Tết của thầy giáo chạy xe ôm chăm vợ chạy thận: ‘Chúng tôi đã rất giàu’

28/01/2020 09:51 GMT+7

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Thành vẫn miệt mài chăm vợ chạy thận, dìu vợ trên từng bước đi và miệt mài từng cuốc xe ôm để kiếm tiền. Nhưng thầy Thành cho rằng, thầy đã rất giàu vì luôn nhận được sự yêu thương của mọi người.

Trong năm qua, chương trình Chạm vào ước mơ của Báo Thanh Niên với nhân vật là thầy giáo Nguyễn Ngọc Thành (44 tuổi, quê Bình Định) bỏ giảng đường để vào Sài Gòn chăm vợ chạy thận và cho con theo đuổi ước mơ ca hát đã nhận được sự quan tâm đông đảo từ cộng đồng.

Rất giàu!

Nửa năm sau chương trình, anh Thành cho biết, gia đình anh đã rất giàu có. Giàu ở đây không phải là vật chất, tiền bạc, mà là giàu về tinh thần vì nhận được vô vàn sự yêu thương của cả những người không quen biết.

Cậu bé Giọng Hát Việt Nhí mơ dùng giọng hát hát kiếm tiền thay thận cho mẹ

Sau khi chương trình phát sóng, nhiều thay đổi lớn đã đến với thầy giáo Nguyễn Ngọc Thành. Gia đình anh đã chuyển đến thuê nhà tại lầu 2 của chung cư cũ Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Có đợt, sức khỏe của chị Trần Thị Đức (41 tuổi, vợ anh Thành) bỗng suy sụp, chị không thể tự đi lại được mà luôn cần có sự hỗ trợ của chồng.
Để chồng yên tâm giảng dạy tại trường THCS-THPT Hồng Hà mà Báo Thanh Niên kết nối, chị Đức đã gắng gượng tự bước đi trên đôi chân mình, nhưng chẳng may bị té khiến anh Thành càng thêm lo lắng. Anh quyết định xin nhà trường được tạm nghỉ dạy để có thời gian chăm sóc vợ. Tranh thủ những lúc vợ ngủ, anh lại đi chạy xe ôm công nghệ để kiếm tiền trang trải sinh hoạt.

Cuộc sống của gia đình thầy Thành vẫn không có gì thay đổi nhiều, thầy Thành vẫn đi chạy xe ôm, chăm lo việc cơm nước và dành thời gian chăm sóc vợ

Ảnh: Vũ Phượng

Anh Thành tâm sự: “Tôi đã nhận được một khoản tiền hỗ trợ từ những mạnh thường quân, nhưng tôi không xài đến, mà để đó chờ có cơ hội để thay thận cho vợ. Đó cũng là mong muốn của những người giúp đỡ chúng tôi”.
Chị Đức thì vẫn xúc động khi nhìn lại những yêu thương mà gia đình đã nhận được: “Vợ chồng tôi luôn bảo nhau là mình vậy nhưng rất giàu, vì đi đâu cũng nhận được tình cảm của mọi người trong xã hội. Có những người chạy GrabBike không có tiền nhưng vẫn chuyển khoản chia sẻ với gia đình tôi 20 ngàn, 50 ngàn. Hay như các bạn học sinh cùng trường với Minh Nhật (con trai của anh chị) cũng gom góp từng đồng tiền lẻ 2 ngàn, 5 ngàn để động viên tinh thần. Vậy là chúng tôi đã rất giàu rồi”.

‘Anh là đôi chân em’

Sau khi xin tạm nghỉ dạy, anh Thành dành phần lớn thời gian để chăm sóc vợ. Mỗi ngày, anh dậy từ 5 giờ sáng, đi chạy xe ôm công nghệ đến 9 giờ thì về lo cơm nước, chợ búa. Sau giờ nghỉ trưa, anh lại tranh thủ chạy thêm vài cuốc xe để đủ tiền trả tiền nhà trọ.

Chị Đức không thể tự đi lại, nên đi đâu luôn có anh Thành cõng và dìu từng bước

Ảnh: Độc Lập

Anh cũng nhận được một lớp gia sư ở Q.7 và một lớp ở Q.Thủ Đức, dù rất xa nhà, nhưng anh vẫn hạnh phúc vô cùng trong từng tiết dạy vì đó là những khoảng thời gian anh được sống với đam mê truyền đạt kiến thức Toán của mình.
Mỗi thứ hai, tư, sáu hằng tuần, chị Đức đều đặn đi chạy thận tại Bệnh viện An Sinh. Và người dân ở chung cư cũ Thanh Đa cũng không xa lạ gì với hình ảnh người đàn ông cõng vợ trên lưng leo từng bậc cầu thang mà mặt luôn rạng rỡ nụ cười hạnh phúc.

Minh Nhật cũng thường nhận được các show diễn vào ngày cuối tuần. Dù được nhiều hay ít, Nhật thường đưa hết cho mẹ để mẹ đi chạy thận

Ảnh: Vũ Phượng

Nhiều lần nhìn chồng cõng mình mà mồ hôi ướt hết lưng áo, chị Đức hỏi anh có mệt không. Anh Thành chỉ cười đáp: “Anh là đôi chân em mà, chỉ cần em khỏe thì cõng bao lâu cũng được”. Nghe vậy, chị Đức len lén lau nước mắt vì xúc động. Chị luôn tâm sự với mọi người rằng: “Anh đã hi sinh cho chị rất nhiều, cả sự nghiệp và cuộc đời. Tôi nợ anh rất nhiều ở kiếp này, nhưng nếu có kiếp sau, tôi vẫn mong sẽ lại là vợ của anh”.

Tết này vẫn chạy xe ôm!

Tôi đến gặp lại gia đình anh Thành ở lầu hai của lô 8 Cư xá Thanh Đa vào những ngày cuối cùng của năm cũ. Khi khoảng 1 tuần nữa là đến giao thừa, nhưng gia đình anh chị vẫn chưa sắm sửa gì.

Mỗi ngày, thầy Thành tranh thủ lúc vợ nghỉ ngơi để đi chạy GrabBike

Ảnh: Độc Lập

Căn nhà trọ vẫn chỉ có chiếc giường tầng, cây đàn piano, chiếc ti vi, tủ lạnh cũ mua lại của người quen và một tủ đông để chị Đức trữ cá lấy từ Bình Định vào bán cho khách ở Sài Gòn.
Gọi là bán, nhưng chị chẳng lấy lời bao nhiêu, thậm chí thường cho thêm vì: “Mình nhận được quá nhiều rồi, lời lãi gì không quan trọng. Mà quan trọng là mọi người có được những bữa ăn ngon với cá quê mình”.

Anh Thành chưa bao giờ than phiền mệt mỏi vì phải gánh vác mọi chuyện trong nhà

Ảnh: Vũ Phượng

Dù vậy, nhiều lần chị vẫn bị “bom hàng” bởi những khách hàng đặt qua Facebook. Lần bị “bom” đơn nhiều nhất cũng chính là ngày sinh nhật của con trai. Anh Thành chở thùng cá Bình Thạnh xuống Hóc Môn để giao nhưng gọi hoài không ai nghe máy. Anh đứng đợi tới tối mịt vẫn không liên lạc được với người đặt. Đang mệt mỏi vì nắng, bụi thì bất ngờ anh bị hai kẻ phóng xe máy đến giật điện thoại. Anh đành chở thùng cá về mà lòng buồn rười rượi. Mỗi lần như vậy, vợ chồng chị lại nói vui: “Nhờ vậy nhà mới có cá ăn”.
Tết này gia đình anh chị không về quê. Chị Đức cho biết: “Dù cả nhà ai cũng mong về nhưng tôi vẫn phải đi chạy thận 3 lần/tuần, chồng tôi thì vẫn chạy xe ôm. Thôi thì ăn Tết ở đâu cũng vậy, miễn cả nhà bên nhau là được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.