Còn chưa đến 3 ngày
Trong động thái mới nhất, Tổng chưởng lý New York Letitia James đã khởi xướng các bước pháp lý để tịch thu tài sản từ ông Trump. Trong đó, nhóm của bà James đã báo hiệu chính quyền bang sẵn sàng tiếp quản sân golf và khu đất tư nhân Seven Springs của ông. Tờ New York Post ngày 22.3 đưa tin quá trình này diễn ra giữa lúc cựu tổng thống vẫn chưa có đủ 464 triệu USD (11.500 tỉ đồng) tiền bảo lãnh theo yêu cầu từ tòa án trong vụ kiện thổi phồng hồ sơ kinh doanh.
Phán quyết nói trên chính thức được đưa ra tại TP.New York hôm 6.3, nơi có nhiều tài sản của ông Trump, nổi bật là tòa Tháp Trump ở vị trí đắc địa. Bà James đã đặt ra hạn chót là ngày 25.3 để cựu tổng thống nộp đủ tiền bảo lãnh, theo Đài CNN. Điều này đồng nghĩa ông Trump có chưa đến 3 ngày để tìm sự hỗ trợ từ các công ty tài chính. Trước đó, nhóm pháp lý của ông cho biết họ vẫn chưa tìm được bên thích hợp sau khi đã tiếp cận hơn 30 công ty thông qua 4 nhà môi giới riêng biệt.
Ông Trump tuyên bố có ‘gần 500 triệu USD tiền mặt’
Các phán quyết chống lại ông Trump và khó khăn tài chính mà cựu tổng thống đang gặp phải đã làm ảnh hưởng uy tín của ông, giữa lúc ông cố gắng huy động thêm tiền mặt để thanh toán hóa đơn pháp lý và để tái tranh cử vào Nhà Trắng.
Ông Trump có thể làm gì?
Trên trang mạng xã hội Truth Social, ông Trump ngày 21.3 thừa nhận việc nộp tiền phạt có giá "rất đắt" và cho biết "các công ty tài chính không thể đáp ứng với số tiền cao như vậy", theo AFP. Các luật sư của ông một lần nữa bác bỏ một số đề xuất từ Văn phòng tổng chưởng lý New York về cách ông có thể trả tiền thế chân, bao gồm đề xuất rằng cựu tổng thống có thể nhờ một số bên bảo lãnh phát hành trái phiếu. Theo nhóm pháp lý, điều này vẫn sẽ buộc ông Trump gánh hơn 557 triệu USD tiền mặt hoặc cổ phiếu.
Các luật sư của ông Trump cũng cho rằng việc bị buộc phải bán tháo bất động sản sẽ gây ra "thương tích" không thể khắc phục được, vì dù sau này có thắng kiện thì họ cũng không thể lấy lại số tài sản này. Hơn nữa, ngay cả việc phá sản cũng không ngăn được chính quyền đòi tiền cựu tổng thống. Trước tình hình trên, ông Trump ngày 21.3 đã kêu gọi những người ủng hộ trung thành hỗ trợ tiền mặt để giúp ông đáp ứng các chi phí pháp lý ngày càng tăng và "bảo vệ tài sản khỏi tay Tổng chưởng lý New York", theo tờ The Guardian.
Sau thời hạn, nếu vẫn không đáp ứng được khoản tiền phạt, ông Trump còn cách yêu cầu tòa phúc thẩm cho phép ông nộp một số tiền nhỏ hơn hoặc trì hoãn khoản thanh toán cho đến sau khi kháng cáo. Tuy nhiên, kế hoạch này được đánh giá là không khả thi trong thời điểm này, khi ông phải đối mặt với 91 cáo buộc hình sự trong các vụ án khác.
Cựu tổng thống Trump sợ mắc bệnh Alzheimer
Trong diễn biến khác, Giáo sư Nikos Passas chuyên về tư pháp và hình sự tại Đại học Northeastern (Mỹ), nói rằng việc tịch thu tài sản của ông Trump không nhanh chóng và dễ dàng. Nguyên nhân vì cựu tổng thống đã tái cơ cấu hoạt động kinh doanh bằng cách thành lập các công ty trách nhiệm hữu hạn đối với hầu hết mọi tài sản, và trên giấy tờ ông không phải là chủ sở hữu.
Ông Biden gây quỹ tranh cử nhiều gấp đôi ông Trump
Theo hồ sơ gửi đến Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ mà Đài CBS thu được hôm 21.3, nhóm vận động tranh cử Tổng thống Mỹ Joe Biden đã huy động được 71 triệu USD tiền mặt trong 2 tháng đầu năm nay, gấp 2 lần con số 33,5 triệu USD của ông Trump. Trong đó, chỉ riêng tháng 2, tổng thống đương nhiệm thu được thêm 21,3 triệu USD, gần gấp đôi 10,9 triệu USD từ đối thủ.
Lợi thế tài chính của ông Biden có thể giúp làm dịu đi những lo lắng của đảng Dân chủ, giữa lúc vị tổng thống lớn tuổi nhất nước Mỹ đang nhận được tỷ lệ tán thành thấp kỷ lục khi chỉ còn chưa đầy 7 tháng nữa là đến cuộc bầu cử. Tuy nhiên, những số liệu này chỉ mang tính tham khảo và không thể hiện bức tranh toàn cảnh về một trong 2 ứng cử viên, vì đây chỉ mới là báo cáo riêng biệt từ các ban gây quỹ.
Bình luận (0)