Ông Võ Văn Thưởng: Không đưa cán bộ bị kỷ luật về làm mặt trận, dân vận

20/02/2023 15:37 GMT+7

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, phải chọn những người có uy tín, có năng lực đoàn kết tập hợp để làm công tác mặt trận, dân vận chứ không đưa cán bộ vi phạm, bị kỷ luật về.

Sáng 20.2, tại TP.HCM, Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức hội thảo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (gọi tắt là Nghị quyết 23).

Tham dự và chủ trì hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài cùng lãnh đạo nhiều địa phương khu vực phía Nam.

Ông Võ Văn Thưởng: Không đưa cán bộ bị kỷ luật về làm mặt trận, dân vận   - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Trung ương Đảng khóa IX

NGUYÊN VŨ

Phát biểu tại hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng và quyết định sự thành bại của cách mạng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam.

Ông dẫn chứng, nhờ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mà nước ta làm Cách mạng Tháng 8 thành công, tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ, đánh đuổi 2 đế quốc hùng mạnh, thống nhất đất nước, và gần đây nhất là phòng chống dịch bệnh. "Trong những thời điểm khó khăn nhất thì tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc lại được khơi dậy, phát huy và có những đóng góp rất to lớn", Thường trực Ban Bí thư đúc kết.

Đánh giá sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, ông Võ Văn Thưởng nhận định, có nhiều kết quả rất quan trọng, chuyển biến rõ nét trên nhiều lĩnh vực, góp phần đưa cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng nâng cao. Các ý kiến nêu tại hội thảo cũng đưa ra những kinh nghiệm quý, mặt còn hạn chế, những nội dung chưa thực hiện được và cần nỗ lực nhiều hơn. Một số ý kiến đặt ra yêu cầu mới, nội dung mới và đề xuất giải pháp mới để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Lấy lợi ích của người dân làm xuất phát điểm

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhìn nhận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, có ý nghĩa chiến lược, nhưng trong từng thời kỳ cần tập trung, đề cao vấn đề cụ thể để lấy đó làm trung tâm đoàn kết, để toàn dân cùng hướng vào. Ông Võ Văn Thưởng khẳng định, một số yêu cầu mang tính xuyên suốt là độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo lợi ích cao nhất của quốc gia dân tộc và lấy lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân phải là điểm xuất phát quan trọng của mọi đường lối, chủ trương, chính sách.

"Dân là gốc, là trọng tâm, là trung tâm mọi quyết sách, lấy sự hài lòng của dân là thước đo quan trọng nhất đo chất lượng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước", ông Võ Văn Thưởng nói thêm.

Ông Võ Văn Thưởng: Không đưa cán bộ bị kỷ luật về làm mặt trận, dân vận   - Ảnh 2.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng lưu ý không đưa cán bộ bị vi phạm, kỷ luật về làm công tác mặt trận, dân vận

X.K.

Thường trực Ban Bí thư dẫn chứng chính sách pháp luật về đất đai tác động đến đời sống người dân. Thời gian qua, bên cạnh đạt nhiều kết quả nhưng cũng phát sinh nhiều bất cập khiến tình hình khiếu nại, khiếu kiện phức tạp, nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu việc sửa đổi chính sách pháp luật về đất đai lần này phải giảm được những yếu tố trên.

Một vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm góp ý tại hội thảo chính là đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thường trực Ban Bí thư đánh giá việc bố trí cán bộ làm công tác mặt trận, công tác dân vận, đoàn thể là trong thời gian qua có nhiều tiến bộ. Cụ thể, không đưa cán bộ vi phạm, bị kỷ luật về làm công tác mặt trận, dân vận nữa mà lựa chọn cán bộ có uy tín, thật sự có khả năng vận động, tập hợp, trở thành trung tâm đoàn kết cho tổ chức.

Bên cạnh đó, một số cơ chế được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, như thí điểm cơ chế kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ với Trưởng ban Dân vận cấp ủy.

Thường trực Ban Bí thư cũng đồng tình với các ý kiến cho rằng để phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì phải đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đồng thời, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tránh thói hư tật xấu trong Đảng cũng như trong xã hội.

"Thời gian qua, khi đầu tư cho công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, chúng ta đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng", ông Võ Văn Thưởng nhận định và nhấn mạnh việc này cần tiếp tục làm mạnh mẽ hơn thời gian tới.

Chống tiêu cực trong Đảng để xây dựng niềm tin nhân dân

Trao đổi tại hội thảo, ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, để phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì Đảng phải mạnh, trong sạch vững mạnh, đảng viên nêu gương. Trong đó, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng cũng là một nội dung xây dựng niềm tin.

Ông Đảm nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng nhà nước vững mạnh, thực sự của dân, do dân, vì dân; thể chế hóa các nghị quyết để hợp ý Đảng, lòng dân, sát thực tiễn, tránh tình trạng nhiều quy định ban hành nhưng thi hành không được. Ông cũng cho rằng, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực sự vì dân, như vậy mới xây dựng khối đại đoàn kết. Ngoài ra, cần làm rõ nội hàm hệ thống chính trị gồm những ai và xây dựng như thế nào, đồng thời nhận thức sâu sắc, đúng đắn về vai trò, nhiệm vụ, chức năng của mặt trận tổ quốc.

Ông Võ Văn Thưởng: Không đưa cán bộ bị kỷ luật về làm mặt trận, dân vận   - Ảnh 3.

Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trao đổi tại hội thảo

NGUYÊN VŨ

PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận, nhiều nội dung trong Nghị quyết 23 vẫn nguyên giá trị bởi vì đại đoàn kết không chỉ ở Việt Nam mà còn là vấn đề chung của các quốc gia trên thế giới.

Dù vậy, trong tình hình mới, vấn đề đại đoàn kết đối diện với nhiều thách thức. Do sự thay đổi của công nghệ thông tin dẫn đến nhận thức thay đổi, văn hóa thay đổi theo và tác động đến đời sống sinh hoạt hằng ngày.

PGS.TS Phan Thanh Bình đề nghị cần khẳng định lại nhận thức về đại đoàn kết trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, song hành với xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước, đồng thời phải có các đề án cụ thể để triển khai, chú trọng công tác cán bộ, sử dụng nhân lực địa bàn. "Với sự thay đổi của công nghệ thông tin, trình độ của người dân ngày càng cao thì suy nghĩ của chúng ta phải cần sâu hơn, chất lượng hơn", ông Bình nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.