Ông trăng trong mắt bé - Truyện ngắn của Zac Herman

30/09/2012 03:25 GMT+7

Ánh đèn đường lung linh trên mặt hồ Tây, và trong mắt bé. Đôi mắt Thủy. Trăng tròn đầy vừa nhô lên bầu trời Hà Nội. “Bố ơi, mua cho con cái này!” - Thủy năn nỉ chỉ vào đèn ngôi sao bằng nhựa dẻo nhiều màu, khung mỏng kết bởi những chốt gỗ nhỏ. Đây là Tết Trung thu thứ sáu của bé.

Đèn neon hình xoắn ốc, hình ngôi sao và vòng tròn lủng lẳng trên hàng cây vệ đường Thanh Niên thu hút các cô cậu thiếu niên đạp xe qua, rọi sáng cho bọn con trai phóng vèo trên những chiếc Yamaha trang trí hoa văn Louis Vuitton theo sở thích, và làm khuây khỏa những người đàn ông, đàn bà mệt mỏi trên đường về nhà với những túi ni lông nhỏ đựng mớ rau cá đung đưa dưới ghi đông xe.

 Viết tặng các bé Việt Nam nhân Trung thu
Minh họa: Tuấn Anh

Vỉa hè tập trung người bán dạo bong bóng khí helium cỡ lớn, xen lẫn mấy con hổ bơm phồng vẻ dữ tợn có vẻ là thứ sót lại từ dịp Tết năm Dần. Chong chóng nhiều màu sắc đính trên những thanh gỗ cắm vào các khối bọt styro màu trắng bám đầy bụi. Các nghệ nhân vô danh nắn những con thú, siêu nhân be bé xinh xinh từ những mảng đất sét. Tựa lan can bờ hồ, mấy ông nhàn rỗi giữ chặt cần câu dài bằng tre, với ý nghĩ bán được mẻ cá cho các nhà hàng hải sản cạnh đấy. Bóng dáng từng đôi trai gái ngồi nép vào nhau trên ghế đá, chăm chú nhìn ra mặt hồ Tây, nơi chiếc phà hai tầng chầm chậm bơi quanh đám xuồng đạp hình thiên nga.

Bố cô bé trả 20 nghìn đồng cho người đàn bà có nước da sạm nâu, khởi động chiếc Honda Dream cà tàng, rồi hai cha con nhập vào dòng người đang hối hả về với bữa cơm tối gia đình. Thủy không để ý đến cửa hàng kem hồ Tây, hay những bó cúc màu hồng, màu vàng ở sạp hoa nơi góc phố, mà dán mắt xuống đôi sandal nhựa mềm nhỏ nhắn mang hờ trên đầu mấy ngón chân. Thủy mải nghĩ về những gì đang chờ mình ở nhà. Bé sẽ gặp ông bà nội, người luôn mang sô cô la Pháp nhập khẩu cho bé, gặp ông chú có chòm râu dày rậm dưới cằm, và Hoa và Trang - hai đứa em gái, con chú, cũng là hai người bạn thân nhất. Ngoài tết đầu năm thì Trung thu là dịp lễ ưa thích nhất của bé trong năm. Lúc bố con Thủy về tới nhà, một số cửa hiệu cạnh nhà dù đã đóng kín, ánh sáng và tiếng nói cười vẫn phát ra ầm ĩ qua cửa sổ, và tiếng rú của xe gắn máy dội vang những con hẻm sâu. Thủy có thể nghe những doanh nhân trẻ từ một quầy bar gần đấy hô “Một, hai, ba!.. Một, hai, ba!...” khi họ hào hứng nốc cạn những vại bia hơi giá rẻ sau một ngày dài giam mình nơi làm việc. Đêm nay, dường như hầu hết người Hà Nội thức khuya hơn một chút, náo nhiệt hơn một chút, và hẳn là vui vẻ hơn thường lệ.

Mẹ Thủy đón hai bố con ở cửa. Mẹ mở khóa, cánh cửa rung mở trên những bản lề kêu kin kít, “Con gái mẹ có gì đấy nào? Ô, đèn sao đẹp quá!”.

“Ờ, một ngôi sao đắt đỏ”, bố Thủy tiếp lời. “Những 20 nghìn đồng một cái đấy, em tin được không? Có nhớ cái thời chỉ 2 nghìn một cái? Anh bảo em nhé, thiên hạ giờ chẳng quan tâm gì đến truyền thống nữa, chỉ cố làm giàu”.

“Mình ơi, một năm chỉ

một lần thôi mà”. Mẹ nhắc bố, rồi quay sang Thủy, cúi nhìn đôi mắt sáng của bé, “Thủy, cơm tối xong, mẹ sẽ thắp đèn Trung thu cho con khoe với ông trăng nhé”.

“Dạ! Aaa...” - Thủy kêu

lên khi chạy vào căn nhà đang tỏa sáng.

Bên trong, mọi thứ đúng như Thủy mong chờ. Điều đầu tiên bé nhận ra là vị cay của khói nhang từ bàn thờ ở cuối phòng lan tỏa. Trái cây, xôi nếp và con gà trống luộc đã được dọn trên trần tủ gỗ lớn, hai bình hoa hồng tươi chốt hai bên. Cạnh bàn thờ, chiếc ti vi màn hình phẳng của gia đình đang phát trực tiếp một chương trình biểu diễn của các ca sĩ và vũ công trong trang phục thôn dã truyền thống nhưng có phần sặc sỡ quá mức. Các chàng trai xếp hàng sát nhau giả vờ chèo những chiếc thuyền chuyển động bằng bánh xe trên dòng sông là những dải lụa màu xanh đang dập dềnh sóng nhờ sức hỗ trợ của mấy chiếc quạt điện công suất lớn đặt đâu đó sau cánh gà. Các cô gái trong những chiếc áo dài óng ánh ngồi hai bên “bờ sông”, duyên dáng gảy đàn tranh và đàn tỳ bà. Pháo hoa phụt sáng lung linh làm nền phía sau. Ông bà nội của Thủy ngồi xem ti vi trên trường kỷ - chiếc ghế gỗ dài phủ sơn mài và khảm xà cừ. Cụ ông chỉn chu trong bộ vét - ghi lê khít khao và thêm phần trọn vẹn với chiếc mũ bê rê nỉ xám tro. Cụ bà xuề xòa hơn với áo cánh màu da trời, quần lãnh và khăn nhung đen trùm mái tóc bạc, buộc dưới cằm. Hai cô em con chú của Thủy nằm thoải mái trên sàn lát ván mát mẻ, xem phim hoạt hình Nhật Bản trên máy tính xách tay của bố mẹ chúng. Phía đối diện của căn phòng, ông chú ngồi ở bàn ăn với chai vốt ka Nga màu trắng sương mù cùng hai cốc thủy tinh nhỏ, được rót đầy ngay khi bố của Thủy bước vào nhà. Thủy tức thì lao về phía chú, nhưng không bởi ý định nghịch chòm râu của ông như mọi khi, chỉ là chợt thấy quả dưa hấu đặt giữa bàn có những nét trổ rất đẹp, nên chạy lại gần để xem rõ hơn. Mẹ của bé chỉ sắm thứ đặc biệt này vài lần trong năm để đánh dấu những dịp gia đình đoàn tụ. Vỏ dưa được khắc trổ công phu, đến mức các lớp màu xanh, trắng, đỏ của nó tạo nên hình nổi một chim phượng sải cánh, và những chiếc lông đuôi dài xinh đẹp của con chim kết quanh một vầng trăng tròn đầy. Bé Thủy xúc động thì thầm, “Ông trăng...”.

Tối hôm ấy cả nhà nói đủ chuyện trên đời. Nào cô Quỳnh vẫn chưa tìm được anh chồng vừa ý, nào cậu Ánh sang năm du học Úc. Nào nhà họ Nguyễn mới tậu ô tô, Mercedes đấy nhé, nào nhà họ Lê mới mua thêm nhà ở khu Long Biên nối dài... Nhưng Thủy chẳng buồn chú ý, ngọ ngoạy trên ghế khi chiếc đồng hồ gỗ treo tường lười biếng gõ tích tắc. Bé cố lắng nghe, nhưng người lớn dùng nhiều từ bé không hiểu.

“Mẹ, con có thể xin phép... ” - bé rụt rè hỏi.

“Con còn chưa ăn miếng gà nào đấy”, mẹ gắt. “Con phải biết là phải ăn đồ cúng, vì đó là lộc của ông bà”.

Thủy gắp một khoanh thịt, bóc bỏ lớp da vàng nhẫy, nhá một miếng nạc màu trắng, bỏ lại trong chén, rồi lại xin mẹ rời khỏi bàn ăn.

“Thôi được, con có thể đi”, mẹ bé thở dài, xua tay. “Này, đừng quên rủ các em của con cùng chơi đấy!”.

“Nào, ra ngoài! Nào, đi xem ông trăng!” - Thủy reo lên, một tay cầm đèn sao mẹ vừa thắp cho, một tay tóm lấy tay Hoa, còn Trang chạy lẽo đẽo phía sau, cố bắt kịp hai chị. “Chờ với!” Trang gào lên.

“Rùa quá, đây không chờ

đâu nhé! Đuổi theo đi, nhanh lên!”. Hai bé lớn cười khúc khích, chạy chân trần ra khoảnh sân nhỏ lát gạch.

Mặt sân sáng lên dưới ánh sáng trắng mát mẻ của trăng tròn. Đã vào tháng chín dương lịch, cái nóng bức của mùa hè còn hoành hành, và có thể tiếp tục tới hết tháng mười một. Tuy nhiên, đêm nay, một cơn gió mát nhẹ đã khuấy động bầu không khí oi ẩm, mang lại chút thư thái cho người Hà Nội biết ơn.

Các cô bé chạy vòng vòng, nhảy cẫng và cười. Mảnh sân giờ là thế giới thần tiên trong trí tưởng bọn trẻ. Trên cao, ông trăng tỏa sáng. “Xem kìa, xem kìa... Ông trăng!”, bé Hoa chỉ lên bầu trời, cánh tay vươn hết mức, như thể trong mong manh gang tấc là bé có thể vói chạm tới được.

“Hẳn là xa lắm”, Thủy tiếp lời.

“Ít nhất cũng phải hàng trăm dặm”, Trang đoán.

Những dự đoán của ba cô bé chẳng mấy chốc bị gián đoạn khi mẹ của Thủy gọi cả bọn. “Muộn rồi, gần chín giờ rồi. Hoa, Trang vào với bố các cháu đi, đang chuẩn bị về đấy. Này, Thủy, con chào các em đi. Gặp lại nhau ngay ấy mà. Con ngoan, tới đây với mẹ, đến giờ đi ngủ rồi”.

***

Ngay khi mẹ kéo tấm chăn mỏng tới vai, Thủy nhắm tịt mắt trông buồn cười, cố vờ ngủ, tin điều đó sẽ khiến mẹ rời phòng sớm hơn mọi hôm. Mẹ của Thủy mỉm cười, thì thầm, “ngủ ngon nhé” và nhẹ bước ra khỏi phòng, khép cửa lại. Mình có được đứa con đáng yêu biết bao, mẹ Thủy nghĩ thầm.

Thủy mở mắt, ban đầu còn nghe ngóng, rồi nhấc đầu khỏi gối và dậy, ngồi bó gối bên bậu cửa sổ sát giường ngủ. Những ngón tay nhỏ nhắn của bé vừa đủ dài để bíu vào hai song cửa bằng sắt. Bé vừa giữ chặt như thế, áp má vào song cửa, vừa cố bắt lấy cái nhìn thoảng lần cuối của ông trăng trước khi ông chuyển cuộc hành trình sang phần bầu trời phía tây.

“Bé quá”, Thủy nghĩ. “Bé thật, nhưng rất sáng. Có trẻ con như mình ở chỗ ông trăng cao hàng trăm dặm trên kia không nhỉ?”.

Zac Herman

>> Thợ nhuộm tóc - Truyện ngắn của Phan Thị Thanh Nhàn
>> Nỗi lòng chôn kín" - Truyện ngắn Trương Điện Thắng
>> Mảnh ghép cuối cùng - Truyện ngắn của Vũ Thị Hạnh
>> Tình phố núi" - Truyện ngắn của Bùi Thanh Minh
>> Công bố truyện ngắn bị "phủ bụi" của Fitzgerald
>> Thư của Chủ tịch nước gửi thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu
>> Học sinh Hà Nội tưng bừng vui tết Trung thu
>> Trò chơi dân gian đón Tết Trung thu
>> Tết Trung thu hướng về biển đảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.