Điêu đứng vì khói bụi

03/05/2012 10:25 GMT+7

Xóm cầu Nghìn, xã An Bài, H.Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình từ nhiều năm qua phải sống chung với khói bụi và khí thải của các lò vôi.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực này có hàng trăm lò vôi hoạt động suốt ngày đêm, bụi khói trùm cả đất trời như một màn sương mù dày đặc. Mỗi khi xe tải đi qua, bụi lại bay mù mịt.

Tại ngôi nhà của ông Bùi Văn Hoan, bán đồ điện, từng lớp bụi đen kịt bám quanh cửa sổ, trên các bình ắc-quy, bụi bám phủ kín khiến không biết đâu là cực dương, cực âm. Ông Hoan bức xúc: “Mỗi ngày, gia đình tôi phải quét nhà hàng chục lần, cứ vài tiếng, bụi theo gió tạt vào nhà phủ trắng giường tủ, bàn ghế, chúng tôi chịu cảnh này đã gần 10 năm rồi”.

Để tránh bụi, người dân ở đây nhà nào cũng phải căng vài tấm vải bạt che trước sân, cửa nhà lúc nào cũng đóng im ỉm. Nhưng bụi vẫn luồn vào nhà và phủ khắp nơi, xe dựng trong nhà chỉ một ngày là bụi bám dày, quần áo giặt xong, phơi khô lại bẩn không khác gì quần áo của người đi làm than. Bát đũa, xoong nồi phải được che đậy kỹ, nếu không, bụi bám trắng xóa.

Đi trong khu dân cư, chúng tôi gặp một cư dân trong xóm là bà Nguyễn Thị Dinh khi đang cầm chiếc vòi nước chuẩn bị phun nước ra đường giảm bụi. Bà bảo, khổ nhất là vào mỗi bữa cơm, “sơ ý không đóng cửa trước bữa ăn, phải cái xe tải chạy qua, bụi quấn theo gió tạt cả vào nồi cơm, khi ăn cơm, sạn sột soạt trong mồm”, bà Dinh nói.

Theo một số người dân, bụi còn xuất phát từ các bãi vật liệu xây dựng, nhà máy chế biến hạt điều, công ty tái chế sắt, nhà máy gạch… xung quanh khu vực nhưng nhiều nhất vẫn ở lò vôi hoạt động suốt ngày đêm. Vào ban ngày, khi các công nhân đưa vôi từ lò ra, xỉ than còn bị gió cuốn, khiến không gian lại thêm một lớp bụi dày.

Ông Nguyễn Trung Kiên, 57 tuổi, tổ trưởng tổ dân phố xóm cầu Nghìn cho hay, trong khu vực có 53 lò vôi đang hoạt động, thải ra khói bụi làm ảnh hưởng, xáo trộn đời sống người dân ở đây từ năm 2002.

“Năm 2012, bà con có ý kiến nhiều, do đó chúng tôi đã họp bàn và thành lập một nhóm gồm tổ trưởng, thủ quỹ, thư ký và thuê năm công nhân thay ca nhau quét bụi, gom đất, đá quanh khu vực cầu Nghìn. Tôi còn phải cùng một số hộ dân đến gặp các ông chủ lò vôi trao đổi về tình trạng ô nhiễm, yêu cầu họ đóng góp 150.000 đồng/ống khói để có tiền hàng tháng chi trả cho công nhân. Mỗi tháng, thủ quỹ phải đi thu tiền và trả lương 1.500.000 đồng/công nhân”, ông Kiên cho biết.

Bà Bùi Thị Hoàn, 60 tuổi, cũng là người trong xóm cầu Nghìn cho hay, bà mới làm “công nhân” được hai tháng, khi vào làm bà được tổ trưởng dân phố cấp cho một chiếc xe rùa, xẻng và chổi, hằng ngày quét bụi hai lần vào 5 giờ sáng và 16 giờ chiều. “Mỗi lần quét xong đoạn đường phải mất ba tiếng đồng hồ, nhiều hôm mưa, cát, đá đọng lại, phải mất bốn tiếng”, bà Hoàn chia sẻ.

Tuy nhiên, điều khó nói của người dân xóm cầu Nghìn là trong số 92 hộ dân sinh sống ở đây thì có đến 80% người dân làm công nhân trong các lò vôi gây ô nhiễm.

Nguyễn Đức

>> Tái chế nhựa, gây ô nhiễm môi trường
>> Quy hoạch khu công nghiệp để đổ rác
>> Làng đại... rác
>> Nhà máy tinh bột mì gây ô nhiễm
>> Dân bức bối vì rác thải y tế
>> Dân bức xúc chặn xe chở rác
>> Bệnh tật vì thiếu nước sạch
>> Không khí bẩn, bệnh phổi tăng 10-20 lần
>> Hàng ngàn hộ dân ở Nha Trang thiếu nước sạch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.