Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng: Vĩnh biệt ông Ba Quốc

27/03/2004 11:18 GMT+7

Sáng sớm hôm qua, tướng Phạm Xuân Ẩn gọi điện cho chúng tôi báo tin: "Ông Ba Quốc đã mất rồi. Tội nghiệp ổng quá".

Sau đó, chúng tôi nhận được tin buồn từ Bộ Quốc phòng và cơ quan tình báo quân đội thông báo chính thức: Thiếu tướng Anh hùng lực lượng vũ trang Đặng Trần Đức (tức Ba Quốc), nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Cục trưởng Cục 12, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, Huân chương Độc lập hạng ba; Huân chương Quân công hạng hai; Huân chương Chiến thắng hạng hai; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, ba; Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng đã từ trần hồi 5 giờ 30 phút ngày 26.3.2004 tại Quân y viện 175. Lễ viếng bắt đầu lúc 9 giờ 30 ngày 29.3.2004 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phía nam, số 5 đường Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM. Lễ truy điệu lúc 8 giờ ngày 30.3.2004. An táng tại nghĩa trang TP Hồ Chí Minh.

GỬI ANH GIAO Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng: Vĩnh biệt ông Ba Quốc - Ảnh 1.

Ảnh chụp bài báo đăng trên Thanh Niên ngày 27.3.2004

Khi viết những dòng vĩnh biệt này, chúng tôi lại nhận được rất nhiều thư của bạn đọc. Bạn Trần Minh Trung, thay mặt các nghiên cứu sinh Việt Nam ở Hàn Quốc viết: "Đọc thiên ký sự về tướng tình báo ông Ba Quốc, tôi rất bất ngờ, cảm phục và xúc động. Hôm nay khi đọc đến đoạn "... đến thời điểm này sức khỏe của ông đang được tính từng giờ...", tôi đã rơi lệ. Dân tộc ta lại sắp mất đi một người anh hùng. Thực sự tôi không thể hình dung nổi sự hy sinh chịu đựng quá lớn lao mà ông và gia đình đã dành cho sự nghiệp chung của dân tộc. Tôi cầu nguyện ông được khỏe mạnh trở lại để được tiếp tục chứng kiến những thay đổi lớn lao của đất nước. Thế hệ trẻ chúng tôi nguyện sẽ ngày đêm học hỏi để không phụ lòng sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh như tướng Ba Quốc. Xin chân thành cảm ơn Báo Thanh Niên đã mang đến cho chúng tôi những trang ký sự đầy ý nghĩa này".

Bạn Nguyễn Trọng Việt (ntviet@yahoo.com) viết: "Chuyện về ông Ba Quốc quá hay, đầy kịch tính, tôi say mê đón đọc mỗi ngày. Hy vọng báo sẽ gom lại và xuất bản thành sách".

Ông Đào Phúc, 58/647 Nguyễn Oanh, Gò Vấp, TP.HCM viết trong một bức thư rất dài: "Xin được gửi đến Báo Thanh Niên và các tác giả lời cảm ơn vì đã đem đến cho độc giả một thiên ký sự thật hay, thật chân thực về một con người vĩ đại - cho tôi được dùng từ vĩ đại với đúng nghĩa đen của từ này để nói về ông Ba Quốc. Ông là người rất khiêm tốn, giản dị, không thích nói về mình nên tôi biết các tác giả đã phải rất kỳ công và đầy trách nhiệm mới có thể cho ra đời một thiên phóng sự đầy đủ đến như vậy. Tôi cảm ơn quý vị vì: Đức tính khiêm tốn của ông nếu không được những người có trách nhiệm như hai tác giả quyết tâm tìm hiểu để viết thì rất có thể một tấm gương sáng ngời như cuộc đời ông sẽ rất ít người biết đến và đó sẽ là sự thiệt thòi không nhỏ cho nhiều thế hệ... Địa vị xã hội không phải bao giờ cũng là sự đánh giá hoàn toàn đúng về đức độ và tài năng của một con người. Ông Ba Quốc là người có địa vị không thật cao nhưng ngành tình báo quân đội và quân đội ta có quyền tự hào về ông. Đức độ, tài năng và những chiến công mà ông giành được thật sự xứng đáng được đánh giá cao ở tầm mức quốc tế trong lĩnh vực tình báo... Tôi thiết tha mong Báo Thanh Niên cho xuất bản cuốn sách viết về ông để lại cho hôm nay và cho hậu thế...".

Bạn Mạnh Hiệp (Bruxelles, Bỉ) xúc động: "Tôi đọc và theo dõi thường kỳ về chuyện ông tướng tình báo, tôi vô cùng cảm phục và biết ơn sâu sắc những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh cuộc đời mình cho dân tộc và cách mạng Việt Nam. Đọc đến hoàn cảnh éo le của gia đình ông mà tôi không cầm được nước mắt, nếu không có những người con thân yêu của Tổ quốc như vậy, những bậc cha chú như vậy, những gia đình như thế, xã hội chúng ta làm sao có được như ngày hôm nay".

Còn rất nhiều thư, nhiều cuộc điện thoại gửi đến, gọi đến tòa soạn bày tỏ lòng thán phục, nhiều người hỏi chúng tôi bệnh viện nơi ông Ba Quốc nằm để đến thăm, nhưng chúng tôi không thể cho biết được vì mấy hôm vừa rồi ông đã bất tỉnh. Một số nghệ sĩ còn tỏ ý muốn góp tiền giúp đỡ ông Ba Quốc, chúng tôi giải thích rằng ông Ba Quốc được quân đội chăm lo chu đáo, ông không gặp khó khăn gì. Ngay cả những người "có chuyện này chuyện kia" đối với cách mạng vẫn gửi thư bày tỏ sự khâm phục đối với một con người dành cả cuộc đời toàn tâm toàn ý phụng sự đất nước như ông Ba Quốc.

Sau khi nhận được tin ông mất, chúng tôi đã đến thăm gia đình ông. Bà Ngô Thị Xuân nói trong nước mắt: "Tôi không tin nhà tôi lại đi nhanh như vậy. Tháng 11 năm ngoái ông còn định đi Hà Nội họp, nhưng nghe Hà Nội lúc đó lạnh quá, nhà tôi lại bị đau khớp nên bác sĩ khuyên không nên đi, chứ ông ấy đã chuẩn bị áo quần, đồ đạc chuẩn bị đi rồi. Mà cuối năm ông còn vào cơ quan ăn tất niên vui vẻ lắm. Hôm tết ông bảo cái bụng hơi đau, mấy ngày sau khi ăn cơm tay ông cầm đũa hơi run. Mồng 6 tết ông vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Đầu tiên thì không thấy dấu hiệu gì, rồi siêu âm, rồi cắt lớp... mới phát hiện ông bị ung thư gan. Bác sĩ bảo bệnh mới phát cách đó vài tháng. Nhưng nằm trong bệnh viện, mặc dù các bác sĩ rất tận tình nhưng mỗi ngày ông yếu dần, bệnh ông nhanh chóng rơi vào giai đoạn cuối, không thể cứu chữa được. Từ khi ông vào bệnh viện cho đến lúc mất là tròn 2 tháng...".

Giờ đây ông Ba Quốc không còn nữa. Những gì có thể viết được về ông, chúng tôi đã viết trong thiên ký sự dài 36 kỳ báo. Nhưng con người này vẫn còn rất nhiều bí ẩn, đặc biệt là những bí ẩn trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Một phần những bí ẩn đó ông đã mang theo, nó mãi mãi là những bí ẩn. Một phần khác đến một lúc nào đó sẽ được "giải mã" và chúng ta sẽ biết. Tối hôm qua, chúng tôi ngồi với 3 sĩ quan cao cấp từng là những người cộng sự của ông Ba Quốc. Tưởng nhớ đến ông, cả ba người đều bảo: "Chúng tôi còn có những thú vui, thỉnh thoảng còn đi nhậu với bạn bè, nhưng chú Ba thì không. Cả đời ông chỉ làm việc cho quân đội". Viết ra những dòng này, chúng tôi không có ý muốn khuyên các bạn trẻ học tất cả những gì mà ông Ba Quốc làm. Mỗi thế hệ có những nhiệm vụ của mình, mỗi con người đều phải làm việc đều phải phụng sự cho xã hội và đều được hưởng những thú vui. Ông Ba Quốc vừa là điển hình, vừa là cá biệt. Ông Ba Quốc tận trung với nước một đời không hối tiếc. Ông là con người "nếu có đi trở lại, tôi sẽ đi đường này", như một câu thơ ai đó đã viết. Học ông Ba Quốc, chính là phải học điều quan trọng đó.

Nhiều bạn đọc vừa ngưỡng mộ vừa bức xúc về sự thiệt thòi của gia đình ông Ba Quốc ở cả ngoài Bắc lẫn trong Nam. Chúng tôi gửi những ý kiến đó lên cơ quan có trách nhiệm. Được trả lời như sau: "Những chiến công, thành tích đạt được của ông Ba Quốc trước hết là có sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, của Quân ủy Trung ương và cơ quan tình báo quốc phòng, được nhân dân nuôi dưỡng đùm bọc, là của tập thể anh hùng... Suốt trong thời gian hoạt động tình báo trong hàng ngũ của địch, ông Ba Quốc đã tỏ rõ khí tiết, bản lĩnh kiên cường, tinh thần chủ động tiến công địch ở mọi tình huống, mưu lược, sáng tạo, một cuộc đấu trí tuyệt vời của người chiến sĩ tình báo làm nên những điệp vụ phi thường. Chiến công của ông Ba Quốc còn có sự đóng góp rất quan trọng của gia đình. Gia đình ông đã chịu đựng, khắc phục khó khăn, chia sẻ động viên để ông yên tâm hoạt động. Đảng và Nhà nước rất quan tâm thực hiện chính sách hậu phương cho cán bộ, chiến sĩ đi B (vào miền Nam chiến đấu), đặc biệt là cán bộ tình báo chiến đấu trong lòng địch, trong đó có ông Ba Quốc. Khi ấy các đồng chí lãnh đạo ngành tình báo quốc phòng cũng đã thường xuyên bí mật cử cán bộ đến chăm lo chính sách cho gia đình rất chu đáo. Song, vì để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ông Ba Quốc làm nhiệm vụ nên chỉ có vợ ông biết, các con đều không được biết. Và không thể biểu lộ bên ngoài khác đi với những gia đình khác có người làm tay sai cho giặc. Do đó mà vợ và các con ông phải nhẫn nhục chịu đựng mọi gian nan cực khổ và trước sự thờ ơ, lạnh nhạt của mọi người. Đó là một trong những yếu tố làm cho mạng lưới an ninh tình báo của địch với những phương tiện tối tân hiện đại cũng không thể nào phát hiện ông là cộng sản. Sau ngày miền Nam được giải phóng, gia đình ông Ba Quốc được sum họp. Ngoài các danh hiệu ghi nhận công lao, ông Ba Quốc được cấp nhà đất để ở, được tạo mọi điều kiện để con cái học hành và thành đạt, có vị trí trong xã hội, có cuộc sống ngày càng ổn định. Mọi người đều tôn kính, ngưỡng mộ, cảm phục trước sự hy sinh của ông Ba Quốc và gia đình".
Chia buồn

Được tin thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức Ba Quốc) tử trần, Ban Biên tập và cán bộ, phóng viên Báo Thanh Niên xin gửi đến Bộ Quốc phòng, Tổng cục II và gia đình thiếu tướng Đặng Trần Đức lòng tiếc thương và lời chia buồn sâu sắc.
Ban Biên tập Báo Thanh Niên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.