(TNO) Sáng 27.3, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà tuyển dụng về chương trình đào tạo báo chí.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông - Trưởng khoa Báo chí và truyền thông, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết, hiện nay các cơ quan báo chí đòi hỏi nhân lực biết làm báo chứ không chỉ biết viết báo. Điều này đặt ra áp lực lớn cho công tác đào tạo trong bối cảnh “không yên tâm với những môn học kinh điển”.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông nhận định internet phát triển đem lại những điều khó lường đòi hỏi các sinh viên báo chí phải nắm bắt kịp thông tin.
Với tư cách nhà tuyển dụng, nhà báo Nguyễn Đức Quang (Đài truyền hình TP.HCM - HTV) nói hằng năm, cơ quan này phải bỏ ra trên 10 tỉ đồng để đào tạo nâng cao và đào tạo lại phóng viên, biên tập viên, trong đó không ít người là sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí.
|
Nhà báo Đức Quang cho rằng, giáo trình đào tạo ngành báo chí cũ và chưa cập nhật những kiến thức mới trong lĩnh vực truyền hình.
Nhà báo Trần Trọng Thức, Thư ký tòa soạn báo Doanh nhân Sài Gòn - người từng có nhiều năm giảng dạy báo chí cho rằng chương trình đào tạo cho sinh viên báo chí cần thiết kế các môn học để giúp sinh viên yêu nghề... Ngoài ra, chương trình học cần chú trọng đào tạo những người làm báo (người làm công tác thư ký tòa soạn, biên tập viên, kinh tế báo chí...).
Nhà báo Trần Trọng Thức nêu quan điểm: chương trình đào tạo báo chí ở trường ĐH cần tránh tình trạng đọc chép nhàm chán. Thay vào đó, người dạy nên tổ chức cho sinh viên thảo luận, tranh luận nhóm về những vấn đề thời sự.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Trân đánh giá cao công việc xây dựng chương trình đào tạo báo chí của Khoa Báo chí và truyền thông, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM; đề xuất cần thành lập ban giáo trình để chọn lọc, dịch tài liệu tham khảo cho sinh viên.
“Phần lớn các sách dịch (về báo chí - PV) do một số nhà xuất bản thực hiện khá tệ hại. Đã có tới ba bài báo vạch trần những chỗ sai - nhiều khi rất ấu trĩ của những bản dịch sách báo chí của nhà xuất bản đó. Vậy liệu có nên sử dụng chúng để làm sách tham khảo”, nhà báo Ngọc Trân nói.
Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, “kiềng ba chân” là giới trực tiếp làm nghề - quản lý - đào tạo báo chí thời gian gần đây đã có những dấu hiệu xích lại gần nhau và có chuyển động tích cực.
Cụ thể, Khoa Báo chí và truyền thông, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã kết hợp với Báo Thanh Niên, Báo Lao Động thành lập những câu lạc bộ ngay trong các tòa soạn để sinh viên báo chí có điều kiện trải nghiệm thực tế trong môi trường làm báo chuyên nghiệp ngay từ những năm đầu.
Vy Anh
>> An toàn cho nhà báo
>> Vụ nhà báo Lê Hoàng Hùng bị đốt: Tòa trả hồ sơ để điều tra lại
>> Hai nhà báo Thụy Điển bị xử 11 năm tù ở Ethiopia
Bình luận (0)