Chiều 26.4, sau khi tranh tụng, ông Vũ Huy Hoàng và 9 bị cáo khác liên quan trong vụ chuyển nhượng khu "đất vàng" 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) đã nói lời sau cùng, trước khi Hội đồng xét xử nghỉ nghị án và tuyên án vào 14 giờ 30 ngày 29.4 tới.
Do sức khỏe yếu, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đổ nghiêng người khi đang ngồi trên ghế băng dành cho bị cáo, phải nhờ sự hỗ trợ của nhân viên y tế và cảnh sát tư pháp mới lên được bục khai báo ngồi nói lời sau cùng.
Cũng như khi tự bào chữa, trong hơn 15 phút trình bày, bị cáo Hoàng cho rằng, nhiều phân tích, kết luận của Viện kiểm sát không phù hợp với hoàn cảnh khách quan. Ông Hoàng 3 lần nhắc lại mình không phải chủ mưu, không chỉ đạo xuyên suốt việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Sabeco Pearl, gây thiệt hại cho nhà nước.
Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, những việc bản thân làm trong vụ án này là thực hiện nhiệm vụ theo quy chế làm việc và chỉ phụ trách chung các công việc ở bộ. Khi các thứ trưởng quản lý lĩnh vực yêu cầu, mới giúp xử lý một số việc cụ thể, trong đó có việc cho ý kiến về vấn đề lựa chọn nhà đầu tư để liên doanh của Sabeco.
"Tôi khẳng định chỉ yêu cầu Sabeco khi lựa chọn nhà đầu tư thứ hai phải báo cáo lãnh đạo Bộ để chọn được đơn vị đủ năng lực, chứ không tham gia, lấn sâu vào các công việc khác", bị cáo Hoàng giải thích.
Trước đó, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương bị Viện kiểm sát cáo buộc là có vai trò chính, chỉ đạo xuyên suốt từ khi Sabeco lựa chọn nhà đầu tư cho đến khi thoái vốn khỏi Sabeco Pearl ngay sau khi chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 6000 m2 "đất vàng" cho pháp nhân này, "ép buộc cấp dưới phải thực hiện ý chí của mình".
Viện kiểm sát cũng nêu ra việc chỉ 10 ngày trước khi nghỉ hưu, ông Hoàng còn chủ trì một cuộc họp quyết định giá sàn thoái vốn khỏi Sabeco Pearl là 13.247 đồng/cổ phiếu, trong khi giá được Hội đồng thẩm giá T.Ư xác định là 31.000 đồng/cổ phiếu, gây thiệt hại tài sản cho nhà nước.
Tuy nhiên, tại lời nói sau cùng, bị cáo Hoàng cho rằng, với chức trách là Bộ trưởng, phụ trách công tác chiến lược, bản thân đã chủ trì cuộc họp cuối tháng 3.2016, nhưng cuộc họp này không chỉ bàn về thoái vốn của Sabeco, mà còn có chiến lược, quy hoạch thay đổi trụ sở.
Một lần nữa, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định vấn đề thoái vốn xuất phát từ nguyện vọng tha thiết của chính Sabeco, chứ bản thân bị cáo không chỉ đạo việc này và "hoàn toàn không tư lợi".
Cuối phần trình bày, bị cáo Hoàng xin dẫn lời phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng: "Con người ai cũng thích quyền, thích tiền, nhưng điều quan trọng nhất là danh dự", và nhấn mạnh việc dù sức khoẻ yếu vẫn cố gắng ra toà vì trách nhiệm, nghĩa vụ và quan trọng nhất là vì danh dự.
"Cái gì làm sai tôi xin chịu trách nhiệm, còn cái làm đúng thì tôi phải bảo vệ danh dự của mình", bị cáo Hoàng nói.
Cho rằng hơn 40 năm công tác, bản thân luôn làm tốt nhiệm vụ được giao và đã nhận trách nhiệm với tư cách người đứng đầu, bị cáo Hoàng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên án đúng người, đúng tội; và mong qua bản án sẽ nhận ra được lỗi lầm của mình, được tạo điều kiện để có thời gian ở lại sống tốt hơn.
Nói lời sau cùng, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Phan Chí Dũng ngoài việc đã nhận thức được các sai phạm, cũng một lần nữa cho hay bị cáo gửi một số tờ trình để lãnh đạo Bộ phê duyệt dự án ở Sabeco, nhưng đó không phải quan điểm cá nhân mà là ý kiến thống nhất của các cơ quan ngang Bộ hoặc thống nhất chung của lãnh đạo Bộ. Thời điểm đó, các đề xuất của bị cáo cũng không có cơ quan nào phản bác, nên mong Hội đồng xét xử xem xét cho khách quan.
Ngoài nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín xin xét xử vắng mặt, 7 nguyên lãnh đạo, cán bộ của Văn phòng UBND TP.HCM, Sở KH-ĐT và Sở TN-MT TP.HCM khi nói lời sau cùng, đều xin được hưởng khoan hồng.
Bị cáo Nguyễn Lan Châu, cựu chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở TN-MT, nói đây là lần đầu ra toà nên không có kinh nghiệm, mong Hội đồng xét xử bỏ qua nếu bản thân có những lời nói không phải. Là phụ nữ độc thân, một mình nuôi dưỡng bố mẹ già, bị cáo Châu mong được xem xét để giảm nhẹ, hưởng mức án tốt nhất.
|
Bình luận (0)