Tiếp tục sáp nhập từ 5 đến 8 ngân hàng

12/01/2012 01:35 GMT+7

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết như vậy tại cuộc gặp gỡ báo chí cuối năm ngày 10.1.

Ông cũng  khẳng định từ nay đến hết quý 1/2012, tạm thời mặt bằng lãi suất (LS) cho vay sẽ vẫn phải đứng im ở mức hiện tại (vay xuất khẩu, nông nghiệp từ 17 - 19%/năm, vay tiêu dùng và sản xuất kinh doanh khác trên 20%/năm).

 
Giảm lãi suất là mục tiêu trọng tâm của NHNN trong năm 2012 - Ảnh: Ngọc Thắng

Mặt bằng LS này chỉ có thể hạ dần nếu lạm phát tiếp tục xu hướng giảm. Vật cản lớn nhất tới quá trình hạ LS, theo ông Bình nằm ở việc có ổn định được thanh khoản của hệ thống hay không, chừng nào chưa giải quyết được thì chưa thể nói mạnh đến chuyện giảm LS. Vì vậy ngay trong quý 1/2012, NHNN sẽ quyết liệt xử lý dứt điểm khó khăn tại một số NH thương mại. Theo đó, tiếp tục tiến hành cho sáp nhập, hợp nhất các NH yếu kém, chủ yếu dựa trên sự tự nguyện. “Vừa rồi, tái cơ cấu đã có bước đi đầu tiên hợp nhất ba NH, dự kiến trong năm 2012, đặc biệt quý 1 tiếp tục có  5 đến 8 NH tiến hành hợp nhất, sáp nhập, trong đó có cả hình thức mua lại” - ông Bình nói.

Vẫn khó giảm LS

NHNN cũng xem xét để nới lỏng tín dụng hơn, bơm tiền hỗ trợ thanh khoản cho các NH khó khăn, tạo tiền đề giảm LS cho vay, giải tỏa khó khăn đang kìm nén các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, lần này, mức nới lỏng cung tiền sẽ vẫn nằm trong giới hạn tín dụng chặt chẽ, dao động từ 15 - 17% trong cả năm 2012, và dòng tiền được “nắn” đi đúng các địa chỉ phục vụ sản xuất, kinh doanh. “Nếu bơm ra mà không phục vụ cho sản xuất kinh doanh thì bơm bao nhiêu cho đủ. Tiền bơm ra phải phục vụ cho sản xuất, tỷ lệ nào đi vào trung và dài hạn, tỷ lệ nào dùng cho vốn lưu động, NHNN sẽ cân đối hợp lý” - Thống đốc cho biết.

Việc khi nào dỡ trần lãi suất, nói vui, cũng giống như câu hỏi đến bao giờ Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng giải quyết được nạn tắc đường
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình

Nhiều ý kiến lo ngại việc bơm tiền có thể gây áp lực lên lạm phát, tuy nhiên ông Bình khẳng định trong vòng 6 tháng tới không có áp lực đáng kể, không có gì phải lo lắng vì lạm phát chỉ gia tăng nếu tiền bị bơm lệch địa chỉ, phục vụ cho đầu cơ.

Đặc biệt, trong năm 2012, lĩnh vực bất động sản sẽ không được ưu tiên tín dụng do thời gian qua, lĩnh vực này đã phát triển quá nóng, giá tăng quá cao, nhiều NH mắc nợ xấu, đang nằm chờ xử lý.

Ông Bình cho rằng năm 2012 khó khăn nhất của hệ thống NH không phải là tỷ giá, lạm phát mà lại nằm ở việc có giảm được LS cho vay hay không. “Hạ LS không thể nói là làm được ngay bởi cung tiền trong năm tới không nhiều, trong khi cầu vẫn quá lớn. Vì vậy, vấn đề cơ bản, ngoài tín hiệu giảm lạm phát, phải giải quyết được thanh khoản ngay trong quý 1, mới mong giảm được mặt bằng LS cho vay” - ông nói.

Chưa thể bỏ trần LS

Về trần LS tiền gửi 14%/năm, ông Bình khẳng định vẫn phải áp dụng, chí ít tới hết quý 2/2012. Nguyên nhân, nhu cầu vốn nền kinh tế còn cao, trong khi cung tiền hạn chế, nếu bây giờ dỡ trần, các NH khó khăn thanh khoản sẽ chạy đua LS, cạnh tranh không lành mạnh, đẩy LS cho vay lên cao. Việc duy trì trần LS nhằm tạm thời duy trì sự ổn định của hệ thống, đảm bảo LS huy động không bị đẩy lên quá cao, duy trì LS cho vay ở mức vừa phải. Trần này chỉ có thể dỡ bỏ khi hệ thống hoạt động ổn định, thanh khoản các NH lành mạnh. “Việc khi nào dỡ trần LS, nói vui, cũng giống như câu hỏi đến bao giờ Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng giải quyết được nạn tắc đường” - ông Bình ví von.

Trong năm 2012, ông Bình cho biết, NHNN lấy lạm phát làm mục tiêu điều hành LS. Cụ thể, mức lạm phát mục tiêu khoảng 9%, từ đó LS huy động tiền gửi có thể được kéo về 10 - 11%/năm, nhằm tạo đà giảm LS cho vay xuống. “Lạm phát đã giảm liên tục, nhưng LS chưa giảm vì thanh khoản hệ thống đang là vấn đề đáng ngại. Từ nay đến sau tết, mặt bằng LS không có gì thay đổi, hết quý 1 tùy theo thực tế NHNN sẽ có điều chỉnh LS phù hợp hơn” -ông Bình nói.

Giải thích thêm về nguyên nhân dẫn tới khó khăn thanh khoản hiện nay, ông Bình cho rằng, NHNN đã lường trước kể từ giữa năm 2011, bởi các NH thương mại đã chủ yếu dùng vốn ngắn hạn huy động được cho vay trung và dài hạn - thực trạng này đã tồn tại suốt thời gian qua. Điều đáng tiếc, dù có quy định các NH chỉ được sử dụng 30% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nhưng các NH thực hiện không nghiêm túc, cá biệt có NH đẩy tỷ lệ này lên tới 100% nhưng NHNN cũng không có bất cứ chế tài nào để xử lý. Cho tới nay, khi các nguồn cung tiền bị thắt lại, lập tức nhiều NH rơi vào khó khăn thanh khoản.

Tỷ giá không biến động quá 3%

Trong năm 2012, với những yếu tố tích cực như xuất khẩu sẽ vẫn trên đà tăng trưởng, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư khoảng vài tỉ USD, nên theo ông Bình tỷ giá không có gì đáng ngại. Mức biến động nếu có chỉ không quá 3%. Vì vậy, nếu LS tiền gửi tiền đồng 14%, so với LS tiền gửi USD hiện nay 2%, người gửi tiền đồng hoàn toàn có lợi. NHNN cam kết và đảm bảo người gửi tiền đồng sẽ có lợi hơn USD.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.