Một trong những điểm khác biệt căn bản giữa tình báo "Việt cộng" trong kháng chiến với tình báo của đối phương là làm tình báo cho "Việt cộng" không được lĩnh lương. Sự khác biệt này mang rất nhiều ý nghĩa. Đó cũng là một sức mạnh bí ẩn mà những kẻ đi xâm lược không bao giờ lường hết được.
Chúng tôi hỏi ông Ba Quốc: "Ông có được cách mạng trợ cấp chi phí gì không?". Trả lời: "Không có. Cách mạng không cấp cho tôi cái gì cả. Tôi chỉ có một niềm tin thôi". Đó là niềm tin vào cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, niềm tin vào cuộc chiến đấu cho chính nghĩa.
Nằm trong tổ chức của đối phương, ông đã chứng kiến rất nhiều chuyện khôi hài. Chuyện thứ nhất: Hồi còn làm ở Sở Nghiên cứu chính trị xã hội, một buổi tối ông đi kiểm tra, ông đến một cơ sở của cơ quan tại số 2 Nguyễn Hậu, tại đó có một phòng dành cho một nhóm công tác (bí số là B42). Đến đó ông vô tình bắt gặp đại úy Lưu Thành Hữu và Tôn Thất Tuế đang đổ một túi hột xoàn ra đếm, định chia nhau. Của quý đó họ bắt của một người buôn kim cương ở đường Hồng Thập Tự. Hai người này, tuy là người của Cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống, nhưng lại có một "thân phận" khá đặc biệt. Lưu Thành Hữu, người quản lý B42, là một sĩ quan chuyên hướng dẫn Ngô Đình Nhu đi săn. Ngô Đình Nhu rất mê người này, đơn giản là vì lần nào Hữu đưa ông Nhu đi săn, ông Nhu cũng bắn được thú rừng. Thực ra những thứ như hổ, nai, heo rừng... mà ông Nhu bắn được đều là những con vật của người dân tộc thiểu số bẫy được. Mỗi lần ông Nhu đi săn, Hữu phải tới trước địa điểm săn bắn vài ngày, để mua những con thú đó và khôn khéo bố trí để cho Ngô Đình Nhu bắn trúng. Còn Tôn Thất Tuệ là chuyên viên... đấm bóp cho ông Nhu. Suốt trong mấy chục năm sống trong lòng địch, ông luôn luôn "giữ thân", không những phải giữ cho mình trong trắng, không để cho ai khống chế, mà còn không để cho ai ganh ghét, nhất là không để cho những kẻ có chức có quyền và những người thân cận với kẻ đó biết là mình biết được những mặt trái xấu xa của họ. Vì nếu họ biết được mình biết được những "bí mật" đó thì mình sẽ khó tồn tại lâu dài. Đối với hai người này, tuy chức phận địa vị không hơn ông, nhưng lại là những kẻ hầu hạ Ngô Đình Nhu, nếu bị làm khó, chúng sẽ tìm cách trả thù ông, chúng thiếu gì cách. Theo chức năng, ông phải lập biên bản về vụ này để sáng hôm sau trình cho Trần Kim Tuyến. Nhưng ông không thể "gây thù chuốc oán" với những người này được. Song đã lỡ phát hiện rồi, ông không thể làm lơ. Ông bảo với Lưu Thành Hữu gọi điện cho Trần Kim Tuyến báo tin bắt được một vụ buôn lậu hột xoàn có ông chứng kiến. Hữu nghe lời ông, gọi điện cho bác sĩ Tuyến. Mặc dù đã xử lý một cách "tế nhị" như vậy, nhưng mấy bữa sau bác sĩ Tuyến gặp ông và bảo ông không nên đến B42 nữa. Ngạc nhiên về thái độ này, ông nói thật với Trần Kim Tuyến là ông đi kiểm tra bắt quả tang những người đó lấy kim cương chia nhau, vì giữ thể diện cho họ và vì bảo vệ uy tín cho bác sĩ Tuyến nên ông mới bảo họ gọi điện nói như vậy. Trần Kim Tuyến ngẫm nghĩ một lát rồi nói: "Tôi hiểu, nhưng cậu cũng không nên tới đó nữa".
Chuyện thứ hai: Thiếu tá Nguyễn Văn Giàu ở Phủ Đặc ủy trung ương tình báo là một tay "rất ác ôn". Giàu được cố vấn (phối trí viên) Mỹ Thomas Paul Carney dành cho nhiều biệt đãi khiến cho nhiều người ghen ghét. Có người phát giác Giàu sử dụng bằng cấp giả và định tố giác. Giàu rất lo lắng. Một hôm, Giàu đưa ông Ba Quốc đi uống cà phê để "thổ lộ tâm tình". Giàu có ý định mời một thầy phù thủy "triệu âm binh" lên bảo vệ cho mình. Ông Ba Quốc rất tán dương chuyện đó. Ông bịa ra một câu chuyện, rằng hồi trước ở miền Bắc có một người con gái đẹp bị vợ cả của một tri huyện âm mưu ám hại vì ghen tuông, cô ta mời một phù thủy triệu "một sư đoàn âm binh" lên bảo vệ người con gái, viên tri huyện đã cử một người thân cận đến để "giám hộ sư đoàn âm binh" đó, vì vậy mà cô gái được an toàn tuyệt đối. Ông hứa với thiếu tá Giàu, nếu nhờ phù thủy đến ông sẽ làm nhiệm vụ "giám hộ". Giàu rất phấn khích, cùng ông xuống đường Petrús Ký gặp một phù thủy, gọi là "ông cậu". Hai bên thỏa thuận ngày "lập đàn khao quân", người phù thủy hứa sẽ "triệu" cho Giàu... 3 sư đoàn. Ông triệt để khai thác tâm lý mê tín của người này nhằm thắt chặt quan hệ "hữu hảo", mục đích của ông là hướng tới... cái tủ sắt đựng những kế hoạch công tác tuyệt mật. Tuy kế hoạch "lập đàn gọi âm binh" chưa thực hiện vì sau đó Giàu thoát nạn nhờ được Lê Liêm bảo vệ, nhưng ông Ba Quốc không những được gần gũi hơn với Giàu mà còn được kiêm nhiệm thêm việc, làm trưởng một ban công tác...
Đó là hai trong nhiều câu chuyện khôi hài khiến cho ông Ba Quốc nhìn rõ hơn bản chất, trình độ của những người có chức có quyền trong hàng ngũ của đối phương và điều đó khiến cho ông càng tự tin hơn trong cuộc đấu trí vừa âm thầm dai dẳng vừa khốc liệt.
Nhưng niềm tin của ông được củng cố một cách chắc chắn hơn từ một hướng khác, thể hiện qua một câu chuyện hết sức giản dị. Đó là khi ông Ba Hội, người chỉ huy trực tiếp của ông bị bắt, một thời gian sau ông có xuống nhà một người bán giày ở đường Tản Đà. Người này là một người dân bình thường làm cơ sở cho cách mạng mà ông Ba Hội đã giới thiệu với ông. Ông đến đó để hỏi han tình hình. Anh bán giày cười nói với ông: "Anh đừng lo. Chú ấy gan lì tướng quân, mưu kế như Tào Tháo, chúng nó không làm gì được chú ấy đâu". Thuật lại chuyện này, ông nhớ lại: "Lúc nghe anh bán giày nói, tôi cảm thấy rất sượng sùng xấu hổ. Tôi biết anh bán giày nghĩ oan cho tôi. Thực ra tôi đến để nắm tin tức thôi chứ có phải đến vì động cơ sợ anh Ba Hội không giữ khí tiết mà khai ra tôi đâu... Anh Ba Hội và anh bán giày đã làm cho niềm tin trong tôi càng thêm mãnh liệt". (còn tiếp)
Bình luận (0)