>> Hiểm họa nhà nghiêng - Bài 1: Sợ từng giờ
>> Nhà nghiêng cứ nghiêng
>> Bỗng dưng mang vạ
>> Nhà 5 tầng tại Hà Nội bị lún, nghiêng
>> Nhà 5 tầng đổ sập giữa Hà Nội
Tiền đâu để sửa?
Ghi nhận thực tế, nhiều nhà cao tầng trên đường Đinh Bộ Lĩnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh (P.25 và P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đang nghiêng nghiêm trọng. Trên đường Đinh Bộ Lĩnh, nghiêng nghiêm trọng nhất là ngôi nhà cao 6 tầng số 190. Bằng mắt thường, ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy nhà này nghiêng, dựa hẳn vào nhà bên cạnh (số 188 Đinh Bộ Lĩnh). Hai căn nhà cao chót vót tựa vào nhau dường như tạo thành một “tháp đôi” nghiêng.
Quan sát thực tế từ hướng đối diện, những tầng trên của nhà số 190 dựa hẳn vào nhà bên phải (nhà số 188) và tạo khoảng hở rất lớn với nhà bên trái (khách sạn Quý Lộc). Nhiều người dân lo ngại, nếu cứ để ngôi nhà cao tầng này trong “dáng đứng” này, chỉ cần một dư chấn vừa phải e là “tháp đôi” này "không đứng nổi".
Theo một số người dân tại đây, từ tháng 7.2010 chủ nhà số 190 đã cố khắc phục sự cố bằng cách dùng tole che bên ngoài, ngay giữa nơi giáp ranh hai ngôi nhà, rồi sơn quét cho cùng màu tường, nhằm đỡ lộ khoảng hở ngày càng rộng do ngôi nhà nghiêng dần.
Ông M. (một người dân ở gần nhà nghiêng này) nói: “Khi phát hiện nhà bị sự số, các hộ xung quanh có ý kiến với chủ nhà nhưng họ có khắc phục, sửa chữa triệt để hay không là việc của họ. Nhiều người gần đây đã phản ánh lên cơ quan chức năng, có cán bộ xuống khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa động tĩnh gì. Đến chủ ngôi nhà nghiêng cũng lo lắng bởi nếu có sự cố xảy ra thì họ cũng gặp rắc rối. Tuy vậy, họ không thể tự khắc phục sự cố sạt lún khiến nhà nghiêng, cũng không thể đập đi xây mới vì nhà cao tầng như vậy rất tốn kém, không dễ đủ tiền xây lại”.
|
Cũng trên đường Đinh Bộ Lĩnh, cũng xuất hiện phiên bản 2 của “tháp đôi” nhà nghiêng. Đó là ngôi nhà cao tầng ở số 171 và nhà bên cạnh nghiêng, sạt, tạo khoảng trống khá lớn giữa hai nhà. Chủ nhà khắc phục bằng cách làm máng xối ngay khoảng trống giữa hai ngôi nhà để thoát nước ra phía sau. Điều đáng nói là ngôi nhà cao tầng số 171 còn rất mới nhưng vẫn không tránh khỏi tác động sạt lún.
Trên đường này còn xuất hiện dãy nhà nghiêng “dây chuyền” dù độ nghiêng không quá lớn. Đa số người dân sống tại đây cho biết khó xác định được nhà nào nghiêng trước, dựa vào nhà bên cạnh, “đẩy” cả dãy 3-4 ngôi nhà cùng nghiêng. Tuy vậy, người dân cho biết họ vẫn phải sống chung với thực trạng này đến khi nào cơ quan nhà nước có giải pháp khả thi và bắt tay vào khắc phục.
|
Chứng minh thiệt hại quá nhiêu khê
Những câu chuyện trên không mới bởi cách đây ba năm, Thanh Niên Online đã từng đề cập đến vấn đề này khi nói đến hiểm họa tại “phố nhà nghiêng” trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (P.25, Q.Bình Thạnh). Đa phần các chủ nhà ở đây cũng chỉ dùng những biện pháp thô sơ như trám, tô tường, nhằm hạn chế phần nào tình trạng nghiêng lún và đứt gãy. Nhiều chủ hộ cho biết là không thể sửa chữa vì lý do… thiếu tiền.
Mặt khác, đa số những căn nhà nghiêng lún tại đây đều được xây dựng từ lâu khoảng trước năm 2000 nên vấn đề truy rõ nguyên nhân từ đâu cũng gặp hạn chế. Các chủ thầu xây dựng thì đã "biệt vô âm tín", còn nguyên nhân nghiêng lún thì không thể xác định do đâu gây nên.
Tình trạng nghiêng lún nghiêm trọng diễn ra từ năm này đến năm khác, dẫn đến các giao dịch nhà cửa tại đây phần lớn đều đóng băng.
Trước đây, do lo sợ tình trạng sống trong căn nhà nghiêng nguy hiểm của mình, nên chủ hộ nhà số 696 Xô Viết Nghệ Tĩnh liên tục rao bán nhà với giá rẻ, dọn đi chỗ khác sống cho an toàn. Tuy nhiên, với hiện trạng nghiêng và đứt gãy nghiêm trọng, nhiều người có nhu cầu mua đến xem đành lắc đầu… chào thua. Do vậy, những người trong căn nhà vẫn phải sống trong tình trạng đối mặt với nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tại khu vực này, việc tranh chấp, yêu cầu đòi bồi thường do nhà nghiêng gây ra cũng rơi vào tình trạng "đóng băng" bởi việc thẩm định, cũng như quá trình chứng minh thiệt hại rất nhiêu khê.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Minh Thuận (Công ty Luật hợp danh Sài Gòn Việt Nam) nhận xét các vụ kiện về nhà nghiêng, tranh chấp giữa các bên kéo dài là điều thường gặp vì thủ tục xác minh các yêu cầu của nguyên đơn (tức người bị thiệt hại) rất nhiêu khê. Mặt khác, tại các cơ quan tòa án thường xảy ra tình trạng án quá nhiều nên cũng xảy ra chuyện giải quyết chậm trễ.
Theo luật sư Thuận, tốt hơn hết thì các bên nên hòa giải với nhau để bên bị thiệt hại đạt được một lợi ích vừa đủ đề bù đắp những thiệt hại đã phát sinh, tránh trường hợp vụ kiện kéo dài, rồi lại xét xử nhiều cấp.
Ai phải bồi thường khi xảy ra nhà nghiêng? Theo luật sư Nguyễn Minh Thuận, theo quy định tại điều 627 Bộ luật Dân sự: Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng. Như vậy, chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường là chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu công trình hoặc người được chủ sở hữu giao quản lý sử dụng. Trong trường hợp việc nhà nghiêng gây thiệt hại cho người khác do lỗi của nhà thầu thì chủ đầu tư/chủ sở hữu công trình có quyền yêu cầu nhà thầu bồi hoàn lại sau khi chủ đầu tư/chủ sở hữu công trình đó đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Để chứng minh cho việc yêu cầu bồi thường thiệt hại thì người bị thiệt hại phải chứng minh các vấn đề sau: 1. Có thiệt hại thực tế xảy ra và thiệt hại này là có thực (phải có hóa đơn chứng từ cụ thể); 2. Lỗi của bên để xảy ra nhà nghiêng; 3. Mối quan hệ nhân quả giữa yếu tố lỗi của bên để xảy ra nhà nghiêng và việc thiệt hại, tức là thiệt hại của người bị thiệt hại xuất phát từ nguyên nhân duy nhất là do công trình bị nghiêng gây ra chứ không phải từ nguyên nhân khác. (T.Trung ghi) |
Thành Trung - Hoàng Việt
Bình luận (0)