Vì sao xe gắn máy "bỗng dưng" cháy nổ?

14/12/2011 09:41 GMT+7

(TNO) Liên quan đến hàng loạt vụ cháy nổ xe gắn máy thời gian gần đây, ông Nguyễn Hữu Hường, Trưởng khoa Giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng phải giám sát và kiểm định chặt chẽ khâu xuất xưởng xe để có thể đem lại an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng.

(TNO) Liên quan đến hàng loạt vụ cháy nổ xe gắn máy thời gian gần đây, ông Nguyễn Hữu Hường, Trưởng khoa Giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng phải giám sát và kiểm định chặt chẽ khâu xuất xưởng xe để có thể đem lại an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng.

“Đa số người tiêu dùng mua xe chỉ có thể học và thi lấy bằng lái. Còn khả năng phát hiện các nguy cơ hỏng hóc bên trong xe để phòng ngừa cháy nổ thì chỉ có dân trong nghề mới có thể biết được”, ông Hường khẳng định.

Xe ga, xe số nguy cơ như nhau

Về nguyên nhân gây ra các vụ cháy nổ xe thời gian gần đây, ông Hường khẳng định việc cháy nổ xe chỉ có thể xảy ra khi hai hệ thống điện và xăng gặp trục trặc.

Ở hệ thống điện, khi dây dẫn điện không chịu đủ cường độ cho phép (có thể trong quá trình lắp ráp, sản xuất hàng loạt đã thay dây dẫn điện có cường độ nhỏ hơn) thì khi người điều khiển tăng ga, dẫn đến dây dẫn bị quá tải, bốc cháy.

Ở hệ thống xăng, nếu không chặt dẫn đến rò rỉ thì khi tác động đến hệ thống mồi lửa dễ dẫn đến hiện tượng cháy. Bên trong các loại xe thường có các phụ tùng dễ bắt lửa như mouse, các tấm lót, yên xe... nên ngậm lửa rồi bùng cháy rất nhanh. Và các điểm phát cháy thường nằm trên đường dây dẫn điện ở ngay bugi dẫn vào động cơ.

Theo ông Hường, không riêng gì các xe tay ga, mà cả xe số nếu gặp sự cố ở những hệ thống trên đều có thể cháy nổ.

Kiểm định xuất xưởng xe: khâu quyết định

Điều quan trọng để xác định được nguyên nhân các vụ cháy nổ xe nói trên là khâu xuất xưởng xe (thường được lắp ráp trong và ngoài nước), bởi hiện nay khâu kiểm soát lắp ráp xe ở nước ta còn giao cho các DN.

Ông Hường dẫn chứng ở nước ngoài khi sản xuất xe (ô tô và mô tô), khâu kiểm định tiêu chuẩn chất lượng được áp dụng vào từng bộ phận, từng hệ thống. Khi đạt chuẩn, mới được phép dán tem kiểm định để có thể tiến hành lắp ráp.

Trong khi ở ta thì sản xuất xong cả một chiếc xe mới được đưa đi kiểm định, đánh giá dựa trên một mối tổng hòa chung. Làm cách đó sẽ dễ xảy ra hiện tượng một bộ phận nào đó không đạt chất lượng hoặc bị thay bằng một phụ tùng khác có giá tiền thấp hơn, từ đó ảnh hưởng đến khả năng vận hành cũng như sự an toàn của người tiêu dùng.

Một điều nữa cần lưu ý, bên cạnh các tiệm sửa xe lâu năm uy tín, tư vấn rõ ràng cho người tiêu dùng, vẫn còn nhiều tiệm sửa xe vì lợi nhuận, không nghĩ đến an toàn của người điều khiển xe.

Nếu mua xe mới nên tìm đến các nhãn hiệu xe đã khẳng định chất lượng, nếu khá giả có thể mua xe nhập khẩu. Ngoài ra, cần đem xe đi bảo dưỡng định kỳ, khi đi xe bốc mùi xăng, nghe tiếng động cơ khác lạ thì nên đến tiệm kiểm tra ngay, tránh nguy cơ rước họa vào thân, ông Hường chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Dương Ngọc Dũng, Trưởng khoa Cơ khí động lực Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương cũng cảnh báo thêm rằng: Việc xe phát nổ có thể một phần do có lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất nhưng quan trọng hơn vẫn là cách vận hành và bảo quản của người chủ sở hữu phương tiện.

Ông Dũng dẫn chứng: chẳng hạn, đối với dòng xe SH được nhập về VN không có công tắc đèn đêm nên người tiêu dùng phải đến các tiệm sửa chữa xe máy “chế” lại, dẫn đến áp suất dòng điện sẽ rất lớn. Bên cạnh đó, việc chủ xe tự ý lắp đặt thêm các thiết bị điện khác không đúng kỹ thuật cũng có thể gây ra chập cháy. Ngoài ra, việc người tiêu dùng vận hành xe quá công suất cũng như việc bảo quản xe kém cũng dễ dẫn đến các thiết bị trên xe mau chóng xuống cấp. Cụ thể, khi bộ chế hòa khí sau thời gian sử dụng có thể bị thấm ướt xăng, xe lại vận hành trong thời gian dài khiến nhiệt độ tăng cao quá ngưỡng gặp hơi xăng cũng sẽ dẫn đến cháy.

Anh Nguyễn Văn Tú, chủ cơ sở sửa chữa xe gắn máy Anh Tú (Nguyễn Chí Thanh, Q.5, TP.HCM): “Ngoài việc rò rỉ nhiên liệu dẫn đến cháy thì nguyên nhân chập điện cũng rất dễ xảy ra. Chập điện có thể xảy ra trong trường hợp hệ thống điện đã được sửa chữa, đấu nối không đúng kỹ thuật hoặc đấu nối ẩu, không khít mấu nối cũng như không cách điện bằng băng keo dính. Các trường hợp này rất khó phát hiện trong quá trình vận hành xe”.

Anh Trần Thanh Hiền, chủ tiệm sửa xe máy Hiền (Quang Trung, Gò Vấp): “Hiện tượng cháy xe máy thời gian gần đây có thể phát sinh từ nguyên nhân tia lửa điện phát ra từ các mối đấu nối hoặc dây điện bị hở. Theo đó, dây điện có thể do bị chuột cắn, vỏ cách điện bị vỡ dẫn đến lõi dây chạm mát và cháy. Tia lửa điện phát sinh tại các giắc nối khi chúng tiếp xúc không tốt hoặc tại cổ góp của máy đề khi bắt đầu khởi động xe. Ngoài ra, cũng có thể thợ sửa xe quá chủ quan nên không thèm bọc lại các mấu nối bằng băng keo nên dễ chạm mạch và phát tia lửa điện, nếu gặp xăng sẽ bốc cháy”.

Trần Vũ (ghi)

Thành Trung

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.