(TNO) Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học tại Trường ĐH Newcastle và Văn phòng khảo sát sản phụ khoa Anh cho biết những người mẹ mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh cao gấp 4 lần so với những sản phụ khác, theo Reuters.
Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu trên 401.149 phụ nữ mang thai tại miền bắc nước Anh, trong đó có 1.677 người bị bệnh tiểu đường từ năm 1996 đến 2008.
Kết quả cho thấy khoảng 1/13 trẻ sơ sinh là con của những người mẹ mắc chứng tiểu đường loại 1 và loại 2 bị ảnh hưởng bởi những dị tật bẩm sinh phổ biến như bệnh tim và tật nứt đốt sống.
Kết quả kiểm tra ở những trẻ sơ sinh là con của những bà mẹ bình thường thì tỷ lệ này là 1/50.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng lượng đường trong máu của các bà mẹ càng cao thì càng làm tăng nguy cơ dị tật ở trẻ. Dị tật bẩm sinh ở đối tượng này thường là các chứng bệnh tim và dị tật ở hệ thần kinh như nứt đốt sống.
|
Các chuyên gia thuộc Quỹ từ thiện dành cho người tiểu đường ở Anh - nơi tài trợ cho nghiên cứu này, cảnh báo rằng những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường nếu muốn lập gia đình thì nên tham khảo lời khuyên của các bác sĩ nhằm kiểm soát tốt lượng đường trong máu để có thể giảm nguy cơ dị tật ở trẻ xuống mức thấp nhất.
Họ cũng nhấn mạnh rằng đa số phụ nữ bị bệnh tiểu đường vẫn có thể sinh con khỏe mạnh.
Nhà khoa học Ruth Bell cho biết: “Các bà mẹ có thể giảm thiểu nguy cơ dị tật thai bẩm sinh bằng cách kiểm soát lượng đường trước thai kỳ. Tất cả những phụ nữ trẻ mắc bệnh tiểu đường cần phải trang bị những kiến thức cần thiết trước khi mang thai và nên đến bác sĩ tư vấn cách kiểm soát lượng đường càng sớm càng tốt nếu như họ muốn mang thai hoặc chuẩn bị mang thai”.
Các nhà khoa học cũng đưa ra lời khuyên rằng những người có lượng đường cao có thể giảm đường bằng cách thay đổi thói quen ăn uống và ăn kiêng, hoặc tiếp nhận điều trị y tế trước khi mang thai.
Bác sĩ Lain Frame, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh tiểu đường ở Anh, cho biết: “Nghiên cứu này chứng tỏ rằng mặc dù phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ sinh ra con bị dị tật khá cao nhưng họ vẫn có thể giảm thiểu nguy cơ này, ví dụ như theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu và cố gắng kiểm soát nó. Việc kiểm soát lượng đường trong máu rất quan trọng và nên tiến hành suốt thời gian mang thai. Càng theo dõi kỹ bao nhiêu thì càng tốt cho em bé bấy nhiêu”.
Kết quả cuộc nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Diabetologia của Hội nghiên cứu bệnh tiểu đường châu u.
Ngát Ngọc
>> Mẹ trị tiểu đường, con tránh bị béo phì
>> Bệnh tiểu đường nguy hiểm cho thai nhi
>> Khi thai phụ bị tiểu đường
>> Những điều cần biết trước khi mang thai
Bình luận (0)