Chuyện người thoát án tử hình

25/05/2011 07:43 GMT+7

(TNO) Ít ai biết: Lê Bá Mai (nhân vật chính trong "kỳ án vườn mít") đã viết đơn kháng cáo vào ngày thứ 15 và được chuyển sang TAND tỉnh Bình Phước ít giờ trước khi thời hạn kháng cáo kết thúc...

>> Lê Bá Mai vô tội, được trả tự do ngay tại tòa
>> “Số phận” của Lê Bá Mai chưa được phán quyết
>> Tiếp tục đề nghị tử hình bị cáo "Kỳ án vườn mít"
>> Lời khai của nhân chứng “chỏi” nhau
>> Xét xử sơ thẩm lần 3 “kỳ án” vườn mít

Ngày thứ hai của phiên xét xử sơ thẩm hình sự vừa qua (22.5.2011), khi phiên tòa kết thúc, chuẩn bị tra tay vào còng về lại trại tạm giam, Lê Bá Mai nhanh chóng ném “một vật lạ” về phía một người đàn ông luôn căng thẳng theo dõi lời khai của Mai trước tòa.

Đó là một con lừa nhỏ bằng ngón tay cái được kết bằng những sợi vải dù màu trắng. Con lừa trông hiền lành, cụp tai, đầu hướng xuống phía đất, trên thân lừa có dòng chữ màu đen “Kính tặng hai bác”.

Và người đàn ông được bị cáo từng bị tạm giam 7 năm, từng bị cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm kết 2 án tử hình tặng món quà đặc biệt ấy là Dương Bá Tuân, chủ trang trại nơi vụ án “vườn mít” xảy ra (xã An Khương, huyện Bình Long, nay là huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước) vào ngày 16.11.2004.

Phía sau sự kiện Lê Bá Mai được TAND tỉnh Bình Phước tuyên trắng án, trả tự do ngay tại tòa hôm 24.5.2011 là những câu chuyện dài, ly kỳ làm nên “kỳ án vườn mít”, trong đó có công rất lớn của ông Tuân...

Định mệnh

Năm 2001, Mai từ Thanh Hóa vô làm thuê cho một chủ vườn ở thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) 4 tháng trời nhưng không được trả một đồng cắc nào. Một người biết hoàn cảnh của Mai đã giới thiệu cho người quản lý trang trại của ông Dương Bá Tuân.

Ngày ấy, trông Mai thật nhếch nhác, đói rách, dơ bẩn không khác một gã ăn mày luôn bị người đời hắt hủi.

Sau khi từ TP.HCM về lại trang trại ở Bình Phước, ông Tuân chất vấn người quản lý trang trại rất dữ về nhân thân, lý lịch của “gã nhà quê”. Ông không hài lòng vì có một gã không giấy tờ tùy thân có mặt trong trang trại.

Người quản lý kể lại toàn bộ câu chuyện và nói: “Nó nghèo, đói lắm nhưng làm việc rất tốt. Không nhận nó vào làm, rồi đây không biết nó lang thang tận đâu, làm sao nó sống nổi”. 


Lê Bá Mai (thứ hai từ trái qua) cùng người thân sau khi được tuyên trắng án - Ảnh: Trần Duy

“Ừm! Để nó làm thử. Nếu nó làm không tốt và có hành vi bất minh, đuổi nó đi cũng chưa muộn” - ông Tuân nghĩ.

Lê Bá Mai tính tình lầm lì, ít nói, giao tiếp kém nhưng lại là người làm công cần mẫn. Từ năm 2001 cho đến khi bị bắt tạm giam (2004), Mai là người làm công giỏi nhất trong trang trại ông Tuân. “Nó không bao giờ biết đến chuyện đòi hỏi quyền lợi, là người trung thực, thật thà, siêng năng...” - ông Tuân nhớ lại.

Thấy Mai làm giỏi, ông Tuân cho gã làm quản công. Thay vì giám sát công việc của người khác, gã cắm đầu cắm cổ làm hăng hơn và khi làm hết việc của mình, gã làm thay luôn phần việc của người khác.

Rồi cái ngày định mệnh ấy xảy ra. Vào khoảng 11 giờ 50 phút ngày 16.11.2004, một nhóm công an viên và người dân đuổi đánh, bắt Mai vì trong vườn mít có xác của U. Người ta khẳng định Mai chính là hung thủ giết U.

Bốn tháng sau, cũng vào ngày 16, vụ án Lê Bá Mai “hiếp dâm trẻ em”, “giết người” được TAND tỉnh Bình Phước đưa ra xét xử lưu động. Tòa tuyên án tử hình. Còn Mai chỉ mỉm cười. Nụ cười ấy gã còn mang theo trong nhiều phiên tòa sau đó và người ta thắc mắc: “Chẳng biết gã cười gì khi sắp bị tử hình, bị loại ra khỏi xã hội vĩnh viễn”.

Ngồi ngay sau lưng Mai ở hàng ghế nhân chứng vào ngày xử lưu động, ông Tuân thúc giục: “Mai! Vì sao con không làm mà lại nhận tội”. Gã quay đầu mỉm cười (lại cười): “Bác đừng lo! Con kháng cáo là xong”.

Trong những phiên tòa sau này, khi Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi lý do vì sao kháng cáo, Mai trả lời ngu ngơ, chẳng ăn nhập gì: “Vì mong HĐXX đem vụ án ra xét xử”.

Kháng cáo vào ngày thứ 15

Bản án sơ thẩm được tuyên. 15 ngày sau, nếu không kháng cáo, Lê Bá Mai coi như cầm chắc cái chết - cái chết nhục nhã của tên tội phạm “hiếp dâm trẻ em”, “giết người”.

Ông Tuân không muốn Mai chết oan. Ông tìm cách liên lạc với ông Lê Bá Triệu (cha ruột của Mai ở xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) và giúp ông Triệu bắt xe vào TP.HCM.

Đó cũng là lần đầu tiên, ông Triệu bước chân ra cái làng nhỏ xa xôi của vùng núi Thanh Hóa. Ông không biết đi xe máy, không biết sử dụng điện thoại và... mù tịt về thủ tục kháng cáo cho con.

Theo lời chỉ dẫn của ông Tuân, ông Triệu bắt xe xuống trại giam tỉnh Bình Phước gặp giám thị trại.

Ở đây cho biết, Lê Bá Mai đã viết đơn kháng cáo. Ông Triệu bắt xe về lại TP.HCM và báo với ông Tuân nguyên văn. Chuyến đi của ông Triệu từ TP.HCM về Bình Phước mất đến hai ngày. Bởi ông sợ tốn tiền, không dám đi xe ôm. Ông bắt xe buýt, nơi nào không có xe buýt, ông cuốc bộ.

“Ông phải xem cho được bản kháng cáo của con ông” - ông Tuân cáu tiết với ông già nhà quê, lại đưa tiền cho và bắt ông Triệu xuống lại Bình Phước xem Mai có thực đã viết đơn kháng cáo hay chưa. Sau mấy lần đến TAND tỉnh Bình Phước, ông Triệu được biết Mai chưa viết đơn kháng cáo. Sợ gặp lại vị ân nhân, ông Triệu trốn biệt. Đó là ngày thứ 14 của thời hiệu kháng cáo. 


Lê Bá Mai đứng trước tòa trong phiên tòa sơ thẩm hình sự lần 4 - Ảnh: Trần Duy

Ngày thứ 15 của thời hiệu kháng cáo, vào khoảng 12 giờ trưa, ông Tuân cùng luật sư Phan Văn Ẩn (Đoàn Luật sư tỉnh Long An) đến trại giam tỉnh Bình Phước gặp quản trại và trình bày lý do. “Tôi vừa hướng dẫn Lê Bá Mai viết đơn kháng cáo” - một cán bộ trại giam tỉnh Bình Phước nói.

Vẫn chưa dám tin, ông Tuân hỏi thêm mới biết được, đúng vào ngày thứ 15 của thời hiệu kháng cáo, đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Tư pháp dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại trại giam Bình Phước. Các thành viên trong đoàn đã vô tình bước vào phòng giam của Lê Bá Mai và sau đó đã yêu cầu ban giám đốc trại giam cho Mai viết đơn kháng cáo. Đơn kháng cáo của Mai đã được cấp tốc chuyển sang TAND tỉnh Bình Phước chỉ vài giờ trước khi thời hiệu kháng cáo hết hiệu lực.

Phiên tòa phúc thẩm sau đó diễn ra ở TAND tối cao (tại TP.HCM) vẫn y án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước tuyên Lê Bá Mai tử hình vì tội “hiếp dâm trẻ em” và “”giết người”.

Tuy nhiên, ngày 12.12.2006, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã ra kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm của TAND tối cao tại TP.HCM và bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước.

Giấc mơ đẹp nhất

Trong bản kháng nghị giám đốc thẩm, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã chỉ ra hàng loạt điểm vô căn cứ trong vụ án Lê Bá Mai và nhận định TAND cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm kết án Mai về tội “giết người” và tội “hiếp dâm trẻ em” là chưa có căn cứ vững chắc.

Hỏi ông Dương Bá Tuân vì sao một mực tin rằng Mai vô tội, ông Tuân cho biết, với tính tình của Mai, anh ta không thể nào cố ý thực hiện tội ác. 


Bỏ lại những ngày đầy gian truân, Lê Bá Mai được trở về cuộc sống tự do - Ảnh: Trần Duy

Ông Tuân tin rằng Mai không thể nào vì muốn “thỏa mãn dục vọng” mà hiếp dâm cháu nhỏ như U. 

Sáng 25.5, sau đêm đầu tiên trở lại cuộc sống của người tự do, hỏi trong giấc ngủ Lê Bá Mai mơ thấy điều gì?. Mai trả lời hóm hỉnh: “Em ngủ rất ngon, không mộng mị gì. Trở thành người tự do như bây giờ đã là một giấc mơ đẹp nhất trong đời em”. Mai cũng báo tin vui, ngay sau khi Mai được trả tự do ngay tại tòa, ông Tuân đã chính thức nhận Mai làm con nuôi. Người mà Mai nói đã có công tái sinh Mai.

Trần Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.