>> Khó tiếp cận vốn vay 15%
>> Từ 8.5, trần lãi suất cho vay 15%/năm
>> Chính sách vì... ngân hàng
Sợ tình hình tài chính doanh nghiệp không lành mạnh
Trao đổi với Thanh Niên Online, TS.Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, vấn đề hiện nay giữa ngân hàng (NH) và khách hàng không đơn giản chỉ là lãi suất (LS) cao hay thấp. Thực tế, tại LienVietPostBank trước khi áp trần cho vay 15%/năm đối với lĩnh vực tam nông (nông nghiệp - nông thôn - nông dân), xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, NH cũng đã giải ngân rất mạnh, có thời điểm dư nợ tín dụng lên tới 5.000 tỉ đồng, chiếm tới 50% tổng dư nợ.
Thậm chí, theo ông Hưởng, NH còn dành riêng 200 tỉ đồng với LS cho vay chỉ 13%/năm cho vay đối với các hộ nông dân tại Hậu Giang. “Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay tại các NH là họ sợ rủi ro, tình hình tài chính của DN không lành mạnh nên không dám cho vay, chứ không chỉ nằm ở vấn đề lãi cao hay thấp. Vì vậy, việc áp trần LS 15%/năm cũng chưa chắc đã mở rộng thêm được đối tượng, nếu không kèm theo các giải pháp khác” - ông Hưởng nói.
Cũng theo vị lãnh đạo này, trong hai ngày vừa qua, kể từ khi áp trần LS 15%/năm, lượng khách hàng mang hợp đồng đến đã bắt đầu tăng lên, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xuất khẩu và nông nghiệp.
“Chúng tôi đang xem xét hồ sơ mới và sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn vốn, nếu DN có phương án kinh doanh khả thi, đúng đối tượng và có tình hình tài chính lành mạnh” - TS. Hưởng nói thêm.
Đồng quan điểm trên, ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc NH cổ phần Xuất Nhập khẩu (Eximbank) cũng cho rằng, vấn đề là NH không dám cho vay ra chứ không phải do mức LS cao hay thấp. Hiện nay, LS trái phiếu, tín phiếu ở mức trên 10%, thấp hơn nhiều so với lãi vay; đặc biệt, LS liên NH hiện ở mức thấp chưa từng có, chỉ dưới 5%, nhưng NH vẫn rót tiền vào để đảm bảo an toàn thay vì đi giải ngân cho DN.
Theo ông Phước, Eximbank đã có một gói vay 1.500 tỉ đồng dành cho DN thu mua lương thực, với lãi suất ưu đãi 14%/năm, nhưng cho đến giờ chỉ mới giải ngân được 600 tỉ đồng. Các gói vay khác có lãi suất dao động từ 13,5-15% cũng đã được triển khai nhưng DN vẫn không mặn mà.
Ông Phạm Quang Tùng - Phó tổng giám đốc NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết hiện NH đang tích cực giải ngân cho các đối tượng ưu tiên. Các DN dệt may, gỗ, da giày, cà phê… được áp mức lãi suất tối đa 15%/năm, thậm chí được ưu đãi thêm lãi suất 0,5%/năm và miễn, giảm phí các dịch vụ tài chính khác… Đối với ngành gạo, BIDV cho vay tạm trữ thóc gạo, với LS tối đa chỉ 14%/năm và ưu tiên dành nguồn vốn đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của DN.
Nâng cao khả năng hấp thụ vốn
Trong khi đó, các chuyên gia đề nghị NHNN cần thêm cơ chế hỗ trợ khác mới mong đồng vốn đi được vào đúng đối tượng này. Cụ thể, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN, các hiệp hội, địa phương phải phối hợp cùng với DN, xem xét trong danh sách DN thuộc đối tượng ưu tiên, có phương án kinh doanh khả thi, đầu ra tốt cần phải được bảo lãnh để vay vốn, nếu không với tình hình tài chính như hiện nay, tự thân DN rất khó tiếp cận.
Chuyên gia kinh tế TS.Vũ Đình Ánh cho rằng, việc NHNN áp trần LS cho vay ngắn hạn nhằm kéo mặt bằng LS ngắn hạn xuống mức kỳ vọng thị trường, song mức độ đa dạng nguồn huy động cũng như kỳ hạn cho vay, mức độ rủi ro khác nhau sẽ khiến việc xác định NH tuân thủ chênh lệch lãi suất 3% là vấn đề không đơn giản. Bởi câu chuyện ở đây không chỉ là việc các NH đi vay 10 tỉ đồng rồi mang cho vay 10 tỉ để hưởng chênh lệch lãi suất 3%, mà còn cần tới mảng lợi nhuận khác cao hơn, có lời hơn.
TS. Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ Quốc gia, cho biết việc áp trần LS cho vay lẽ ra phải thực hiện sớm hơn nhiều, chứ không phải đợi đến thời điểm hiện tại. Vào thời điểm đầu năm 2011, để hạn chế cuộc đua LS giữa các NH, việc quy định trần huy động đã phát huy tác dụng nhất định, giúp ổn định thị trường. Tuy nhiên, chỉ nên coi đây là biện pháp mang tính hành chính tạm thời...
Với tỷ lệ (+) 3% so với lãi suất huy động tối đa, DN đã có niềm tin hơn vào sự chia sẻ khó khăn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, gỡ được nút thắt này rồi thì vấn đề là làm sao phải thúc đẩy, nâng cao hơn nữa khả năng hấp thụ của các DN, nhằm đưa đồng vốn vào phát triển mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Anh Vũ
Bình luận (0)