Sáp nhập ngân hàng

08/11/2011 00:58 GMT+7

Sáp nhập, hợp nhất là phương án mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như hầu hết các chuyên gia, các cấp có thẩm quyền nói đến nhiều nhất trong việc tái cơ cấu các NH. Nhưng để thực hiện việc này thật không đơn giản.

Bởi NH hoạt động theo luật Doanh nghiệp (DN), mà theo quy định của luật này, các DN khi phát hành tăng vốn phải được sự đồng ý của cổ đông.

Có nghĩa là NHNN muốn rót vốn vào các NH thanh khoản kém, phải được sự đồng ý của cổ đông. Trong trường hợp cổ đông không đồng ý, NHNN không thể "ép" các NH sáp nhập bằng mệnh lệnh hành chính. Vì vậy, nếu cứ nhất quyết theo phương án này, chúng ta phải tính đến phương án sửa luật theo hướng, khi một NH rơi vào tình trạng mất thanh khoản, HĐQT được quyền quyết định bán cổ phần cho NHNN. Hoặc phải ra một quy định, bắt buộc cổ đông đồng ý trong trường hợp nhất định...

Ngay cả trong trường hợp không vướng quy định trên thì việc sáp nhập các NH cũng đầy khó khăn. Mục tiêu của việc sáp nhập là để làm lớn mạnh các NH yếu. Như vậy, phải sáp nhập một NH yếu với một NH mạnh. Câu hỏi đặt ra là, liệu NH mạnh có đồng ý hay không vì khi sáp nhập nghĩa là họ phải lãnh cả những khoản nợ khó đòi và nợ xấu của NH yếu...

Trong khi thực tế, các vấn đề nội tại của ngành NH xuất phát từ việc phát triển thiếu định hướng, thiếu tiêu chí, thiếu phân loại rõ ràng các NH. Có thể nhận thấy, các NH hiện nay đều có chiến lược, đối tượng khách hàng, dịch vụ... giống nhau. Đơn cử như NH nào cũng cho vay ngoại tệ, cho vay bất động sản hay nông nghiệp... Nên mới dẫn đến tình trạng chèn ép, lôi kéo khách hàng của nhau trong khi không thiếu mảng dịch vụ lại bị bỏ ngỏ.

Vậy thay vì "nhăm nhăm" giảm số lượng các NH bằng cách sáp nhập, hợp nhất đầy khó khăn và thiếu khả thi nói trên, NHNN nên nâng cao tiêu chuẩn, quy định trong hoạt động NH. Cụ thể, phân loại, sắp xếp lại các NH theo từng nhóm. Mỗi nhóm NH hoạt động, phát triển trên một phạm vi, một thị phần nhất định. Khi đã có tiêu chí rõ ràng, các NH sẽ hoạt động có định hướng, chuyên sâu trong lĩnh vực của mình, xác định và khai thác đối tượng khách phù hợp với  NH mình. Như vậy, tình trạng rối loạn hiện nay sẽ được giảm thiểu tối đa.

Việc sáp nhập, hợp nhất lâu nay xuất phát từ việc phân biệt các NH lớn, NH nhỏ. Nhưng chúng ta chưa hề có tiêu chí nào để phân biệt. Hơn nữa, bất kỳ quốc gia nào cũng đều cần có cả NH lớn và NH nhỏ để cung cấp dịch vụ tài chính cho mỗi phân khúc của nền kinh tế và VN cũng không ngoại lệ. 

Tái cấu trúc cũng không nhất thiết là phải giảm số lượng các NH mà chất lượng, sự an toàn mới là vấn đề cốt lõi. Việc nâng cao tiêu chuẩn, phân loại các NH như nói trên nằm trong tầm tay của NHNN.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.