Hôm qua, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo ông Triệu đã từ chức tổng giám đốc (CEO) và nhận tội vi phạm luật chống rửa tiền của Mỹ. Đây là một phần của thỏa thuận dàn xếp theo sau cuộc điều tra do chính phủ Mỹ thực hiện những năm qua đối với sàn giao dịch tiền điện tử (còn thường được gọi là tiền ảo) lớn nhất thế giới.
"Gã khổng lồ" trong thế giới tiền ảo
Binance được ông Triệu thành lập ở Thượng Hải (Trung Quốc) trước khi chuyển trụ sở đến Tokyo (Nhật Bản) và kế đó là Malta. Trong khi công ty mẹ được đặt ở quần đảo Cayman (lãnh thổ hải ngoại của Anh), Binance cho biết không có trụ sở chính và từ chối tiết lộ nơi đặt sàn giao dịch chính là Binance.com.
Sàn giao dịch cung cấp các giao dịch giao ngay và phái sinh, cũng như chuỗi dịch vụ từ NFT (token không thể thay thế) đến các khoản vay và quản lý tiền điện tử. Theo thông tin từ Binance.com, sàn giao dịch có khoảng 120 triệu người sử dụng. Trong tháng 11, trên X (tên cũ Twitter), ông Triệu tiết lộ Binance có hơn 7.400 nhân viên trên toàn cầu.
Cho đến gần đây, Binance.com là sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới nếu xét theo khối lượng giao dịch. Trong năm ngoái, Binance cho hay mỗi ngày xử lý khoảng 65 tỉ USD giá trị giao dịch tiền điện tử. Số liệu của CryptoCompare ghi nhận sàn Binance thống trị thị trường giao dịch tiền ảo khi chiếm gần 60% thị phần trên toàn cầu. Đứng thứ hai là sàn giao dịch OKX (trụ sở Seychelles) với 5,44% và sàn Coinbase (Mỹ) xếp thứ ba với 5,37%, theo trang CoinDesk.
CEO Binance nhận tội liên quan rửa tiền, từ chức
Dù quy mô khổng lồ, tài chính của Binance lại không rõ ràng. Do là công ty tư nhân, Binance không tiết lộ những thông tin tài chính cơ bản như doanh thu, lợi nhuận và dự trữ tiền mặt. Công ty cũng không gọi vốn bên ngoài từ năm 2018, đồng nghĩa kể từ thời điểm đó Binance đã không chia sẻ thông tin tài chính với các nhà đầu tư bên ngoài.
Kết quả phân tích của Hãng tin Reuters dựa trên hồ sơ kinh doanh của Binance hồi năm ngoái cho thấy công chúng hầu như chẳng nắm nhiều thông tin về hoạt động của sàn giao dịch Binance.com, ngoại trừ những chi tiết do chính công ty này cung cấp.
Cú ngã ngựa và mức phạt lịch sử
Reuters năm ngoái đưa tin Binance đã bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra ít nhất từ năm 2018. Đến tháng 12.2020, các công tố viên liên bang yêu cầu công ty cung cấp hồ sơ ghi chép nội bộ về các nỗ lực thực hiện quy định chống rửa tiền trong các giao dịch trên sàn, cùng với các trao đổi có liên quan đến nhà sáng lập họ Triệu.
Đến tháng 3 năm nay, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) nộp đơn kiện dân sự đối với Binance với lý do không thực thi chương trình chống rửa tiền theo luật định, có nghĩa là không phát hiện và ngăn chặn hiệu quả các hoạt động cung cấp tài chính cho hoạt động khủng bố. Chẳng hạn, CFTC cho hay vào tháng 2.2019, phía lãnh đạo Binance đã nhận được thông tin về các giao dịch của lực lượng Hamas ở Trung Đông.
Đến ngày 21.11 (giờ Mỹ), tại tòa án liên bang ở TP.Seattle (bang Washington), ông Triệu thừa nhận đã không duy trì cơ chế chống rửa tiền hiệu quả. Bản thân nhà sáng lập phải nộp phạt tổng cộng 200 triệu USD và rời khỏi ghế CEO. Về phần mình, Binance nộp phạt 4,3 tỉ USD và phải trải qua 5 năm bị giám sát và thực thi đầy đủ các cam kết theo thỏa thuận với chính phủ Mỹ. Một trong những thỏa thuận là Binance phải rời khỏi thị trường Mỹ.
Tiền mã hóa đóng vai trò ra sao trong hỗ trợ tài chính cho Hamas?
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận xét Binance vì lợi nhuận đã nhắm mắt làm ngơ trước những giao dịch phi pháp, cho phép tiền đến tay các tổ chức khủng bố, tội phạm mạng và những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em. Số tiền phạt trong vụ Binance là mức cao nhất trong lịch sử Mỹ, đánh dấu sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới liên quan đến các biện pháp xử lý giao dịch tiền điện tử.
Mỹ điều tra nghi vấn Hamas tiếp cận tiền tài trợ qua Binance
Vào cuối tháng 10, các nghị sĩ Mỹ đã hối thúc Bộ Tư pháp nước này nhanh chóng công bố kết luận điều tra nghi ngờ Binance và công ty sở hữu tiền điện tử Tether có hành vi tiếp tay cho lực lượng Hamas tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính. Trước đó, tờ The Wall Street Journal đưa tin Hamas và Hezbollah đã tiếp nhận các nguồn tài trợ thông qua khối tài sản tiền kỹ thuật số kể từ tháng 8.2021. Và Binance cũng như Tether bị cáo buộc đã vi phạm quy định kiểm soát nguy cơ rửa tiền với việc bỏ qua khâu thẩm định nguồn tiền giao dịch. Lúc đó cả Binance lẫn Tether đều bác bỏ cáo buộc trên.
Bình luận (0)