'Osin 5 sao' ở Sài Gòn, lương chục triệu - Kỳ cuối: Những thứ quan trọng hơn tiền

02/07/2016 19:56 GMT+7

"Bài học sắp xếp giữa lau nhà, nấu cơm, rửa chén phải làm gì trước đã giúp em thành công trong vị trí nhân viên kinh doanh hiện nay, khi cùng lúc bị "dí" bởi khách hàng, nhà cung cấp và quản lý xưởng".

Cô tạp vụ giỏi tiếng Anh
Học xong khóa 1 năm đào tạo quản gia tại Trung tâm dạy nghề Phước Lộc, Lê Thị Ngọc Quế được giới thiệu làm tạp vụ cho một công ty may mặc Hồng Kông có văn phòng ở TP.HCM.
Đặt mục tiêu cho tương lai là môn học ở trường luôn được Quế áp dụng triệt để. Chỉ sau 2 tháng đi làm, Quế bắt đầu học trung cấp kế toán. Học xong trung cấp rồi cao đẳng vào năm 2012 cộng với với kha khá vốn tiếng Anh tích góp được ở Phước Lộc, cô tạp vụ đến gặp “sếp” người Hồng Kông để xin nghỉ làm với lý do tìm môi trường thích hợp hơn.
Một quyết định đã được đưa ra: Quế được giữ lại làm việc với vị trí nhân viên kinh doanh, tăng lương từ 3,5 triệu lên 7,5 triệu/tháng. Đến nay, thu nhập của Quế là 12 triệu/tháng.
"Ngày trước ở Trung tâm dạy nghề Phước Lộc em được học môn sắp xếp công việc, chẳng hạn lau nhà, nấu cơm, rửa chén, phải làm gì trước. Cũng đúng bài học đó đã giúp em thành công trong công việc nhân viên kinh doanh hiện tại, chẳng hạn khi cùng lúc bị "dí" bởi khách hàng, nhà cung cấp và quản lý xưởng may, em biết sắp xếp để ưu tiên đáp ứng nhu cầu của ai trước" - Lê Thị Ngọc Quế chia sẻ.
Học viên quản gia trong giờ học vệ sinh nhà cửa PXH
Học lòng tự tin
Học xong 12 nhưng Trần Thị Huệ thi rớt tốt nghiệp THPT vì bị điểm "liệt" môn tiếng Anh. Cô đăng ký học nghề quản gia. "Nỗi hãi hùng" ngày nào về môn tiếng Anh của cô học trò huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bỗng trở thành niềm đam mê của Huệ ở Phước Lộc đến nỗi khi bắt đầu đi làm quản gia, Huệ cũng đăng ký học song song đại học ngoại ngữ.
"Điều quan trọng nhất là phương pháp học. Tôi còn nhớ ở trung tâm có một cô giáo tên Đào dạy rất hay. Sau này, khi đi dạy tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ, tôi cũng áp dụng đúng phương pháp trực quan sinh động của cô ấy, chẳng hạn học từ 'con gà' thì tôi mời học viên đứng lên giả làm con gà, giúp các em nhớ từ rất lâu".
Cô Trần Thị Huệ (thứ 2 từ trái sang) và các đồng nghiệp tại Trường quốc tế Úc trong một hoạt động ngoại khóa Nhân vật cung cấp
Hiện Huệ đang là giáo viên bảo mẫu tại Trường Quốc tế Úc tại TP.HCM. Gia chủ cuối cùng trong 6 gia đình nước ngoài mà Huệ đã làm quản gia đã viết thư giới thiệu Huệ khi cô xin việc ở đây.
Đó là một nhà ngoại giao Canada tại TP.HCM. Cô Huệ kể các giáo viên ở Trường Quốc tế Úc hay tổ chức tiệc tùng vào cuối tuần và mọi người rất ngạc nhiên vì sao cô nấu được nhiều món Âu đến thế. "Tôi rất tự hào giải thích cho họ biết rằng vì tôi từng học nghề và hành nghề quản gia lâu năm trước khi trở thành cô giáo", Huệ kể.
Nhưng tiếng Anh hay món Âu chỉ là những thành quả phụ, cô Huệ cho biết điều quan trọng nhất cô học được ở Phước Lộc là sự tự tin. "Mình phải tin vào mình trước thì mới có thể làm nhà tuyển dụng, những người xung quanh tin mình", cô đúc kết.
“Em sẽ quay lại”
Bùi Thị Mộng Nhi từng làm quản gia nhiều năm với mức lương 250 USD. Lấy chồng, hôn nhân tan vỡ, bế trên tay một sinh linh nhỏ bé không biết đi về đâu, Nhi lại một lần nữa được những bà sơ ngày xưa đã giúp cô học ngành quản gia cưu mang.
Khi đứa trẻ đã cứng cáp đôi chút, Nhi bày tỏ nguyện vọng được trả ơn các vị ân nhân bằng cách giúp đỡ người khác. Và cô được giới thiệu vào làm quản gia ở mái ấm Mái Linh - một nhà tạm lánh cho các phụ nữ mang thai đơn thân.
Dẫu công việc hướng dẫn lối sống nề nếp, nữ công gia chánh, vệ sinh… cho các bà bầu trong hoàn cảnh đơn thân nặng trĩu tâm tư, không ít trong số đó là trẻ vị thành niên - lúc nào cũng đầy thử thách với Nhi, cô bảo công việc đó đã cho cô niềm vui và hạnh phúc.
Các hoạt động phục vụ người nghèo góp phần giúp các quản gia thay đổi cách nhìn về cuộc sống PXH
“Em sẽ quay lại nghề quản gia cho người nước ngoài vì hiện tại cần phải kiếm nhiều tiền phụ giúp mẹ già ở quê xây nhà. Mức lương 3,5 triệu đồng hiện nay chỉ vừa đủ cho 2 mẹ con sinh sống. Nhưng một ngày nào đó trong tương lai, khi không còn quá bận bịu với gánh nặng cơm áo gạo tiền, em sẽ quay lại đây”, Nhi chia sẻ. Lý do của cô thật đơn giản: “Em đã được nhận rất nhiều, nguyện vọng của em là được giúp đỡ người khác”.
Thứ quan trọng hơn tiền
Kết thúc công việc quản gia cho một gia đình Úc (gia chủ về nước) với mức lương 6,6 triệu đồng/tháng, Nguyễn Thị Huyên quyết định tạm thời “đổi không khí” ở Trung tâm Mai Hòa (Củ Chi) - một mái ấm cuối đời cho những người có HIV/AIDS .
Công việc của cô là nấu ăn cho khoảng 40 "cư dân" Mai Hòa với thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng. "Các cô, các chú khen món ăn của em hợp khẩu vị ngay từ bữa ăn đầu tiên, em thấy vui vui vì công việc của mình đem lại niềm vui cho nhiều người một lúc" - đó là lý do Huyên quyết định trụ lại với Mai Hòa.
Khi được hỏi có sợ không khi suốt ngày phải chứng kiến những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối đau đớn, vật vã cả về thể xác lẫn tinh thần, phải chứng kiến hết cái chết này đến cái chết khác, Huyên mỉm cười: "Nếu sợ thì em đã không đến. Nhưng thật ra có gì mà phải sợ, HIV lây qua 3 đường, có lây hay không là do mình. Mà em thấy các cô chú ở đây sống cũng vui vẻ, nhẹ nhàng dẫu mỗi người đều có nỗi khổ tâm riêng".
Nguyễn Thị Huyên làm bánh phục vụ bệnh nhân AIDS N.H
Nhưng tại sao cô quyết định gắn bó với Mai Hòa khi cả thu nhập và điều kiện sống đều thua xa so với làm quản gia cho người nước ngoài - một công việc mà lúc nào cô cũng có thể dễ dàng xin được? "Tiền cũng rất quan trọng nhưng với em, niềm vui quan trọng hơn. Từ ngày làm ở đây, em thấy con người mình vui vẻ, tâm hồn nhẹ nhàng, sự nóng nảy trước đây không còn nữa" - Huyên giải thích.

"Cách đây 68 năm, một thiếu nữ là con thứ 6 của một gia đình nghèo 9 con đã rời căn nhà nhỏ trong rừng để lên thành phố làm giúp việc nhà. Lúc đó cô ấy mới 14 tuổi. Cô ấy nói với tôi rằng đó là một công việc vừa khó, vừa kín đáo, hiệu quả, nhanh nhẹn, vừa phải tươi cười trong mọi trường hợp, phải biết tự chủ và lúc nào cũng phải có sáng kiến. Thiếu nữ đó chính là mẹ tôi. Đó là lý do vì sao dự án này lại quan trọng với tôi đến như vậy.

Đó là lý do cá nhân. Ngoài ra, nhiệm vụ của hiệp hội chúng tôi là hỗ trợ trong 3 lĩnh vực giáo dục, sức khỏe và đào  tạo nghề. Cả 3 nhiệm vụ đó đều hoàn thành tại trung tâm này" - ông Yves Henry phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập ngành đào tạo quản gia tại Trung tâm dạy nghề Phước Lộc. Ông đại diện cho tổ chức AVE - một nhà tài trợ quan trọng của chương trình đào tạo quản gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.