Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 8: Một 'sứ mạng' nguy hiểm

28/02/2004 09:27 GMT+7

Lúc mới lên nắm quyền, anh em Ngô Đình Diệm đã bị các giáo phái võ trang Cao Đài, Hòa Hảo và quân Bình Xuyên gây rất nhiều khó khăn.

Các nhóm võ trang này trước đây được người Pháp hậu thuẫn, khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, họ muốn lập các "lãnh địa", không phục tùng chính quyền Ngô Đình Diệm. Dẹp cho được lực lượng võ trang của các giáo phái là một trong những mục tiêu trước mắt của họ Ngô.

Phật giáo Hòa Hảo là một giáo phái có lực lượng vũ trang hùng hậu ở miền Tây Nam Bộ lúc đó. Liên tục trong những năm 1955-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đã phải mở nhiều chiến dịch truy quét, đồng thời dùng các thủ đoạn để vô hiệu hóa những người cầm đầu, nhằm dẹp cho được lực lượng này.

Trở lại công việc của ông Ba Quốc. Ông được bác sĩ Trần Kim Tuyến giao đi bắt cho bằng được Trịnh Quốc Khánh, một trong các lãnh tụ "Hòa Hảo dân xã" (cùng 2 người nữa là Sỹ Thanh và Văn Phúc). Trần Kim Tuyến nói rằng, nhân vụ lụt ở miền Tây năm 1956, Mỹ có ý định đưa thủy quân lục chiến xuống, danh nghĩa là cứu lụt, để "nắm" quân đội Hòa Hảo. Lại có tin Mỹ sắp đưa Huỳnh Văn Nhứt, em của Huỳnh Phú Sổ (lãnh tụ Hòa Hảo, đã chết) về thay vị trí của Huỳnh Phú Sổ. Như đã nói, anh em Ngô Đình Diệm được người Mỹ "dựng" lên, nhưng lại không muốn người Mỹ "xía" sâu vào nội bộ chính quyền. Biết tin đó Ngô Đình Nhu rất sốt ruột, giục Trần Kim Tuyến sớm "ra tay". Ngô Đình Nhu đã trực tiếp viết thư cho Trịnh Quốc Khánh, mời Khánh về Sài Gòn "để dàn xếp thống nhất lực lượng Hòa Hảo với quân đội quốc gia". Thực chất là lừa để bắt Khánh. Nhưng Khánh vẫn nhận lời.

GỬI ANH GIAO Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Kỳ 8: Một 'sứ mạng' nguy hiểm - Ảnh 1.

Ảnh chụp bài báo đăng trên Thanh Niên ngày 28.2.2004

"Sứ mạng" của ông là xuống "mời" Khánh về. Nhưng đây là một "sứ mạng" cực kỳ nguy hiểm. Ông nhớ lại trước đây Nguyễn Ngọc Thơ, tỉnh trưởng Cần Thơ, cũng mời Ba Cụt (Lê Quang Vinh, một trong những người chỉ huy quân sự Hòa Hảo) về tỉnh, với danh nghĩa là mời ra thương thuyết, nhưng rồi bắt Ba Cụt và giết đi. Lần này làm sao mà Trịnh Quốc Khánh có thể tin Ngô Đình Nhu được? Mà Khánh đã không tin Ngô Đình Nhu thì lấy gì đảm bảo rằng Khánh không giết ông? Bởi vậy chuyến đi lần này chết nhiều hơn sống.

Ông kể: "Tôi đi mang theo 3 người, dùng 2 chiếc traction. Đến An Giang, chúng tôi tới Tổ đình nghỉ ngơi, rồi gặp Trịnh Quốc Khánh. Tôi nói lại với Khánh bức thư của Ngô Đình Nhu và bảo rằng tôi được Nhu cử đến mời Khánh về Sài Gòn. Khánh bảo ông ta sẽ đi với tôi về Sài Gòn.

Sau đó tôi được Khánh cùng các bô lão Hòa Hảo khoản đãi rất trịnh trọng ngay trong Tổ đình. Tôi tranh thủ gặp riêng Khánh và nói thẳng: Một bên thì rắp tâm muốn bắt, một bên thì nằm im chờ thời cơ. Tôi đến đây là theo lệnh của ông Nhu, nhưng về phía cá nhân thì tôi rất có cảm tình với các ông. Ông hãy nhớ rằng không bao giờ có sự phối hợp giữa quân đội của các ông với quân đội của chính phủ cả. Vì vậy tôi khuyên ông không nên về... Khánh không nghe tôi, ông ta nói: Thôi được rồi, không sao đâu, ông yên tâm đi..."

"Khuyên như vậy ông không sợ à? Biết đâu Khánh sẽ báo lại với Ngô Đình Nhu chuyện đó...", chúng tôi hỏi. "Tất nhiên là tôi sợ chứ. Nhưng trong tình thế đó mình phải phá chúng nó. Mà phá chúng nó thì phải chấp nhận nguy hiểm thôi. Tôi vào trong lòng địch, tôi phải thực hiện mấy nguyên tắc...". Ông nói lại các "chức năng" của người làm tình báo mà ông được giao khi mới nhận nhiệm vụ, trong đó có việc "kích động và khai thác mâu thuẫn nội bộ địch".

Ông kể tiếp: "Sáng hôm sau tôi đưa Khánh về Sài Gòn. Tôi đi một xe, Khánh đi một xe, xe của Khánh đi trước, xe của tôi đi sau. Khánh yêu cầu xe ông ta đi để tài xế của ông ta lái, tôi đồng ý. Tôi đã đề phòng trước nên bảo tài xế chạy tốc độ tối đa 70 km/giờ. Nhưng không ngờ lúc vừa ra khỏi thị xã thì đột nhiên xe của Khánh tăng tốc độ, nó chạy vùn vụt tới hơn 100 km/giờ, xe tôi không đuổi kịp. Tôi thầm nghĩ: Chắc cha này mưu đồ trốn đây. Xe của tôi rượt theo, mấy lần suýt lộn nhào mỗi lần qua cầu. Đến bắc Mỹ Thuận thì đuổi kịp, tôi lệnh cho người của tôi còng tay Khánh, đưa về Sài Gòn, đem giam ở trại giam Gia Định".

"Ông khuyên Khánh đừng về, tại sao ông lại bắt Khánh?". Ông bảo khi Khánh ở trong "căn cứ" của mình mà không đi thì ông không sao, nhưng đã dẫn đi trên đường mà chạy trốn thì ông sẽ "lãnh đủ".

"Sự việc sau đó diễn biến như thế nào?". "Ngô Đình Nhu rất hài lòng về việc này. Còn Trịnh Quốc Khánh thì rất biết ơn tôi, vì tôi có thiện chí. Tôi bảo với ông ta rằng tôi rất tiếc khi phải hành động như vậy với ông ta, vì tôi không còn cách nào khác. Khánh nói thật là ông ta nhận lời về Sài Gòn là chỉ mượn đường chạy thôi, ông ta biết rõ Ngô Đình Nhu không chỉ muốn bắt ông ta mà còn muốn bắt cả ông Văn Phúc và những lãnh tụ Hòa Hảo khác nữa". "Sau đó Trịnh Quốc Khánh bị xử lý như thế nào?". "Bị giam một thời gian". "Vì sao Ngô Đình Nhu không giết Khánh?". "Giết thế nào được. Giết thì sẽ sinh to chuyện. Hòa Hảo lúc đó là cả một hệ thống, có giáo dân, có quân đội. Giết Khánh, họ nổi loạn lên thì Ngô Đình Nhu lãnh đủ". Đối với lực lượng của Hòa Hảo, cuối cùng Ngô Đình Nhu cũng dẹp được, rồi sáp nhập lực lượng võ trang của giáo phái này vào "quân đội quốc gia".

Sau vụ đó, bác sĩ Trần Kim Tuyến giao cho ông sang Biệt khu thủ đô để "xem bọn tình báo Anh đang làm gì". Ông đi điều tra và báo cho bác sĩ Tuyến rằng họ đang triển khai một kế hoạch, gọi là "chiến dịch thằn lằn" (operation Zecko), phái lực lượng biệt kích ra miền Bắc qua đường Tây Nguyên nhằm "lật đổ chế độ miền Bắc". Ông đề nghị với Trần Kim Tuyến: "Âm mưu của tình báo Anh là gây căng thẳng giữa hai miền. Trong tình hình này, việc gây căng thẳng là không cần thiết và rất nguy hiểm". Trần Kim Tuyến tán thành ý kiến của ông, báo với Ngô Đình Nhu lệnh cho Tổng trưởng sắc tộc Ibrahim dùng thủ đoạn triệt phá kế hoạch đó. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.