Ông xe ôm 14 năm vác tù và hàng tổng: Đi xin tiền cho học trò nghèo

11/07/2020 12:47 GMT+7

Gần 14 năm, sau giờ chạy xe ôm hoặc lúc nghỉ trưa, ông Được lại mang chồng thư ngõ đi xin ủng hộ cho học trò . Việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của ông khiến bà con đặt biệt danh thân thương: Được “khuyến học”.

Ước mơ “trồng người”

Tiếp tôi vào giữa trưa nắng gắt, trong căn nhà đá ong cũ kỹ, được xây dựng từ những năm 90. Ông Nguyễn Mậu Được (55 tuổi, ở thôn Phước Luông, xã Đức Hòa, H.Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) còn nhễ nhại mồ hôi sau chuyến chở hàng cho khách về.
Ông Được kể những năm bao cấp gia đình ông nghèo, mưu sinh nhờ mấy sào ruộng. Ông học hết lớp 10, chỉ có em trai là học Đại học Bách khoa Hà Nội.
Thời điểm đó, thi đỗ đại học là cả một sự nỗ lực và vinh hạnh cho dòng họ. Không may, em trai ông bị tai nạn nghiêm trọng. Lúc đó, ông mới cưới vợ, tài sản chẳng có gì ngoài đôi bông tai và chiếc nhẫn. Hai vợ chồng đem bán vàng nuôi em. Hết tiền, em không khỏi được bệnh, ra trường cũng không thể đi làm được. Ông Được rưng rưng, do vậy mà ông nuôi ước mơ góp công trồng người – ông muốn làm khuyến học.

Ông Được chở vở đi trao tặng cho học sinh nghèo, hiếu học

Người dân quanh khu vực bưu điện Mộ Đức (H.Mộ Đức) đều đã quen mặt người đàn ông có thân hình to lớn, mái tóc hoa râm bên chiếc xe máy cũ kỹ, lúc cần là có ngay. Họ gọi ông là Được "xe ôm” cho dễ nhớ bên cạnh biệt danh thân thương: Được "khuyến học". Cứ thế, ngày nào cũng vậy, suốt gần 30 năm nay, ông chở khách, chở hàng đi về. Trong lúc trò chuyện cùng tôi, ông có điện thoại réo gọi đi chở hàng. Ông khất lại trễ chút xíu vì đang bận tiếp khách.
Năm 2005, chi hội khuyến học thôn Phước Luông được thành lập. Với uy tín của mình, ông Được “xe ôm” được bầu làm chi hội phó từ năm 2006.
Ông Được cười hiền kể chuyện chuẩn bị hồ sơ, trao học bổng cho con em trong thôn hơi vất vả vì phải lập hồ sơ, trao xong rồi phải làm báo cáo gửi lên cho Hội khuyến học cấp huyện, cấp tỉnh. "Mình không rành gõ vi tính nên viết tay rồi đem ra tiệm cho họ đánh lại. Tết trao một đợt, đến giữa năm, mình lại trao thêm đợt nữa", ông kể rồi khoe: "Đầu năm nay xin được 2.000 cuốn vở học sinh với một ít tiền rồi, giữa năm là trao”.

Các em học trò bên ông Được trong ngày trao học bổng khuyến học

Ảnh: NVCC

Thầm lặng làm khuyến học

Gần 14 năm, sau giờ chạy xe ôm hoặc tranh thủ buổi trưa, ông Được “khuyến học” lại mang chồng thư ngõ đến từng gia đình trong thôn, trong xã để xin ủng hộ cho học trò.
Cầm cuốn sổ đen cũ, ghi chép đầy đủ số tiền ủng hộ qua hàng năm, vừa lần giở từng trang ông vừa kể, số tiền ủng hộ mỗi gia đình ít thôi, một trăm, hai trăm ngàn đồng nhưng đó là tấm lòng của bà con. Có người gièm pha nói ông nhà nghèo không lo kiếm tiền mà lo làm chuyện bao đồng,  ông chỉ cười hiền.
Có gia đình không ủng hộ nhưng con cái học giỏi, chăm ngoan nên ông vẫn đề nghị tặng vở, hỗ trợ để các cháu vui và có động lực. Bởi với ông tiếp sức cho các em học sinh đến trường “được chút nào hay chút ấy”. Món quà tuy giá trị vật chất bé nhỏ nhưng mang lại giá trị tinh thần lớn cho các em học sinh giỏi. Chính quyền thôn, xã ghi nhận, tặng cho giấy khen, suất quà động viên là chung tay xây dựng xã hội học tập.
Hai vợ chồng xuất phát từ hai bàn tay trắng, bà Trần Thị Hiền (55 tuổi) vợ ông, làm nghề nông, tần tảo với mấy sào ruộng nhưng chưa bao giờ phiền hà chuyện làm khuyến học của chồng. Qua bao năm, bà còn luôn ủng hộ. Đến khi ông bà sinh được hai con trai, mỗi lần con cái đau ốm, gia đình túng thiếu, nhất là lúc con đi học đại học “xoay qua xoay lại là nó gọi về nói gửi tiền” cũng không thể làm thay đổi mong ước của ông Được.
Con cái học hành đỗ đạt, giờ hai đứa đều có công việc ổn định ở TP.HCM. Đứa lớn làm kỹ sư cho một tập đoàn xây dựng, đứa nhỏ học thạc sĩ xong rồi, giờ làm ngân hàng. Sau khi nuôi hai con học hành tới nơi tới chốn, ông nhìn lại cảnh nghèo của mình mà càng thương những con em nghèo không có điều kiện. Ông không những vui khi con mình ăn học nên người, mà còn vui mừng hơn khi nhìn thấy các con cháu của người khác học giỏi.
Hai người con trai hiểu được tâm nguyện của cha, tuy đi làm ăn xa quê nhưng hai anh đã kết nối nhiều mạnh thường quân là ngươi địa phương có điều kiện gửi tiền, gửi sách vở về tiếp sức cho cha làm khuyến học.
Mấy năm gần đây, được con mua cho chiếc iPad, ông Được tự mày mò sử dụng Facebook, Zalo để... làm khuyến học. Những trường hợp học sinh nghèo vượt khó, ông chụp ảnh và chia sẻ lên mạng để kêu gọi, mở rộng nguồn tài trợ.
Không những làm khuyến học cho thôn mà ông Được còn góp sức làm khuyến học cho dòng họ Nguyễn Mậu. Với ông, hai con trai và con cháu trong dòng họ học hành nên người là điều đáng quý. Hằng năm, ông cùng dòng họ lại tổ chức buổi gặp mặt con cháu để trao quà, để động viên cho các cháu cố gắng học hành sau này trưởng thành, góp công, góp sức xây dựng quê hương.
Ông Huỳnh Minh Thủy (Chủ tịch Hội khuyến học xã Đức Hòa) tâm sự rằng, dù bận bịu với việc mưu sinh nhưng ông Được luôn thực hiện tốt công tác khuyến học. Hằng năm, ông Được cùng các con còn đóng góp vào quỹ khuyến học của thôn Phước Luông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.