Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 22.12 cho biết Mỹ có thể tái khẳng định quyền kiểm soát kênh đào Panama, đồng thời cáo buộc Panama tính phí quá cao cho việc sử dụng tuyến kênh đào này.
"Nếu các nguyên tắc cả về đạo đức và pháp lý của cử chỉ trao tặng cao cả này không được tuân thủ, thì chúng tôi sẽ yêu cầu trả lại kênh đào Panama cho Mỹ đầy đủ, nhanh chóng và không thắc mắc", ông Trump nói.
Ông Trump đưa ra bình luận này tại AmericaFest, một sự kiện thường niên được tổ chức bởi Turning Point, một nhóm liên minh bảo thủ. Trước đó vào tối 21.12, ông đã đưa ra lời cảnh báo tương tự trên mạng xã hội Truth Social.
Tổng thống Panama Jose Raul Mulino tái khẳng định chủ quyền của nước này đối với kênh đào trong một tuyên bố được ghi âm trên trên mạng xã hội X, và nhấn mạnh rằng chủ quyền và độc lập của Panama là không thể thương lượng.
Mỹ đóng vai trò chính trong việc xây dựng kênh đào và quản lý lãnh thổ xung quanh kênh trong nhiều thấp niên. Các hiệp định được ký kết vào năm 1977 mở đường cho việc chuyển lại quyền kiểm soát kênh đào cho Panama. Mỹ bàn giao quyền kiểm soát vào năm 1999.
Tuyến đường thủy này chiếm 2,5% thương mại đường biển toàn cầu và rất quan trọng đối với việc nhập khẩu ô tô và hàng hóa thương mại của Mỹ bằng tàu container từ châu Á, và đối với việc xuất khẩu hàng hóa của Mỹ, bao gồm cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng.
Ông Trump cũng cảnh báo rằng sẽ không để tuyến kênh này rơi vào "bàn tay không phù hợp".
"... Chỉ để Panama quản trị, và không để cho Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác quản trị", tổng thống đắc cử Mỹ nhấn mạnh.
Trung Quốc không kiểm soát hay quản lý kênh đào nhưng một công ty con của CK Hutchison Holdings có trụ sở tại Hồng Kông từ lâu đã quản lý hai cảng nằm trên các lối vào kênh đào Panama ở Caribe và Thái Bình Dương.
Không rõ Tổng thống đắc cử Trump sẽ tìm cách giành lại quyền kiểm soát kênh đào như thế nào.
Bình luận của ông nhấn mạnh sự thay đổi sẽ xảy ra trong chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời ông Trump, người trước đây không hề né tránh việc đe dọa các đồng minh và sử dụng giọng điệu hiếu chiến để đối phó với các đối tác.
Đây cũng là một trường hợp hiếm hoi có một nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng có thể buộc một quốc gia có chủ quyền phải bàn giao lãnh thổ.
Bình luận (0)