Bão số 4 suy yếu, bão Nesat áp sát biển Đông

27/09/2011 10:02 GMT+7

(TNO) Sáng sớm nay 27.9, sau khi đi vào vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

>> Bão số 4 đổ bộ vào miền Trung
>> Bão nối tiếp bão
>> Thêm một cơn bão mạnh hướng vào biển Đông
>> Bão số 4 cách Quảng Trị - Quảng Ngãi 340km
>> Bão số 4 uy hiếp từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam
>> Lũ cuốn trôi một bảo vệ nông trường
>> Khẩn trương sơ tán dân

Hồi 7 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,9 độ vĩ bắc; 107,6 độ kinh đông, trên vùng ven bờ các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.

 
Bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới (trái), kế bên là cơn bão Nesat đang hướng vào biển Đông - Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi vào đất liền và suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp và tan trên địa phận Trung Lào.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, khu vực vịnh Bắc Bộ ngày hôm nay (27.9) còn có gió cấp 6, giật 7, cấp 8. Biển động. Vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có gió giật cấp 6, cấp 7. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 và có mưa dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, khoảng chiều và tối nay, bão Nesat sẽ đi vào biển Đông và trở thành cơn bão số 5 trong mùa mưa bão năm nay. Nhiều khả năng, cơn bão này sẽ đi vào vùng biển giữa đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc).

Tuy nhiên, khoảng ngày 30.9, một bộ phận không khí lạnh từ phía Bắc tràn về sẽ “đẩy” bão Nesat đi xuống phía nam, đi vào vịnh Bắc Bộ. Nguy cơ bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta là hiện hữu. “Cần đề phòng trường hợp bão kết hợp với không khí lạnh gây ra một đợt mưa cực lớn tại miền núi phía Bắc, các tỉnh Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư cho biết, bão số 4 đã làm 1 người chết. Nạn nhân là anh Nguyễn Vũ Viên, sinh năm 1980, thuyền viên tàu PY-6678 bị rơi xuống biển lúc 10 giờ sáng 26.9, hiện đã tìm thấy xác. 1 tàu của ngư dân Đà Nẵng bị chìm. 2 tàu của Quảng Ngãi và Thừa Thiên-Huế bị hư hỏng,  hiện đã được lai dắt vào bờ an toàn, không có thiệt hại về người.

Trước mắt, do ảnh hưởng của bão Nesat, từ trưa nay, vùng biển phía đông khu vực bắc biển Đông có gió mạnh cấp 8 - cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - cấp 13, giật cấp 14 - cấp 15. Biển động dữ dội.

Lo ngại lũ lớn

Cũng theo ông Lê Thanh Hải, bão số 4 sau khi suy yếu, di chuyển vào lãnh thổ Lào sẽ gây mưa lớn, cung cấp nước cho thượng nguồn sông Mê Kông sẽ khiến cho diễn biến lũ tại đồng bằng sông Cửu Long nghiêm trọng hơn.

Bản tin phát đi sáng nay của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh và ở mức cao. Đến ngày 30.9, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,85m (trên báo động (BĐ) 3 là 0,35m), trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 4,2m (trên BĐ3 là 0,2m), trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa lên mức 2,1m (trên BĐ2 là 0,3m). Tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên lên mức BĐ3, có nơi trên BĐ3. Cần chủ động phòng chống lũ lớn, ngập sâu ở vùng đầu nguồn và Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học đã yêu cầu các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 4 tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ để kịp thời triển khai các biện pháp đối phó phù hợp, đạt hiệu quả cao.

“Các tỉnh khẩn trương nắm bắt tình hình thiệt hại do bão lũ gây ra, tổ chức khắc phục để chuẩn bị “đón” cơn bão Nesat. Chúng ta cũng phải thông báo và hướng dẫn ngư dân đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để di chuyển phòng tránh. Vùng biển nguy hiểm hiện tại được xác định là từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc”, ông Học nói.

Thứ trưởng Học cũng cho rằng, bão Nesat và không khí lạnh nếu “gặp nhau” sẽ gây ra một đợt mưa cực lớn ở miền Bắc. Theo ông Học, đây là hình thái gây mưa cực lớn điển hình tại khu vực này vào các tháng 9 và 10 hằng năm, cũng giống như những trận mưa kỷ lục đã từng xảy ra vào các năm 1984 và 2008. Vì thế, các địa phương cần hết sức cảnh giác, đề phòng ngập úng, sạt lở đất, đặc biệt là tại các khu vực vùng núi.

Đối với lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, ông Học yêu cầu các địa phương tiếp tục gia cố đê bao, cứu lúa, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư sáng nay cho biết, đã kiểm đếm, thông báo được tổng số 31.459 tàu, thuyền với 147.290 người đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động di chuyển, phòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Trong đó có 4 tàu với 57 ngư dân của Quảng Ngãi đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, 30 tàu với 413 người đang di chuyển về bờ và 31.424 tàu với 146.802 người đang hoạt động ven bờ hoặc các khu vực khác và neo đậu tại bến.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương, các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc công diện của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, tổ chức các đoàn kiểm tra xuống các địa phương chỉ đạo công tác đối phó với bão số 4.

Tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo việc thu hoạch lúa hè thu theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, thu hoạch được 36.000/96.000 ha.

Tỉnh Hà Tĩnh huy động 1.646 cán bộ chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng, đoàn thanh niên và cho học sinh các trường phổ thông trung học, dạy nghề nghỉ học 2 ngày để giúp dân thu hoạch lúa hè thu. Hiện đã gặt được 16.700/41.190 ha.

Tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các huyện Thăng Bình, Điện Bàn, Phú Ninh huy động mọi nguồn lực để khẩn trương thu hoạch lúa hè thu chín muộn, cơ bản đã thu hoạch xong 700 ha.

Tỉnh Quảng Ngãi đã sơ tán 26 hộ với 125 khẩu ở vùng trũng thấp tại thôn Diêm Điền (xã Tịnh Hòa) và xã Trường Thọ Đông (thị trấn Sơn Tịnh, huyện Tịnh Sơn) đến nơi an toàn.

Các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục huy động vật tư, phương tiện, nhân lực để gia cố bờ bao, đê bao, phòng chống sạt lở bờ sông bảo vệ dân cư và diện tích lúa vụ 3; di dời dân cư ở các khu vực sạt lở, ngập sâu để đảm bảo an toàn; khẩn trương thu hoạch các trà lúa đã chín.

UBND tỉnh An Giang đã công bố tình trạng lũ khẩn cấp trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo các biện pháp đối phó.

Tỉnh Đồng Tháp và An Giang đã huy động 1.509 lượt bộ đội, dân quân và lực lượng tại chỗ gia cố bờ bao tại các trọng điểm xung yếu để bảo vệ diện tích vụ 3 và vườn cây ăn trái.

 

Quang Duẩn - Tiến Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.