Ông 'trùm' sáng chế ở Nghệ An

Vũ Thơ
Vũ Thơ
18/02/2022 10:50 GMT+7

Với rất nhiều sáng chế máy móc, dây chuyền công nghệ để phát triển kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường , anh Hồ Xuân Vinh (35 tuổi) ở xã Quỳnh Văn, H.Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đã được mệnh danh là ông “trùm” sáng chế.

Trong 5 năm từ 2017 - 2021, anh Vinh có tới 26 sáng chế được đăng ký ở Cục Sở hữu trí tuệ và nhiều sáng chế đã được cấp bằng độc quyền; nhiều sáng chế có hiệu quả kinh tế cao đã được áp dụng rộng rãi khắp cả nước, được nhiều bộ, ngành công nhận.

Hiện anh Vinh là Phó giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, Giám đốc Công ty TNHH ABACA Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Thanh niên H.Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Bỏ việc lương cao, "bẻ lái" về quê đóng gạch

Tốt nghiệp thạc sĩ ngành điện tử viễn thông Trường đại học Bách Khoa Hà Nội, anh Vinh đang có một công việc với mức lương cao tại thủ đô nhưng sau vài năm công tác, anh lại “bẻ lái” về quê làm nghề đóng gạch.

Tuy nhiên, những viên gạch anh sản xuất ra là một bước ngoặt lớn trong việc bảo vệ môi trường và trở thành một sáng chế vô cùng hữu ích cho xã hội. Đó là việc sáng chế máy đúc gạch không nung thay thế cho các lò gạch thủ công trên cả nước.

Anh Hồ Xuân Vinh đã nghiên, cứu sáng chế ra nhiều loại máy móc sản xuất công nghiệp và nông nghiệp giúp giảm ô nhiễm môi trường và có hiệu quả kinh tế cao

nvcc

Anh Vinh cho biết, trước đây việc sản xuất gạch bằng đất sét và nung bằng củi đốt đã gây tác hại rất lớn cho môi trường vì tiêu thụ đất sét màu mỡ của các ruộng lúa, tiêu thụ nhiều than đá, củi đốt và thải ra hàng triệu tấn khí thải các bon gây hiệu ứng nhà kính. Đây là vấn đề môi trường cực kỳ nghiêm trọng cần có giải pháp giải quyết triệt để trên địa bàn cả nước.

Nhận thấy những vấn đề môi trường lớn và cấp bách, năm 2014, anh Vinh quyết định về quê tiếp nhận một xưởng cơ khí của cha anh gây dựng và bắt tay vào ngành chế tạo dây chuyền vật liệu không nung, thay thế cho gạch đỏ nung truyền thống. Để thử nghiệm mô hình, anh đi lấy bụi đá do các công ty khai thác đá thải ra, mang về đóng thành gạch bằng máy đúc gạch do mình sản xuất. Sáng kiến này vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giảm ô nhiễm môi trường.

Máy ép gạch do anh Hồ Xuân Vinh sáng chế

Nvcc

Nhờ có sáng chế này, năm 2017, anh được Ngân hàng Thế giới chọn làm chủ nhiệm dự án sáng tạo ứng phó biến đổi khí hậu. Dự án sử dụng các sáng chế máy đúc gạch không nung thay thế các lò gạch thủ công cả nước đã có kết quả vượt các chỉ tiêu đề ra.

Trong 1 năm thực hiện dự án đã giảm được 592.800 tấn khí thải CO2 ra môi trường, giảm được 1,525 triệu m3 đất sét để làm gạch nung, giảm 154.270 tấn than đá sử dụng, tạo ra 3.466 việc làm mới trên cả nước.

Không ngừng sáng chế

Sau đó, anh đã nghiên cứu chế tạo thành công máy ép gạch thế hệ thứ 9 với tính năng vượt trội là tự động hoàn toàn. Hiện máy ép gạch do anh sáng chế đã có mặt tại tất cả 63 địa phương, từ địa đầu Hà Giang cho đến Cà Mau, Phú Quốc và xuất khẩu đi 8 nước trên thế giới.

Từ năm 2018 đến nay, anh tiếp tục nghiên cứu chế tạo thêm dòng sản phẩm mới về vật liệu không nung, đó là máy gạch Terrazzo mâm xoay, máy gạch Leho từ đất đồi, máy cấp liệu sản xuất gạch sinh thái tự chèn, máy ép gạch đất đồi, máy gạch tự ghép, máy trộn bê tông tươi, trạm trộn bê tông…

Anh Hồ Xuân Vinh với máy tách sợi từ thân chuối do anh sáng chế

nvcc

Đến nay, anh có 26 sáng chế, trong đó 10 sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích, độc quyền kiểu dáng công nghiệp; 16 sáng chế đang chờ công nhận. Nhiều sản phẩm đã được Bộ Công thương bình chọn là Hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu toàn quốc và khu vực.

Nhiều công trình sáng tạo của anh đã đạt giải nhất, giải nhì Sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An; đạt giải Công trình, giải pháp, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu toàn quốc 2020 do T.Ư Đoàn bình chọn và tặng bằng khen.

Anh Hồ Xuân Vinh được trao tặng Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng dành cho các nhà khoa học trẻ của T.Ư Đoàn

nvcc

Đặc biệt, năm 2020, đại dịch Covid -19 diễn ra, tác động xấu đến nhiều mặt của đời sống. Nhận thấy tình trạng khan hiếm máy thở và máy trợ thở xuất hiện tại Việt Nam, anh đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi các nguyên lý về máy trợ thở để tạo ra một phiên bản máy trợ thở mới nhỏ gọn, chi phí thấp, ai cũng có thể sử dụng được ở mọi lúc, mọi nơi.

Cũng trong năm 2020, khi làm việc trực tiếp với bà con bãi bồi sông Lam (Nghệ An), anh nhận thấy địa bàn có diện tích trồng chuối rất lớn, thân chuối chỉ có một phần nhỏ được bà con dùng làm thức ăn chăn nuôi, còn lại chủ yếu là đốn bỏ tại chỗ, gây ô nhiễm mỗi trường. Do đó, anh đã nghiên cứu, tìm tòi và phát triển các dây chuyền công nghệ chế biến sợi chuối.

Anh Hồ Xuân Vinh được trao tặng Giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ xuất sắc năm 2021

nvcc

“Dây chuyền có thể chẻ, tách sợi từ thân chuối, biến bẹ chuối thành một lượng sợi lớn làm nguyên liệu cho nhiều ngành ở Việt Nam như ngành sợi thời trang, bao bì, giấy. Ngoài ra, phần bã chuối tưởng sẽ bỏ đi được tôi nghiên cứu công nghệ ép tách bã khô và nước, sau đó nước sẽ được ủ lên men để thành nước dinh dưỡng giàu Kali là phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng, còn bã có thể làm các loại bát, dĩa, khay dùng 1 lần, hay ủ làm phân hữu cơ bón lại chính các vườn chuối”, anh Vinh chia sẻ.

Lấy sáng tạo làm sự nghiệp

Với nhiều đóng góp cho ngành môi trường, nhiều sáng kiến sáng tạo ứng phó biến đổi khí hậu, anh đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ KH-CN tặng kỷ niệm chương, Sở TN-MT tỉnh Nghệ An xét chọn là đại diện duy nhất của tỉnh nhà tham gia giải Môi trường Việt Nam năm 2021.

Năm 2021, anh được T.Ư Đoàn và Bộ KH-CN xét tặng danh hiệu Nhà khoa học trẻ đạt giải Quả cầu vàng 2021, là cá nhân duy nhất nhận giải trong lĩnh vực công nghệ môi trường vì đã có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, phát triển các công nghệ bảo vệ môi trường, có nhiều đóng góp cho lĩnh vực bảo vệ môi trường, sáng tạo ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam trong nhiều năm liên tục.

Trong sự nghiệp của mình, anh Vinh luôn tìm tòi nghiên cứu để đưa ra các sáng chế hữu ích phục vụ cộng đồng

nvcc

Chia sẻ về hành trình sáng chế của mình, anh Vinh cho biết: “Với tâm niệm góp sức cho quê hương, mà cách thiết thực nhất là phát triển kinh tế, tôi đã nỗ lực để duy trì và phát triển nhà máy cơ khí để tạo thêm công ăn việc làm, thêm máy móc thiết bị mới cho bà con. Phát triển kinh tế chính là con đường đi đúng đắn, đã góp sức cho sự phát triển chung của kinh tế - xã hội địa phương, làm giàu cho bản thân và xã hội”.

“Xuyên suốt quá trình phát triển sự nghiệp, tôi đều lấy sáng tạo khoa học kỹ thuật làm nền tảng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Từ các sáng chế, tôi đã giúp ích cho xã hội trong mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giúp nhiều thanh niên không còn cảnh ly hương làm ăn xa, có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”, anh Vinh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.