Bệnh thủy đậu và tiêu chảy tăng mạnh

18/04/2012 18:49 GMT+7

(TNO) Nam bộ đang trong mùa nắng nóng chính là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh gia tăng, đặc biệt là thủy đậu và tiêu chảy.

(TNO) Nam bộ đang trong mùa nắng nóng chính là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh gia tăng, đặc biệt là thủy đậu và tiêu chảy.

Theo ghi nhận của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), tuần qua (tính đến ngày 17.4), bệnh viện này đã tiếp nhận 267 trường hợp đến khám do tiêu chảy, trong đó có 80 trường hợp phải nhập viện.

Với bệnh thủy đậu, đã có 107 lượt đến khám với 10 ca nhập viện.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), trong một tháng qua, có gần 4.500 lượt khám chẩn đoán tiêu chảy, trong đó có hơn 1.100 ca phải nhập viện điều trị.

 
Bệnh nhi điều trị bệnh tiêu chảy cấp tại Bệnh viện Nhi đồng 2 - Ảnh: Nguyên Mi

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Mạnh Hùng - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - đánh giá tiêu chảy là bệnh có thể tự điều trị ở nhà nên thường số lượng người bị tiêu chảy cấp trong mùa nắng nóng này cao hơn rất nhiều số bệnh nhân nhập viện.

Bệnh nhân chỉ đến viện khám khi chịu không nổi và bắt đầu có các biểu hiện nặng, triệu chứng ồ ạt, dữ dội như sốt cao, ói, đi tiêu liên tục, đau bụng dữ dội hoặc đã tự điều trị mà không dứt.

Vì thế, các bác sĩ cảnh báo, mùa nóng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển do thức ăn mau ôi thiu, biến chất; rác thải, thực phẩm thừa, xác súc vật chết dễ phân hủy; phát sinh ruồi muỗi mang vi trùng truyền bệnh.

Trong khi đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho biết riêng tại bệnh viện này, số trường hợp mắc thủy đậu đã tăng rất nhiều. Trong ba tháng đầu năm 2012, số trường hợp bệnh thủy đậu đến khám ngoại trú là 1.552 ca, tăng gấp đôi so với ba tháng đầu năm 2011.

 
Nhiều người lớn cũng mắc bệnh thủy đậu - Ảnh: Nguyên Mi

“Thời gian tháng 3 đến tháng 5 cũng chính là mùa cao điểm của bệnh thủy đậu, đặc biệt là tháng 4 nắng nóng”, bác sĩ Khanh cảnh báo.

Thủy đậu (hay còn gọi trái rạ) là bệnh nhiễm có tính lây lan rất cao và dễ tạo dịch trong cộng đồng. Những nơi tập trung đông người như trường học, cơ quan, xí nghiệp… là môi trường rất dễ bùng phát thành dịch.

Đặc biệt, tỷ lệ mắc bệnh nhiều nhất tập trung ở trẻ từ 1-10 tuổi.

Biến chứng hay gặp nhất từ thủy đậu là nhiễm trùng các nốt ban gây nhiễm trùng da có thể dẫn đến sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của trẻ khi lớn lên.

Ngoài ra, thủy đậu còn có thể gây biến chứng viêm phổi, nhiễm trùng huyết và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Nguyên Mi

>> Các bệnh xảy ra nhiều trong tháng 4
>> Bù nước khi tiêu chảy
>> Thủy đậu, vì sao đã tiêm ngừa vẫn mắc lại?
>> Bảo vệ trẻ trước dịch thủy đậu
>> Thủy đậu, giữ vệ sinh để tránh biến chứng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.