Anh bảo: "Suốt hơn 20 năm lái xe cho chú Ba, chỉ duy nhất có một lần ông nổi nóng quát tôi. Đó là lần tôi đưa ông đi dự đám cưới một cán bộ trong đơn vị. Đám cưới đó ông làm chủ hôn. Lần đó tôi gặp một sự cố nên đến đón ông trễ giờ. Ông rất giận. May mà cô Xuân (vợ ông Ba Quốc - PV) nói giúp: Đám cưới bây giờ người ta tổ chức trễ lắm so với giờ mời, ông không lo. Lúc đó ông mới nguôi giận".
Ngồi với chúng tôi trong căn-tin bệnh viện, người tài xế của ông Ba Quốc nói tiếp: "Đối với anh em trong đơn vị, ông thân tình như một người cha, người chú thật sự. Cán bộ, nhân viên dưới quyền nếu có sai sót khuyết điểm gì thì ông rất nghiêm khắc, nhưng ôn tồn chỉ bảo từng li từng tí một. Một lần đưa chú Ba ra Hà Nội công tác, bà Thanh (vợ ông Ba Quốc ngoài Bắc - PV) hỏi: Cháu đi với ông, cháu có biết tính ông không ? Bà hỏi và trả lời luôn: Ông này đơn giản lắm. Rất ngang đối với cấp trên nhưng lại rất thương cấp dưới. Ông còn dạy tôi cách lái xe nữa. Ông khuyên tôi một câu mà tôi nhớ mãi: Cậu muốn lái xe cho an toàn thì cậu phải coi những người lái xe khác đang chạy đều là người say hết, chỉ mình cậu tỉnh thôi, như vậy cậu sẽ cẩn thận không để xảy ra tai nạn. Chú Ba làm việc giờ giấc cực kỳ chính xác và rất thận trọng trong mọi chuyện. Trong người ông có hai vật bất ly thân. Đó là khẩu súng và cái hộp quẹt. Ông chỉ rời hai thứ đó khi ông vào phòng tắm. Súng thì ông để tự vệ, còn hộp quẹt thì có lẽ do thói quen từ trước, ông dùng để đốt tài liệu nếu gặp bất trắc. Khẩu súng ông mới trả lại cho cơ quan được một năm nay thôi…".
Người tài xế của ông Ba Quốc còn kể rằng hồi mới giải phóng, khi ông làm nhiệm vụ tiếp quản Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo, nhiều người trong gia đình các tướng tá, sĩ quan và nhân viên cũ của phủ này đã mang quà cáp rất đắt tiền đến nhà đưa cho bà Xuân, nhờ bà Xuân nói với ông cho họ được nhẹ tội. Ông dặn bà Xuân dứt khoát không được nhận bất cứ một thứ gì, cái gì họ để lại thì phải mang đi trả cho bằng được.
Như chúng tôi đã từng đề cập trong thiên ký sự viết về tướng tình báo Phạm Xuân Ấn, những người cách mạng chân chính không có kẻ thù riêng. Làm tình báo càng phải như vậy. Cũng như ông Ẩn, ông Ba Quốc có những bạn bè ở bên kia chiến tuyến. Ông phải thắng họ, nhưng ông vẫn trân trọng tình người. Ngay cả những người đã làm hại gia đình ông, ông cũng không định kiến. Cũng theo người lái xe của ông kể lại, khi người sĩ quan đã từng đánh đập con ông khi vợ con ông bị bắt hồi đó đến trình diện ông, người này rất sợ ông trả thù. Nhưng ông Ba Quốc đã nói với người này rằng: "Anh có tội với nhân dân, chứ không có tội gì với gia đình tôi, với con tôi cả. Bây giờ kết thúc chiến tranh rồi, anh cứ đến trình diện đi học tập theo chính sách chung để sau này về làm ăn bình thường như những người dân khác". Nghe ông nói vậy, người này rất cảm động. Anh ta đã cởi chiếc đồng hồ đang đeo tay nhờ ông Ba Quốc mang về trả lại cho con trai ông. Chiếc đồng hồ đó anh ta đã lấy của con trai ông khi vợ con ông bị bắt.
Khi thiên ký sự này được đưa lên Thanhnien online, rất nhiều bạn đọc ở nước ngoài, trong đó có những bạn đọc ở Mỹ, Canada, Australia... gửi thư về tòa soạn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Ba Quốc. Ông Hoàng Văn Giàu, người mà chúng tôi có nhắc đến trong ký sự này, hiện cư trú tại Australia, có gửi thư cho chúng tôi. Trước đó, người thân của ông Giàu đã gửi thư nói với chúng tôi rằng: "Anh Giàu bảo dù hai người ở hai chiến tuyến, nhưng giữa anh Giàu và anh Tá (tên ông Ba Quốc hồi ở Sài Gòn trước giải phóng - PV) có mối quan hệ bạn bè tốt và chung một chí hướng là đất nước phải thống nhất và chấm dứt chiến tranh. Được tin anh Tá bị bệnh nặng, anh Giàu và chúng tôi rất buồn, cầu mong cho mọi chuyện êm ái đến với anh ấy". Còn ông Hoàng Văn Giàu thì sau đó viết trong thư gửi chúng tôi: "Tôi thành tâm cầu nguyện cho sức khỏe anh Tá được cải thiện. Xin gia đình cho biết tôi có thể làm được gì để giúp anh Tá không ?". Chúng tôi đã chuyển lời ông Giàu đến gia đình ông Ba Quốc. Gia đình ông gửi lời cảm ơn ông Giàu và thông báo rằng ông Ba Quốc được Nhà nước và quân đội chăm sóc tận tình và chu đáo với những điều kiện tốt nhất.
Mặc dù ông Ba Quốc đang được Đảng, Nhà nước, các bác sĩ, nhân viên y tế và gia đình tận tình chăm sóc sức khỏe, nhưng đến thời điểm này sức khỏe của ông đang được tính từng giờ... (còn tiếp)
Bình luận (0)