Hồi ức của một phóng viên chiến trường

29/04/2012 03:47 GMT+7

Câu chuyện này như một lát cắt nhân ái, trong những ngày bom đạn tàn phá Việt Nam 40 năm trước.

>> Ký ức một thời máu lửa

 ông Trần Văn Ba đang dìu bà mẹ chạy từ Quảng Trị vào Huế năm 1972
Bức ảnh ông Trần Văn Ba đang dìu bà mẹ chạy từ Quảng Trị vào Huế năm 1972
- Ảnh do ông Trần Văn Ba cung cấp

Là phóng viên chiến trường của AP từ năm 1968 đến năm 1975, vào năm 1972 (lúc 37 tuổi), ông Trần Văn Ba nhận nhiệm vụ tác nghiệp ở Quảng Trị. Ông đeo lỉnh kỉnh trên người đủ thứ máy móc, từ máy ảnh Leica cho đến máy quay hiện đại nhất do hãng trang bị, xông xáo lùng sục khắp nơi ở khu vực thành cổ, nơi diễn ra những trận đánh vô cùng quyết liệt giữa quân giải phóng và quân đội Sài Gòn. Những hình ảnh tang tóc vẫn còn như in hằn khắp mọi nẻo đường. Các công trình lớn tại thị xã Quảng Trị hồi ấy như chùa Tỉnh hội, Trường trung học Nguyễn Hoàng, Ty Hành chánh, rạp chiếu bóng Kim Châu, Trường trung học Bồ Đề... đều tan tành vì những đợt bom rải thảm khốc liệt của B52 và pháo từ Hạm đội 7 của Mỹ bắn vào. “Lúc tôi ra, chỉ còn ngôi trường Bồ Đề trơ ra từng lõi sắt, từng mảng bê tông treo lơ lửng, còn Thành cổ thì lỗ chỗ vết đạn. Có nơi tường thành bị sạt hẳn mất một góc lớn, người dân thì đã tản cư hết vào Huế hoặc Đà Nẵng…”, ông Trần Văn Ba nhớ lại.   

Tình người trong bom đạn 

Trong một lần tác nghiệp, ông Ba phát hiện ra một điều kỳ diệu: ở phía bắc Thành cổ, có một bà mẹ già đơn độc đang sống trong một nửa chuồng heo còn sót lại.

Trong thư gửi đến Thanh Niên, ông Ba kể lại rằng lúc thấy bà mẹ ngồi trong chuồng heo đã bị bay mất một nửa, ông đã giật mình. “Tôi đứng lại nhìn mẹ, mẹ nhìn lại tôi chăm chăm không nói, mẹ cúi đầu chắp tay lạy tôi mấy lạy. Tôi đưa máy ảnh, mẹ khoát tay. Tôi cúi đầu lặng lẽ ra đi, trên đường tôi tự trách mình sao không dừng lại hỏi mẹ vài câu. Trên đường chiều về, tôi quyết tâm tìm đến mẹ. Nhìn thấy tôi, mẹ vẫn tựa lưng ngồi, đôi mắt đăm đăm nhìn tôi không nói...”.

Sáng hôm sau, ông Ba lại tìm và tặng bà mẹ một chiếc mền của lính, bịch gạo sấy, hộp thịt ba lát khui sẵn và bi đông nước. “Bà nhận tất cả nhưng vẫn tựa lưng ngồi, không nói, không cười và cũng không một lời cảm ơn”, ông Ba kể và nói thêm dường như một nỗi đau mất mát cùng cực đã khiến cho bà mẹ trơ ra, không dâng lên một chút cảm xúc nào khi gặp lại người đã giúp mình.

Sau ba hôm, khi biết tin sẽ có một đợt bom rải thảm ở Quảng Trị, ông Ba lại rời Huế ra Quảng Trị rất sớm để quyết tâm tìm cứu bà mẹ. Ông mua một gói bắp hầm lúc trời chưa sáng. Ra đến Quảng Trị thì trời mưa như trút nước. Tìm đến cái chuồng heo, bà mẹ đã ướt đẫm. Ông đưa gói bắp và động viên bà mẹ ăn hết. “Tôi phải nói mẹ ăn hết gói bắp hầm, con mới đưa mẹ ra khỏi nơi này. Nghe tôi nói, mẹ quá mừng, gói bắp hầm trên tay mẹ rơi xuống đất”, ông Ba viết trong thư.

Khi bà mẹ ăn xong, ông Ba bế bà ra khỏi cái chuồng heo.“Đôi chân mẹ đã đứng vững cùng với cặp nạng tre, tôi quá mừng vì đoạn đường đi còn dài. Chân mẹ run run khập khiễng từng bước một với cặp nạng tre để rồi tôi phải dìu, phải dắt, phải cõng mẹ qua những đoạn đường lồi lõm, gồ ghề, những lằn bánh xe nhà binh để lại trên đường đi”.

Bức ảnh lịch sử

Ông Ba kể trên con đường dài 28 km từ Thành cổ Quảng Trị đến huyện Phong Điền (thuộc Thừa Thiên-Huế), nơi có trại tị nạn cho người dân trong vùng chiến sự, ông đã rất khó khăn dìu bà mẹ lội bộ từng bước. Khoảng xế chiều, khi có xe của hãng AP từ Huế ra đón, phóng viên Nick Út đã dùng chiếc máy Nikon của mình chụp bức ảnh ông Ba đang dìu bà mẹ trên con đường lầy lội. Trong bức ảnh ông Ba gửi cho chúng tôi, bà mẹ hai tay cầm hai chiếc gậy, đội nón lá. Còn ông Ba thì tay xách nách mang đủ thứ trên người, nào máy ảnh, máy quay phim, vài túi đồ đạc của bà mẹ và đôi dép, một tay nắm tay bà mẹ dìu đi vì sợ bà ngã…

Cho đến cuối ngày, ông Ba cũng đưa được bà mẹ đến chỗ người ta nhận giúp đồng bào lánh nạn. “Người ta hỏi cụ già này ở mô, tôi nhanh nhẹn trả lời đây là mẹ tôi ở tận ngoài Quảng Trị. Tôi gởi mẹ ở đây, hai tuần sau tôi sẽ đến nhận”, ông Ba kể. Thế nhưng, sau hai tuần ông trở lại tìm bà mẹ, ở trại tị nạn trả lời rằng bà mẹ đã ra đi trước đó mấy ngày.

Trong thư gửi đến Thanh Niên, ông Trần Văn Ba xúc động viết: “Mẹ ơi! Tấm ảnh mẹ con mình vô tình còn lại là một chứng nhân trong cuộc chiến”. Và cuối thư, ông nói lên nguyện vọng của mình: “Xin những ai là thân nhân, con cháu mẹ xem tấm ảnh này và những lời tôi đã viết trên liên lạc với tôi để có một lần tôi ra Quảng Trị thăm mộ mẹ và đến cổ thành, đốt nén hương lòng tưởng nhớ đến những anh hùng liệt sĩ còn nằm lại ở đây”.

Ngày 25.4, PV Thanh Niên đã gửi email cho PV Nick Út để hỏi thêm về lai lịch bức ảnh. Từ Mỹ, ông Nick Út trả lời qua email rằng: “Anh có nhận được điện thoại của anh Ba, cũng là bạn thân của anh hiện giờ sống ở Đà Lạt. Nhiều hình ảnh chiến trường ngày xưa anh không nhớ nhiều. Anh biết hình Quảng Trị và cổ thành thời đó chụp rất nhiều. Hiện anh đang rất bận rộn, năm nay kỷ niệm 40 năm bức hình cô Kim Phúc, anh phải trả lời nhiều cuộc phỏng vấn các báo ở nước ngoài. Mong năm tới gặp nhau ở Việt Nam”.

Sau khi nhận được email của Nick Út, tôi liên hệ lại ông Trần Văn Ba. Ông tiếp tục khẳng định bức ảnh ấy là do Nick Út chụp nhưng có lẽ do quá lâu nên Nick Út đã quên. Ông Ba nói: “Sau 1975, tư liệu và kho hình ảnh những ngày tác nghiệp ở chiến trường của tôi bị thất lạc gần hết. Tôi chỉ muốn gửi những bức ảnh còn sót lại và lá thư đến Báo Thanh Niên để xem đó như là chứng nhân cho một thời kỳ chiến tranh khốc liệt đã diễn ra trên đất nước thân yêu của chúng ta mà thôi”.

Vì vậy, thiết nghĩ bức ảnh nói trên cần được công bố. Và trên tinh thần ấy, Thanh Niên xin được để ngỏ mục tác giả ảnh, xem như là một hình ảnh đã từng diễn ra trong quá khứ, và một câu chuyện đầy tính nhân văn xảy ra trong thời kỳ chiến tranh…  

PV Mặt trận chụp hình cho phóng viên của AP

 phóng viên chiến trường của AP năm 1972 - Trần Văn Ba
Ảnh: do ông Trần Văn Ba cung cấp

Ông Trần Văn Ba cũng gửi đến Thanh Niên một bức ảnh chụp ông đang đứng trước cổng chào của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (MTDTGPMN) trong ngày hai bên trao trả tù binh tại bờ bắc sông Thạch Hãn năm 1973. Phía sau ông là một rừng cờ Mặt trận, rất nhiều những người lính giải phóng và câu khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Ông kể: “Tấm hình này do thiếu tá Bá - đại diện báo chí của MTDTGPMN chụp cho tôi để làm kỷ niệm và may mắn là tôi còn giữ lại được”.


Trần Thanh Bình

>> Tri ân và lưu danh liệt sĩ Thành Cổ
>> Lễ cầu siêu Quốc thái dân an, tri ân các anh hùng liệt sĩ
>> Hoài niệm chiến trường ở Thành cổ
>> Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ mãi mãi sáng ngời
>> Phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng
>> Xây dựng công trình tưởng niệm bên sông Thạch Hãn
>> Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Quảng Trị
>> Quảng Trị: Khánh thành tháp chuông tưởng niệm liệt sĩ Thành cổ
>> Chuyện ở Ngã ba Đồng Lộc
>> Thành cổ một thời "lửa thép
>> Ngày 27.7, tổ chức lễ cầu siêu cho các liệt sĩ

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.