúng về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đánh giá tác hại của các loại thuốc lá này. Có thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân và chính kiến về trách nhiệm của Nhà nước đối với vấn đề này.
Ông Mẫn cũng đề nghị đưa ra những kiến nghị cụ thể, rõ ràng. Đối với những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật cần phải bảo đảm về tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có các giải pháp thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Ông Mẫn lưu ý việc quản lý phải nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như trên cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và năng lực cơ quan quản lý nhà nước.
Làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước
Trong phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trước thực trạng sử dụng thuốc lá mới và những hệ lụy của việc sử dụng các sản phẩm này, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cùng nhiều đại biểu cho rằng, nhận thức, quan điểm về phương thức quản lý các sản phẩm này chưa được thống nhất, công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có những khó khăn, bất cập, hạn chế.
Hai ủy ban đã thống nhất tổ chức phiên giải trình nhằm mục đích công khai, minh bạch trước đồng bào, cử tri về nhận diện tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; thực trạng tình hình việc mua bán, sử dụng, xử lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đồng thời, làm rõ những tồn tại, hạn chế và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Theo bà Thúy Anh, thông qua phiên giải trình tìm sự thống nhất về các giải pháp nâng cao nhận thức, hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bình luận (0)